Lâu đài trên cát?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út (Saudi Pro League) đang vung tiền mua hàng loạt siêu sao từ châu Âu, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ronaldo (ngoài cùng bên phải) ăn mừng trong trận Al- Nassr giành chiến thắng 5-1 trên sân Al Hazem ngày 3/9.
Ronaldo (ngoài cùng bên phải) ăn mừng trong trận Al- Nassr giành chiến thắng 5-1 trên sân Al Hazem ngày 3/9.

Giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út (Saudi Pro League) đang vung tiền mua hàng loạt siêu sao từ châu Âu, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cách làm này không mới, vậy nên, nhiều người sớm có dự cảm về một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ nhưng bên dưới chỉ là nền cát mong manh, dễ sụt lún.

Đốt cháy giai đoạn

Thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2023 khép lại, giải đấu chi tiêu nhiều nhất thế giới dĩ nhiên vẫn thuộc về Premier League, với 2,1 tỷ bảng. Đứng ở vị trí thứ 2 không phải là những giải đấu lớn châu Âu như La Liga, Serie A hay Bundesliga, mà thuộc về thế lực đang trỗi dậy đến từ châu Á, Saudi Pro League với 728 triệu bảng.

Quốc gia vốn được biết đến với sa mạc, khô cằn, khắc nghiệt của nhiệt độ cao đã trở thành điểm đến của nhiều siêu sao như Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, N’Golo Kante, Roberto Firmino hay Neymar…

Không chỉ gây sốc với số tiền chuyển nhượng, Saudi Pro League còn khiến người ta choáng váng với những mức lương… trên trời. 200 triệu euro, 199 triệu euro hoặc 100 triệu euro lần lượt là mức lương dành cho Ronaldo (Al-Nassr), Karim Benzema và N’Golo Kante (Al-Ittihad).

Ngay cả cầu thủ “hạng 2” bóng đá Anh, tiền vệ Jordan Henderson cũng nhận mức lương 42 triệu euro/năm khi đến xứ sở đầy nắng và cát. Và nếu Messi nhận lời đến Saudi Pro League thì anh sẽ thiết lập mức lương không thể tin nổi, 400 triệu euro/năm.

Đặc biệt, tổng lương 10 ngôi sao hàng đầu Saudi Pro League hiện là 710 triệu euro, nhiều hơn tổng quỹ lương của 20 câu lạc bộ Serie A mùa giải trước cộng lại - 705 triệu euro. Vậy tiền ở đâu mà các đội bóng của Ả-rập Xê-út có thể thách thức nền bóng đá “lục địa già”?

Trên thực tế, gần như tất cả các hợp đồng “bom tấn” của Saudi Pro League chỉ xoay quanh 4 câu lạc bộ, gồm: Al-Nassr, Al-Ittihad, Al-Hilal và Al-Ahli. 4 đội bóng này nhận được những khoản đầu tư bất tận và không cần hoàn lại từ Quỹ đầu tư công Ả-rập Xê-út (PIF), với tổng tài sản ước tính 400 tỷ euro.

Tất nhiên, việc Saudi Pro League nhận đầu tư tiền tấn bởi nó là một phần trong chương trình “Tầm nhìn 2030”, chiến lược mà người Ả-rập Xê-út nỗ lực giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, mở ra nhiều thay đổi mang tính đột phá.

Thể thao và du lịch đồng thời gánh vác trọng trách mang đến hình ảnh mới, cởi mở và đa dạng cho Ả-rập Xê-út đến thế giới. Thế nên, sau công thức 1, mới đây PIF đã công bố gói tài trợ 2 tỷ euro cho giải golf mới nhằm cạnh tranh với PGA Tour, đơn vị đứng ra tổ chức các tour golf chuyên nghiệp cho các golfer hàng đầu thế giới, và giờ là bóng đá.

Về lộ trình, người Ả-rập Xê-út đang “ném tiền qua cửa sổ” để đạt đến những mục tiêu cụ thể, như năm 2027 tổ chức Vòng chung kết ASIAN Cup, và đặc biệt họ tái khởi động chiến dịch chạy đua giành quyền đăng cai Vòng chung kết World Cup 2034 sau khi chấp nhận lùi một bước ở chiến dịch World Cup 2030. Saudi Pro League được kỳ vọng sớm bắt kịp giải nhà nghề Nhật Bản, Hàn Quốc, những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á.

Để có thể tiến nhanh, tiến mạnh như sự kỳ vọng của PIF, mới đây Saudi Pro League đã sửa luật để các câu lạc bộ được đăng ký tối đa cầu thủ nước ngoài lên con số 8/đội, mùa trước là 7, đồng thời các đội bóng không chịu sự ràng buộc của Luật Công bằng tài chính như bóng đá châu Âu.

Trong cuộc trò chuyện độc quyền với tờ Marca (Tây Ban Nha), Giám đốc bóng đá Saudi Pro League, ông Michael Emenalo, cho biết, mục tiêu của Ả-rập Xê-út là muốn đưa giải vô địch quốc gia vào tốp 5 giải đấu hàng đầu thế giới.

