Các nhà sản xuất laptop thường giúp người dùng dễ phân biệt hai nhóm sản phẩm tiêu dùng và doanh nghiệp bằng cách gắn cho chúng những thương hiệu khác nhau: Lenovo bán dòng IdeaPad cho người tiêu dùng thông thường và ThinkPad cho người dùng doanh nghiệp.
Dòng XPS và Inspiron của Dell nhắm vào người tiêu dùng thông thường, trong khi dòng Latitude của hãng nhắm vào người tiêu dùng doanh nghiệp.
Toshiba sử dụng thương hiệu Satellite, Qosmio, và Kirabook cho các laptop tiêu dùng và thương hiệu Tecra cho các laptop doanh nghiệp. Với Acer, các laptop mang thương hiệu Aspire dành cho người tiêu dùng thông thường còn TravelMate dành cho khách hàng doanh nghiệp.
HP chia nhỏ hai nhóm sản phẩm này hơn các hãng khác: Các laptop tiêu dùng của HP được bán ra dưới thương hiệu Pavilion, TouchSmart, Envy, Spectre và Split, các dòng G-series, EliteBook, Pro, ProBook và
Yếu tố khác biệt rõ ràng khác giữa hai nhóm laptop này đó là mức giá: Mức giá của các laptop doanh nghiệp có thể gấp đôi so với mức giá của các laptop dành cho người tiêu dùng thông thường. Cả hai nhóm laptop này đều dựa trên những linh kiện tương tự, và chúng chạy cùng một hệ điều hành và phần mềm cơ bản. Vậy vì đâu mà các nhà sản xuất PC lớn định giá laptop doanh nghiệp cao hơn laptop tiêu dùng?
Thị trường máy tính cực kỳ cạnh tranh và lợi nhuận là vô cùng nhỏ. Lý do chính khiến các PC doanh nghiệp đắt hơn so với PC tiêu dùng là do các doanh nghiệp luôn muốn máy tính của họ bền bỉ và dễ bảo trì.
Các laptop doanh nghiệp cũng có thời gian bảo hành lâu hơn, linh kiện dự trữ và phụ tùng thay thế dồi dào hơn, được hỗ trợ kỹ thuật chu đáo, khả năng bảo mật tiên tiến và khả năng kiểm soát từ xa. Chi phí cho những thuộc tính bổ sung trên được phản ánh trong mức giá của sản phẩm. Khi bạn hiểu được những khác biệt trên, bạn có thể quyết định nếu chúng xứng đáng với mức giá cộng thêm.
Độ bền và vòng đời
Laptop doanh nghiệp có thể phục vụ trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với laptop tiêu dùng, và chúng sẽ chịu được ít nhất một vài lần rơi, va chạm mạnh. Để có độ bền cao các laptop doanh nghiệp thường được chế tạo từ chất liệu cứng cáp, ví dụ như nhôm hoặc magiê, và chúng có cấu trúc vững vàng hơn. Laptop tiêu dùng, đặc biệt là những mẫu giá rẻ, thường được chế tạo từ nhựa.
Hầu hết các doanh nghiệp thường chỉ chọn một hoặc vài mẫu laptop cho toàn bộ nhân viên, và họ sử dụng chúng trong ít nhất ba năm. Sự ổn định này giảm gánh nặng hỗ trợ công nghệ cho mảng CNTT của công ty. Khi một nhà sản xuất máy tính giới thiệu một laptop doanh nghiệp mới, họ thường cam kết giữ mẫu máy tính này sẵn hàng trong vòng 1,5 đến 5 năm, do đó khách hàng doanh nghiệp hoàn toàn có thể thay thế nếu một hay vài laptop họ đã mua gặp vấn đề hoặc có thể mua bổ sung nếu mở rộng quy mô kinh doanh.
Các khách hàng doanh nghiệp cũng muốn có linh kiện thay thế trong toàn bộ vòng đời của laptop. Vì vậy, các nhà sản xuất phải duy trì một lượng linh kiện tồn kho mà có thể họ không bao giờ bán được. Một số chi phí cho các linh kiện này được phản ánh trong giá của các laptop doanh nghiệp.
Laptop tiêu dùng có tuổi thọ ngắn hơn nhiều. Một số mẫu chỉ tồn tại trong một năm hoặc thậm chí ngắn hơn trước khi bị thay thế bằng một mẫu mới hoàn toàn.
