(GD&TĐ) - Lâu nay, những khái niệm như “dở hơi”, “hâm hấp”, “ ngược đời”, “lập dị”… luôn là những từ quen thuộc dành cho giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, người trong cuộc - có nghĩa là những người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật lại rất cảm thông cho những người “ngoại đạo”, vì họ không biết đến bản chất thực sự của việc sáng tạo: Đó là tự do, tự do trong ý niệm, trong nhận thức, trong sáng tạo… mà không cần phải bận tâm đến bất luận một điều gì đó khiến ảnh hưởng đến việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
1. Trước đây, nhà thơ Hoàng Cầm đã cẩn trọng trước khi đi ngủ đưa vào màn một tờ giấy và chiếc bút chì. Ông thường sáng tác về đêm. Với người sáng tác nghệ thuật, ông cũng không khác xa người khác về quy luật ăn uống, sinh hoạt của con người. Đêm ông thường khó ngủ. Chính trong sự tĩnh lặng và cô đơn kia, nhà thơ của “Bên kia sông Đuống” ,“ Lá diêu bông”… đã sáng tạo ra những vần thơ tuyệt hay, ám ảnh bao thế hệ. Lý giải về chiếc lá diêu bông và việc đi tìm hạnh phúc của một cô gái trong bài thơ qua đại từ nhân xưng “chị”, ông cho biết nhân vật có ảnh hưởng đến ký ức về một thời đã qua đối với nhà thơ yêu từ thời 8 tuổi.
Lá diêu bông - trên đời làm gì có thật. Đó là câu chuyện bằng thơ có tứ, có bố cục chặt chẽ kể về sự gian nan, khó khăn trong việc kiếm tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình. Mọi tình huống đặt ra, mang tính giả thiết, rồi lại giải mã… Nhưng sự giải mã có tính thuyết phục nhất cũng không có. Vì vậy, chiếc lá diêu bông tồn tại trong cảm nhận của bao độc giả và trong thi đàn chỉ là chiếc lá trong tâm tưởng - thể hiện một khát vọng hạnh phúc, tình yêu mà thôi:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
... ới Diêu bông...!
Bài thơ đưa ta về với vùng đất, với con người, kỷ niệm xứ Kinh Bắc. Người phụ nữ hiện lên đằm thắm, dịu dàng và đầy tâm trạng, hoài niệm, đắn đo… Hình ảnh nhà thơ - ông già mắt sáng, tròn to với ánh nhìn tinh quái hóm hỉnh thông minh và với cách nói chuyện hấp dẫn đã và sẽ mãi mãi khiến độc giả bao thế hệ yêu mến, kính trọng.
Nhà thơ Hoàng Cầm (bên trái) và nhà thơ Lê Đạt (bên phải) |
2. Với nhà thơ Lê Đạt, thì thơ ca với ông không chỉ là hơi thở, cuộc sống, mà còn là nguyên cớ đọa đày nhà thơ đến nỗi, ông chỉ có thói quen ngủ ban ngày, còn đêm, ông thao thức và quẩn quanh với những tứ thơ, vần thơ…
Tác giả của những câu thơ hút hồn độc giả như bài “Át cơ” đã nhìn nhận vườn trầu như thế này:
Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ
Nhà số lẻ
Phố trò chơi bỏ dở
Mộng anh hường
Tim môi em bói đỏ
Giàn trầu già
Khua
Những át cơ rơi…
Mãi mãi, những lá trầu già có màu vàng kia, trong thơ ông, như những át cơ rơi. Từ quy luật của héo tàn, Lê Đạt đã chuyển thành hình tượng thẩm mỹ nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh những câu thơ hiện đại và lạ lẫm đến bất ngờ, Lê Đạt đã khiến không ít cây bút trẻ tìm đến, nhờ cậy để ông nhận xét, tư vấn những câu thơ hay - dở.
