Lắp thêm camera xử lý xe dù, bến cóc: Lạy ông tôi ở “điểm” này!

GD&TĐ - Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất khảo sát, lắp bổ sung camera tại những vị trí phức tạp để theo dõi và xử lý tình trạng xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, việc công bố các điểm lắp camera sẽ rất khó xử lý tình trạng trên bởi thế chẳng khác nào “lạy ông tôi ở điểm này”.

Lực lượng Thanh tra Giao thông xử phạt xe taxi dừng đón trả khách trước cổng Bệnh viện Bạch Mai
Lực lượng Thanh tra Giao thông xử phạt xe taxi dừng đón trả khách trước cổng Bệnh viện Bạch Mai

Khảo sát lắp thêm camera

Mặc dù, có rất nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp về việc xử lý tình trạng xe dù, bến cóc tại Hà Nội nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm xe đón trả khách dọc đường phố. Các điểm dừng đón trả khách thường thấy tại các đường Phạm Hùng, Kim Đồng, Giải Phóng, Cầu Giấy... Thực trạng này không chỉ khiến cho giao thông nội đô thêm phức tạp mà còn gây khó khăn cho việc kiểm soát vận tải hành khách, an toàn giao thông.

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm dừng, đỗ xe không đúng quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Văn bản yêu cầu Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) khảo sát các vị trí phức tạp về giao thông để đề xuất lắp đặt bổ sung camera theo dõi phục vụ công tác xử lý “phạt nguội” vi phạm.

Văn bản cũng nêu rõ: Lực lượng chức năng cần rà soát, thống kê các địa điểm phát sinh tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định theo phản ánh của người dân, đặc biệt là các xe hợp đồng Limousine để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định: “Việc lắp camera giám sát tại các điểm nóng giao thông chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng xe dù, bến cóc”. Theo ông Thái, camera sẽ giám sát 24/24 giờ tình trạng giao thông tại các điểm “nóng”, nếu phát hiện vi phạm sẽ áp dụng Nghị định 46 để phạt nguội lái xe và chủ xe.

Nhiều nhưng…chưa đủ

Hiện nay, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đang quản lý gần 600 camera các loại, trong đó có hơn 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, hơn 100 camera phục vụ xử phạt vi phạm giao thông và gần 100 thiết bị giám sát giao thông. Ngoài ra, tại nhiều nút giao thông còn có camera của công an các quận; camera của VOV giao thông…

Nhờ hệ thống này, tình trạng người vi phạm giao thông đã giảm đáng kể. Hà Nội cũng đang nghiên cứu tích hợp thêm camera giám sát của người dân, doanh nghiệp (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, ngõ phố...) để hỗ trợ công tác điều hành giao thông chung.

Thực tế tình trạng giao thông của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang rất phức tạp. Chính vì vậy, hệ thống camera mặc dù có nhiều nhưng dường như chưa bao giờ đủ. Một ví dụ điển hình là khu vực phía trước cổng Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có taxi, xe dù dừng đỗ đón trả khách gây ùn tắc, thậm chí xe cấp cứu còn bị “kẹt” ngay trước cổng viện.

Đội Thanh tra Giao thông quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận, khu vực này thường xuyên có các phương tiện: Xe tư nhân, xe taxi, xe cấp cứu... đưa bệnh nhân và người nhà đến phục vụ khám, chữa bệnh, đồng thời nhu cầu đón xe taxi của người dân cũng rất nhiều. Điều này dẫn đến việc lái xe các hãng taxi thường xuyên tụ tập trước khu vực cổng bệnh viện để đón trả khách.

Khi phát hiện lực lượng chức năng đến xử lý, các lái xe lập tức lên xe di chuyển gây hiện tượng náo loạn trước cổng bệnh viện và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để xử lý tình trạng trên, lực lượng Thanh tra Giao thông đã đề nghị lắp camera để phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, có thể đặt thêm biển báo hạn chế tốc độ tại khu vực này.

Chỉ như nhà có thêm khóa

Thực tế cho thấy, việc lắp thêm camera phạt nguội để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc rất khó có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc lắp camera cũng chỉ như “nhà có thêm khóa”. Theo ông Thanh, việc thông báo lắp camera tại các điểm “nóng” chỉ mang tính chất… cảnh báo. “Thông báo lắp camera ở điểm này thì các nhà xe lại chạy đến chỗ khác bắt khách. Nếu không kiên trì theo dõi, bám đuổi thì chẳng khác nào mèo vờn chuột”, ông Thanh nói.

Theo số liệu tổng hợp của Công an TP Hà Nội, từ năm 2014 đến hết năm 2018, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 20.325 trường hợp vi phạm; trong đó phạt tại chỗ (phạt nóng): 13.819 trường hợp (chiếm 67,99%), phạt bằng hình thức gửi thông báo tới địa chỉ đăng ký của chủ phương tiện (phạt nguội): 6.506 trường hợp (chiếm 32,01%), số tiền phạt 16,260 tỷ đồng nộp Kho bạc Nhà nước.

Để xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc thì việc lắp thêm camera cũng không đủ. Ông Thanh nhắc lại Điều 45 (Thông tư 63 của Bộ GTVT) quy định: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…”. Như vậy, ông Thanh cho rằng đã có hình ảnh vi phạm thì phải phạt thật nặng và phải công khai, minh bạch.

Ngoài ra, ông Thanh cũng góp ý, việc lắp camera chỉ được coi là thêm công cụ hỗ trợ chứ không thể xử lý dứt điểm xe dù, bến cóc. “Cơ quan chức năng cần nghiên cứu vị trí đặt bến xe, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức thêm điểm đón trả khách. Bên cạnh đó, cũng phải tuyên truyền để người dân có ý thức đón xe đúng nơi quy định”, ông Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.