Người tiêu dùng thông thường cũng nghiêng về lựa chọn thay thế laptop hơn là cố gắng sửa chữa. Đôi khi đây là chiến lược hợp lý nhất. Đôi khi đó cũng là chiến lược duy nhất, bởi vì các nhà sản xuất laptop thường không duy trì lượng linh kiện thay thế tồn kho lớn cho các dòng sản phẩm tiêu dùng của họ. Người tiêu dùng thông thường cũng hay chạy theo xu hướng, mua một sản phẩm mới với tất cả những tính năng mới nhất. Các doanh nghiệp không đủ khả năng để làm như vậy, bởi mỗi lần thay đổi doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những chi phí phát sinh như: chi phí thử nghiệm, đào tạo, chi phí mua bản quyền phần mềm..v.v.
Bảo trì và sửa chữa
Laptop doanh nghiệp thường dễ bảo trì và sửa chữa hơn. Bạn sẽ không thấy những con ốc vít Torx hoặc Apple Pentalobe kỳ lạ trên các laptop doanh nghiệp (trừ khi bạn đang sở hữu một chiếc MacBook Pro).
Một chiếc tuốc-nơ-vít thông thường là tất cả những gì bạn cần. Và với một máy tính như máy trạm di động ZBook 15 của HP, bạn thậm chí còn không cần tới tuốc-nơ-vít. Trượt hai khóa từ để mở tấm che phía dưới của nó và bạn có thể truy cập vào bộ nhớ RAM, ổ cứng, adapter WiFi, pin, ..v.v.
Các laptop tiêu dùng đang dần trở thành hàng dùng một lần.
Cổng và kết nối
Các cổng kết nối trên laptop tiêu dùng thường phụ thuộc vào mức giá: các laptop cao cấp thường sở hữu các cổng kết nối công nghệ mới nhất, trong khi các laptop giá thấp tụt lại phía sau. Hiện tại, nhiều công nghệ I/O (nhập/xuất), chẳng hạn như USB 3.0 và HDMI, dường như được trang bị trên toàn bộ các laptop tiêu dùng ở mọi mức giá. Các công nghệ tiên tiến khác thì có tốc độ phổ biến chậm hơn, Thunderbolt là một ví dụ, măc dù có khả năng truyền dữ liệu nhanh gấp hai lần USB (10GB mỗi giây và Thunderbolt 2 có thể truyền dữ liệu với tốc độ 20GB mỗi giây).
Laptop doanh nghiệp ở mọi mức giá thường chậm trễ trong việc trang bị các công nghệ kết nối mới nhất. Đó là vì các doanh nghiệp thường tiết kiệm, họ không muốn bỏ tiền cho các công nghệ chưa hoặc không bao giờ trở thành xu hướng chủ đạo. Tại sao cổng VGA tồn tại quá lâu trên các laptop doanh nghiệp? Đó là vì người ta cần chúng để kết nối với các máy chiếu cũ kĩ.
Mạng không dây là kết nối bắt buộc phải có trên cả hai nhóm laptop. Một adapter 802.11 ac tích hợp là lựa chọn tốt nhất, nhưng adapter 802.11 n có giá rẻ hơn và phổ biến hơn. Một số laptop doanh nghiệp cũng có thể kết nối mạng di động thông qua một thẻ SIM được cài đặt bên trong laptop hoặc gắn vào một cổng mở rộng.
Smart card và khe đọc thẻ ExpressCard chỉ được trang bị trên các laptop doanh nghiệp. Smart card là một tính năng bảo mật mạnh mẽ có thể được sử dụng để ngăn chặn người lạ tiếp cận với máy tính trong khi nó được bật nhưng ngoài tầm kiểm soát. ExpressCard thay thế cho các công nghệ PC Card và PCMCIA cũ kĩ. Bạn có thể sử dụng nó để kết nối các thẻ với các cổng I/O đặc biệt (FireWire, eSATA, giao diện mạng,..v.v) và các phụ kiện đặc biệt khác (tất cả mọi thứ từ bộ thu sóng TV tới card âm thanh). HP ZBook 15 sở hữu cả Smart card và ExpressCard.
Nhiều laptop doanh nghiệp sở hữu dock kết nối, trong khi laptop tiêu dùng gần như không bao giờ được trang bị cổng kết nối này. Nếu bạn thường phải ngồi làm việc nhưng vẫn muốn giữ tính di động cho chiếc laptop thì một dock kết nối hoặc một thiết bị nhân bản các cổng kết nối là thiết bị hữu ích. Bạn kết nối chuột, bàn phím, màn hình, mạng, các thiết bị lưu trữ USB và các thiết bị ngoại vi khác vào dock, và kết nối laptop với dock. Khi cần di chuyển bạn chỉ cần đẩy nhẹ một nút (hoặc tháo một dây cáp) là có thể lấy laptop và đi.
