Lắp thiết bị kết nối với TV của các gia đình để đo lượng khán giả

Hoạt động đo lường khán giả truyền hình sẽ được thực hiện định kỳ hoặc thực hiện đột xuất theo nhiệm vụ. Thiết bị đo lường khán giả truyền hình là thiết bị chuyên dụng được lắp đặt và kết nối với các máy thu tín hiệu truyền hình của các hộ gia đình nhằm thu thập dữ liệu khán giả truyền hình.

Lắp thiết bị kết nối với TV của các gia đình để đo lượng khán giả

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 37/2016/TT-BTTTT quy định về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Đây là Thông tư đầu tiên quy định rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình tại Việt Nam.

Theo đó, Thông tư quy định về hoạt động, quy trình, thủ tục, trách nhiệm tổ chức thực hiện và công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình trên các dịch vụ phát thanh, truyền hình được quy định tại Điều 4 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, gồm: Các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đã được quy định trong Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ TT&TT quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia và của địa phương; Các kênh chương trình truyền hình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Các chương trình chuyên đề trong kênh chương trình truyền hình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình...

Lap thiet bi ket noi voi TV cua cac gia dinh de do luong khan gia - Anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thiết bị đo lường khán giả truyền hình là thiết bị chuyên dụng được lắp đặt và kết nối với các máy thu tín hiệu truyền hình của các hộ gia đình nhằm thu thập dữ liệu khán giả truyền hình.

Dữ liệu đo lường khán giả xem truyền hình từ hộ gia đình gồm các thông tin về hộ gia đình, thông tin về người xem tại hộ gia đình đó tương ứng với nội dung xem trên máy thu tín hiệu truyền hình và thời gian, thời điểm xem được cập nhật tự động, liên tục hàng ngày về trung tâm xử lý dữ liệu đo lường khán giả truyền hình để tổng hợp và phân tích;

Nguồn tín hiệu chuẩn để nhận dạng kênh chương trình truyền hình, chương trình truyền hình phải lấy từ tổng khống chế hoặc các điểm tiếp nhận tín hiệu từ đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình để đảm bảo chất lượng tín hiệu.

Hoạt động đo lường khán giả truyền hình được thực hiện định kỳ hoặc thực hiện đột xuất theo nhiệm vụ. Trong đó, các hoạt động đo lường khán giả truyền hình tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) thực hiện định kỳ 2 năm/ lần; Các hoạt động đo lường khán giả truyền hình trên phạm vi cả nước, cấp vùng, cấp tỉnh ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên sẽ thực hiện định kỳ 5 năm/ lần;

Các hoạt động đo lường khán giả truyền hình đối với chương trình truyền hình được thực hiện đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình khi có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Số liệu đo lường khán giả truyền hình được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Thực tế nhiều năm qua, trong nhiều năm qua, tại Việt Nam cả nước chỉ có một doanh nghiệp nước ngoài thực hiện việc cung cấp dịch vụ đo lường khán giả truyền hình, nhưng thiếu cơ chế kiểm soát của nhà nước bảo đảm kết quả đo lường được khách quan. Các đài truyền hình đang có dấu hiệu bị phụ thuộc vào kết quả điều tra của doanh nghiệp này để cạnh tranh về thu hút quảng cáo.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, từ năm 2008, Bộ TT&TT đã có kế hoạch triển khai dự án đo lường, định lượng khán giả truyền hình.

Năm 2014, Bộ TT&TT đã cho phép triển khai thử nghiệm triển khai dịch vụ đo lường khán giả (viết tắt là Vietnam TAM) tại Hà Nội và TP.HCM. Dịch vụ do Trung tâm Đo kiểm và Dịch vụ phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử) hợp tác cùng Công ty TNHH Đo kiểm AMI triển khai, vận hành.

Đến tháng 3/2016, dịch vụ đo lường khán giả Vietnam TAM đã chính thức ra mắt cộng đồng. Chỉ số về đo lường, định lượng khán giả truyền hình được công bố công khai sẽ phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nội dung truyền hình.

Và từ năm 2017, khi Thông tư số 37 quy định về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình đi vào cuộc sống, sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương chính thức triển khai việc công khai chỉ số đánh giá hiệu quả nội dung của các kênh truyền hình và các chương trình trong kênh.

Theo ICTNews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