“Đó không phải là cái đích viển vông trên trời. Chúng tôi chưa thể xác định điều đó có thể đến trong 3, 5 hay 7 năm nữa, song mọi thứ đang diễn ra. Saudi Pro League có động lực để biến mục tiêu thành hiện thực. Nhiều thứ thay đổi quá nhanh. Ronaldo đến, mới đây chúng tôi có Benzema, Kante hay Neymar, giải đấu đang được nâng tầm và phát triển rất nhanh với những cầu thủ giỏi nhất thế giới”, ông Michael Emenalo phát biểu.

Benzema ghi bàn góp công giúp Al-Ittihad Al Ittihad thắng 4-0 trước Al- Riyadh ngày 25/8.

Benzema ghi bàn góp công giúp Al-Ittihad Al Ittihad thắng 4-0 trước Al- Riyadh ngày 25/8.

Những nguy cơ hiện hữu

Mặc dù vậy, một nền bóng đá khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp như Saudi Pro League nhưng thực chất đang sống nhờ hầu bao của PIF có thực sự bền vững? Một câu hỏi có nhiều ẩn số trả lời, có thể có, có thể không. Bởi những khoản đầu tư từ PIF cho bóng đá chưa dừng lại.

Saudi Pro League tiếp tục bạo chi. Nhiều ngôi sao sẽ đổ về sân cỏ Saudi. Nhưng ngay lúc này, người ta có thể thấy, “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Bên trong Saudi Pro League bề thế là sự lỏng lẻo, cảm tính về luật lệ, và những quy luật cần có của nền bóng đá chuyên nghiệp chưa được định hình một cách rõ ràng.

Saudi Pro League có thể tự hào với mức chi ở kỳ chuyển nhượng Hè 2023 vượt qua các giải đấu lớn lâu năm như Tây Ban Nha, Italy hay Đức. Tuy nhiên, đó là kiểu chi tiêu “bán trời không văn tự” nhờ nguồn đầu tư khổng lồ từ PIF, chứ không phải sự hạch toán thu/chi dưới sự giám sát chặt chẽ của Luật Công bằng tài chính.

Đấy chính là sự khác biệt lớn nhất giữa Saudi Pro League với bóng đá châu Âu, có lẽ điều này cũng làm nên đẳng cấp và quyết định sự thành bại theo thời gian. Nếu một ngày nào đó dòng tiền từ PIF ngừng chảy? Rõ ràng PIF không phải là “mỏ dầu” vô hạn, nó là hữu hạn và không thể rót tiền mãi cho những hoạt động bóng đá xa hoa, tốn kém và… thua lỗ.

Đơn cử như Al-Nassr. Câu lạc bộ này sau khi sở hữu Ronaldo đã không có nhiều chuyển biến tích cực về nguồn thu, như bán vé, áo đấu hay quảng cáo. Trong khi đó, một sự so sánh khá tương đồng của 2 nền bóng đá, người Mỹ cho thấy sự lọc lõi trong hoạt động kinh doanh bóng đá. Inter Miami nói riêng và bóng đá nhà nghề Mỹ đang thắng lớn với bản hợp đồng mang tên Messi.

Trong đó, Forbes dự đoán giá trị giải bóng đá nhà nghề Mỹ sẽ tăng gấp đôi - từ 600 triêiu lên 1,3 tỉ USD sau một năm có Messi. Vậy nên, câu hỏi bao giờ Al-Nassr hay các ông lớn Saudi Pro League đứng được trên đôi chân của mình rất khó trả lời.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều cầu thủ ngoại tất yếu sẽ có tác động trực tiếp đến cơ hội phát triển và thi đấu của cầu thủ bản địa, kể cả công tác đào tạo trẻ. Có nghĩa Saudi Pro League, vốn là nền móng của đội tuyển quốc gia đang phát triển mất cân đối nghiêm trọng.

Trong vài năm tới, Saudi Pro League đi lên nhưng đội tuyển quốc gia Ả-rập Xê-út đi xuống sẽ được nhận thấy rõ rệt hơn. Thất bại của đội tuyển chủ nhà Qatar tại World Cup 2022, hay sự “sụp đổ” của giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc vẫn còn nguyên tính thời sự cho người Ả-rập Xê-út.

Mới đây Liên đoàn Bóng đá Ả-rập Xê-út đã gửi đề xuất đến Liên đoàn Bóng đá châu Âu về việc đưa các câu lạc bộ thuộc Saudi Pro League tham dự Champions League. Đáng chú ý, từ mùa giải 2024 - 2025, giải đấu cấp cao nhất dành cho các câu lạc bộ châu Âu sẽ thay đổi về thể thức và mở rộng số đội tham dự. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Ả-rập Xê-út tin tưởng có thể thuyết phục được lãnh đạo bóng đá châu Âu trao cho họ những suất đặc cách, đồng thời cho rằng các đội bóng của mình có thể cạnh tranh với những đội bóng tên tuổi như Real, Barca (Tây Ban Nha), Man City, Man Utd (Anh)… ở một cuộc chơi đẳng cấp và hào nhoáng như Champions League.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