Công nghệ không dây WiGig cũng sẽ giúp loại bỏ kết nối vật lý giữa laptop và dock. Dell cũng đã nhanh chóng áp dụng công nghệ này để sản xuất dock không dây Wireless Dock D5000, hiện tại D5000 chỉ tương thích với một số laptop của Dell.
Công nghệ hiển thị
Vi xử lý đồ họa tích hợp trong các CPU đời mới là đủ cho bạn lướt web, xem phim và hầu hết các tác vụ thông thường khác. Nhưng bạn cần một card đồ họa rời cho các ứng dụng tính toán cường độ cao. Nếu một laptop tiêu dùng sở hữu card đồ họa rời thì nó là một laptop để chơi game. Nếu một laptop doanh nghiệp được trang bị card đồ họa rời thì nó là một laptop được thiết kế để ứng dụng cho nhiều công việc khác nhau: máy tính hỗ trợ thiết kế (CAD), dựng mô hình 3D, dựng hình ảnh khoa học và y tế, sáng tạo nội dung..v.v.
Vì hầu hết các HDTV đều có cổng HDMI nên không ngạc nhiên khi các laptop tiêu dùng thường sử dụng giao diện này. Nhưng cổng DisplayPort, thường được trang bị cho các laptop và màn hình doanh nghiệp, là một giao diện video tối ưu cho người dùng doanh nghiệp, một giao diện DisplayPort 1.2 có thể hỗ trợ tới 4 màn hình ở độ phân giải 1920x1200 pixel hoặc hai màn hình ở độ phân giải 2560x1600 pixel.
Mỗi màn hình có thể nhận được kênh âm thanh và hình ảnh độc lập. Cả DisplayPort và HDMI đều có thể hỗ trợ một màn hình độ phân giải 4K (3840x2160 pixel).
Tính năng quản lý và bảo mật
Một doanh nghiệp thường triển khai hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn laptop nên điều thiết yếu là bộ phận CNTT của công ty có thể quản lý những thiết bị này từ xa.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp nhỏ không có bộ phận CNTT, đa số họ phải thuê chuyên gia quản lý tài nguyên CNTT cho họ. Mua một laptop được trang bị công nghệ mức CPU, BIOS như Intel vPro, DASH, hoặc HP SureStart có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp của bạn.
Những công cụ này sẽ cho phép bộ phận CNTT theo dõi, quản lý, truy cập từ xa, thậm chí sửa chữa và cài đặt phần mềm cho laptop trong công ty. Người dùng không cần phải có mặt, và những laptop bị trục trặc (nhiễm mã độc, virus, lỗi tập tin) sẽ không thể khởi động vào hệ điều hành của máy.
Khả năng sao chép tất cả các phần mềm bao gồm cả hệ điều hành trở lại ổ cứng laptop từ xa qua kết nối mạng sẽ giúp người dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho phí vận chuyển. vPro cũng có thể ngăn ngừa một số loại phần mềm độc hại và các cuộc tấn công ở mức dưới hệ điệu hành.
Công nghệ SureStart của HP có thể nhanh chóng khôi phục BIOS của laptop nếu BIOS bị tấn công hoặc bị hỏng, nhưng nó chỉ có trên các laptop của HP.
Do các thông tin nhạy cảm thường được lưu trữ trên các laptop doanh nghiệp nên các laptop này thường được trang bị thêm các tính năng bảo mật vào phần cứng của chúng.
Một thiết bị sinh trắc học như máy quét dấu vân tay có thể xác minh danh tính của chủ máy, trong khi các công cụ mã hóa như chip TPM (Trusted Platform Module) và Windows BitLocker có thể mã hóa dữ liệu của bạn khi chúng được ghi vào ổ cứng của laptop. Người dùng không có mật mã giải mã sẽ không thể truy cập, xem những dữ liệu đã bị mã hóa.
Nếu bạn xác định rằng vPro hoặc DASH là những tính năng phải có trên laptop của bạn, hãy chắc chắn rằng laptop bạn mua thực sự có những tính năng này. Với các mẫu laptop sử dụng CPU của Intel hãy kiểm tra trang ARK của Intel để xem liệu con chip trong laptop bạn chọn có hỗ trợ vPro hay không.
Bất kỳ laptop nào sở hữu CPU AMD có trang bị chip TMP cũng sẽ hỗ trợ DASH. Và như đã nói, SureStart là một công nghệ của HP, hãy kiểm tra thông số kỹ thuật của những laptop HP mà bạn quan tâm để xem nó có sở hữu tính năng này không.
