Lập đường dây nóng đáp ứng nhu cầu mua sách trước ngày khai trường

GD&TĐ - Năm học mới đã cận kề nhưng không ít phụ huynh vẫn lo lắng khi chưa tìm mua đủ một số đầu sách giáo khoa cho con. Đáng nói, không chỉ ở vùng cao, nông thôn xuất hiện tình trạng thiếu sách cục bộ, mà tại thành phố lớn việc khan hiếm cũng diễn ra với một số đầu sách.

Đảm bảo cho học sinh đủ sách giáo khoa trước khi vào năm học mới là mong muốn của tất cả phụ huynh (trong ảnh: Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) dạy học trên sách giáo khoa mới). Ảnh: NTCC
Đảm bảo cho học sinh đủ sách giáo khoa trước khi vào năm học mới là mong muốn của tất cả phụ huynh (trong ảnh: Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) dạy học trên sách giáo khoa mới). Ảnh: NTCC

Khó mua sách giáo khoa chương trình mới

Chị Ôn Thị Lý (Quản Bạ, Hà Giang) có con lên lớp 7 trao đổi: Bộ sách nhà trường lựa chọn dạy học ở năm học 2022 - 2023 trừ cuốn “Công nghệ 7” thuộc bộ Chân trời sáng tạo còn lại các đầu sách đều của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Hơn 1 tháng nay, để mua nốt cuốn sách Công nghệ 7, gia đình lùng sục từ huyện xuống tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có.

“Các cửa hàng sách tại huyện Quản Bạ đều trả lời không có. Gọi điện đến nhà sách ở huyện Bắc Quang đặt mua cũng cho biết đang chờ sách về. Gia đình cất công đi hơn 60km xuống thành phố Hà Giang, tìm ở tất cả hiệu sách lớn đều không có. Gia đình chỉ còn biết để số điện thoại lại các cửa hàng sách chờ khi có sẽ gọi...”, chị Lý cho biết.

Không chỉ gia đình chị Lý mà hầu hết nhà có con lên lớp 7 cùng trường con chị cũng chưa mua được sách “Công nghệ 7” bộ Chân trời sáng tạo. Thế nhưng ở những trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua thì sách đã về trường đầy đủ.

Chị Nguyễn Thị Lanh (Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ: Sau khi chọn tổ hợp môn, nhà trường thông báo đầu sách cần mua và có tập hợp số lượng danh sách phụ huynh đăng ký để gửi tới đơn vị phát hành. Tuy nhiên, vì muốn con tiếp cận với sách sớm để sẵn sàng bước vào năm học nên gia đình tự tìm mua ở các quầy sách địa phương. Tuy nhiên, việc mua nhiều đầu sách ở các bộ sách khác nhau không dễ dàng. Hiệu có sách A lại thiếu sách B và ngược lại. Đi 4 - 5 quầy vẫn không mua đủ.

Do chưa quen với một chương trình nhiều SGK nên việc mua SGK khá vất vả nếu không đăng ký theo kênh nhà trường. Nhiều phụ huynh phải đến hiệu sách hàng chục lượt vẫn chưa có đủ đầu sách cần mua. Chị Lê Thu Hương, phụ huynh học sinh Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội), cho hay, trường dùng các đầu sách trong 4 bộ sách cho học sinh lớp 7, khi tìm mua vất vả vô cùng.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng sách tại Hà Nội đều xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10. Nhân viên tại các cửa hàng sách tại phố Giảng Võ, Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết, với sách giáo khoa lớp 3, bộ sách Cánh diều thiếu sách Mỹ thuật; bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thiếu sách Âm nhạc; Lớp 7 bộ Cánh diều thiếu sách Công nghệ, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm; bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thiếu sách Mỹ thuật, Âm nhạc; Lớp 10 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiếu sách Ngữ văn, Toán, Âm nhạc, Tiếng Anh, Tin học.

Năm nay không chỉ các địa phương vùng cao, khu vực nông thôn, huyện/thị xã xuất hiện tình trạng khó mua sách lẻ từ các bộ sách khác nhau của Chương trình GDPT mới, mà ngay tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… phụ huynh cũng tốn công sức tìm kiếm mà vẫn thiếu.

Năm học 2022 - 2023, con anh Ngô Đức Liêm (Long Biên, Hà Nội) vào lớp 10. Sau khi nhà trường công bố chọn bộ sách giáo khoa Cánh diều để học, anh cùng con ra hiệu sách tìm mua. “Cứ nghĩ hiệu sách lớn cái gì cũng có, song hỏi mấy hiệu liên tiếp đều không đủ. Tôi lo khan hiếm sách nên đành mua góp từng hiệu để đủ sách…”, anh Liêm chia sẻ.

Theo đó, anh Liêm đã cùng con về nhà liệt kê ra danh mục bộ sách phải mua, đi từng hiệu gom cho đủ bộ trước ngày tựu trường. Để mua đủ bộ sách anh mất gần một tuần và đi nhiều cửa hàng ở Hà Nội. Thậm chí còn xin số điện thoại nhân viên bán sách để liên hệ, khi sách về sẽ ra mua ngay bởi thời điểm khai giảng không còn nhiều, nếu không mua sớm thì con không có sách học.

Nhiều phụ huynh khó khăn trong việc tìm mua sách giáo khoa mới. Ảnh: IT

Nhiều phụ huynh khó khăn trong việc tìm mua sách giáo khoa mới. Ảnh: IT

Làm sao để mua đủ sách

Trước thực tế phụ huynh gặp khó khăn khi mua một số đầu sách giáo khoa của Chương trình GDPT mới, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), cho biết: Sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới đến nay đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản. Sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 NXBGDVN đã cung ứng tới các địa phương hơn 40 triệu bản. Với sách giáo khoa lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo chương trình hiện hành, NXBGDVN đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản.

Theo ông Bách, năm học 2022 - 2023 triển khai sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình GDPT 2018. Các NXB có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký...

Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với NXB trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng. Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc vào lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, địa phương cụ thể.

Lường trước thực tế này, NXBGDVN đã bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Đặc biệt, để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa, NXBGDVN thiết lập đường dây nóng (0344181018) duy trì từ 8 giờ - 22 giờ hàng ngày từ 15/6 đến 15/9, kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ.

Như vậy, phụ huynh khi khó khăn trong việc mua sách giáo khoa của NXBGDVN có thể gọi tới đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, các trường cần phát huy tinh thần hỗ trợ, tránh để gia đình, học sinh sát năm học vẫn rốt ráo tìm mua sách. Về phía phụ huynh, có thể đề nghị nhà trường hỗ trợ, mua theo tập thể để đảm bảo không phải tìm kiếm, mua gom…

Với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tình trạng thiếu sách lớp 4, 8 và 11 cũng được ghi nhận. Nguyên nhân bởi học sinh chỉ học sách cũ trong năm học tới, năm sau chuyển sang sách mới nên các nhà sách không nhập nhiều tránh tồn đọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