Phần mềm cài đặt sẵn
Các laptop tiêu dùng thường được cài sẵn rất nhiều phần mềm rác và bloatware, chúng ngốn dung lượng lưu trữ và còn có thể làm giảm hiệu suất của laptop.
Các doanh nghiệp không muốn lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc gỡ bỏ phần mềm rác, do vậy các nhà sản xuất thường giảm hoặc loại bỏ các phần mềm rác ra khỏi các laptop doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp mua số lượng lớn có thể xác định chính xác phần mềm nào được cài đặt sẵn trên các laptop mà họ mua.
Bởi vì các công ty thường muốn tất cả nhân viên sử dụng cùng một nền tảng (để đơn giản hóa và giảm chi phí hỗ trợ kỹ thuật), họ thường gắn bó với một hệ điều hành rất lâu sau khi một phiên bản mới được giới thiệu. Khi bạn mua một laptop tiêu dùng có thể laptop của bạn sẽ được cài sẵn một phiên bản Windows. Laptop doanh nghiệp thường được đi kèm với quyền hạ cấp từ Windows 8 xuống Windows 7, hoặc tùy chọn hệ điều hành Linux.
Bảo hành, dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật
Các laptop tiêu dùng điển hình thường được bảo hành trong vòng một năm. Các laptop bán với giá khuyến mại thậm chí chỉ được bảo hành 90 ngày. Điều này giúp giảm giá sản phẩm, người tiêu dùng có thể mua thêm thời gian bảo hành. Tất cả các laptop doanh nghiệp đều được bảo hành ba năm, và khách hàng có thể trả phí để mở rộng thời gian bảo hành lên tới năm hoặc sáu năm.
Khi một laptop tiêu dùng gặp trục trặc bạn thường phải gửi hoặc mang trực tiếp laptop tới quầy dịch vụ của hãng hoặc nhà bán lẻ để chẩn đoán và sửa chữa. Bạn hiếm khi được đảm bảo thời gian nhất định, và nếu một linh kiện cần thay thế, không chắc linh kiện đó sẵn hàng. Trong trường hợp xấu nhất, laptop của bạn có thể bị giữ lại trong nhiều tuần.
Các doanh nghiệp không thể để nhân viên của họ ngồi cắn móng tay trong khi chờ laptop của họ được sửa chữa. Bộ phận CNTT có thể có những laptop dự phòng để cho nhân viên mượn, và họ thường thực hiện việc sửa chữa ngay tại công ty hoặc thỏa thuận trực tiếp với các nhà cung cấp.
Các doanh nghiệp nhỏ có thể hạn chế hao hụt năng suất bằng cách tận dụng các dịch vụ tại chỗ và đảm bảo ngắn hạn (thường là 24 giờ, không tính thời gian vận chuyển nếu các thiết bị cần phải trả về nhà máy) được tích hợp kèm khi mua một laptop doanh nghiệp.
Hỗ trợ kỹ thuật cho laptop tiêu dùng thường được thực hiện qua phương thức trò chuyện trực tuyến hoặc email. Nếu có một tổng đài hỗ trợ 1-800 thì có thể nó không sẵn sàng 24/7 và chắc chắn bạn sẽ phải chờ rất lâu. Các vấn đề về phần mềm có thể không được bảo hiểm.
Các khách hàng doanh nghiệp đôi khi phải hoàn hành công việc của mình trước một cuộc họp lớn cần giải quyết ngay lập tức vấn đề của họ, vì vậy các chính sách hỗ trợ cho laptop doanh nghiệp cần phải mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tổng đài hỗ trợ công nghệ 24/7/365 luôn luôn sẵn sàng và bao gồm cả hỗ trợ phần mềm. Các tập đoàn lớn thì thường có bộ phận CNTT để tự hỗ trợ.
Kết
Nếu cuộc sống của bạn không phụ thuộc quá nhiều vào laptop, và nếu bạn không mua laptop với số lượng lớn cho nhân viên thì một laptop tiêu dùng có thể đủ cho nhu cầu doanh nghiệp của bạn.
Nhưng nếu thời gian của bạn cực kỳ quý giá, bạn cần hỗ trợ tốt hơn, bảo hành lâu hơn, vòng đời laptop dài hơn và tính năng bảo mật cao hơn thì các laptop doanh nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí trong thời gian dài.
Người tiêu dùng, trong hầu hết trường hợp, nên gắn bó với các sản phẩm tiêu dùng. Mua một mẫu laptop cao cấp sẽ giúp bạn có được nhiều tính năng trên các laptop doanh nghiệp nhưng với giá rẻ hơn. Tuy nhiên bạn sẽ không thể tìm thấy vPro hoặc SureStart của HP trên các laptop tiêu dùng.