3. Tại sân thơ Văn Miếu, năm 2008, nhà thơ Dương Tường xuất hiện trong bộ trang phục lập dị, khiến nhiều người xem “chóng” và “sốc” bởi vẻ ngoài của ông. Trên sân khấu thơ trẻ, ông xuất hiện với bộ cánh trắng, được gọn ghẽ bởi quấn chung quanh cơ thể là cuộn giấy vệ sinh, trên đó ghi những vần thơ. Vị lão tướng thơ ca hoan hỉ trước sự chú ý và cảm tình, cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Mỗi khi ông đọc, từng đoạn giấy vệ sinh rơi rụng xuống, tùy theo việc cử động mạnh hay nhẹ.
Sự lập dị này như một đề tài trao đổi trong dư luận, khen có, chê có… bởi một lão tướng thơ ca trình diễn thơ theo kiểu “không giống ai” trong ngày hội tôn vinh thơ lớn nhất trong năm.
4. Bùi Giáng - nhà thơ cửa Duy Xuyên Quảng Nam coi đời là “chốn lưu đày, là cõi phù du, là cái mớ bòng bong vớ vẩn”. Ông không chỉ độc đáo gây chú ý ở những vần thơ bí ẩn, ma mị. Trong đời thường, con người vĩ đại trong làng thơ của đất Duy Xuyên ấy cũng đã có lần được vào trị bệnh ở nhà thương điên Biên Hòa.
Nhà thơ của những khái niệm mơ hồ, trong những câu thơ vô định, viết trong trạng thái vô thức ấy lại có thể khiến độc giả khâm phục bởi những “sáng kiến, “nhận thức” bất ngờ khi ông thấy cần ra khỏi nhà thương điên, vì mình mới điên ở trạng thái nhẹ.
Nhà thơ Cung Tích Biên kể lại: "Khoảng đầu thập niên 70 có lẽ người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình:
- Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ?
Ông trả lời tỉnh queo:
- Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên".
Con người coi đời là hữu hạn, là phi lý, vẫn mãi mãi ngẩn ngơ cùng những nham thạch đời:
Ta đã hái nhành hoa kia của đá
Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng…
Có người hỏi tôi, hiểu thế nào về câu thơ này, tôi trả lời, với thơ, đặc biệt là thơ Bùi Giáng, chỉ có thể nên cảm, đừng hy vọng hiểu cặn kẽ tường tận.
Bản thân con người nhà thơ đã phiêu cùng cây cỏ, trong những tứ thơ, và trong cuộc đời - ngỡ như mọi sự hiển ngôn, tường minh nhiều khi cũng chỉ là võ đoán, sai lệch mà thôi. Bùi Giáng đã từng viết: "Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn và sẽ chết đi giữa cây cỏ gây cấn ly kỳ…”. Tất nhiên, câu nói đó chỉ là của Bùi Giáng, nó không mang tính khái quát, dự báo. Nhưng nó cho ta thấy đời nghệ sĩ không phải ai cũng lập dị như Bùi Giáng, nó chỉ là trạng thái tự kỷ ám thị của thi nhân mà thôi, mặc dầu cuộc đời này đầy những dị thường như thế.
Tôi không muốn nói tới sự dị thường, “dở hơi” “hâm hấp” là thuộc tính của những nhà thơ. Trên đây chỉ là đơn cử mấy trường hợp, mà thơ ca của họ đã khiến độc giả ngưỡng mộ, và tên tuổi của họ đã trở nên thân thiết, trìu mến, yêu thương trong lòng độc giả bao năm nay. Có thể trong phong cách, trong trang phục, trong đời sống, họ “dị thường” trước mắt bao người như vậy.
Tuy nhiên, không phải sự dị thường nào cũng tạo nên thi ca và thi sĩ. Khi cái dị thường bắt đầu từ trạng thái vô thức, trong cái “phiêu”, khát vọng sáng tạo thực sự, không phải là sự bắt chước và cố ý bất thường, thì tất cả những biểu hiện đó, đáng để chúng ta suy ngẫm, trân trọng. Miễn là cuối cùng, cái đẹp, cái có ích… trong sáng tạo nghệ thuật đưa đến cho độc giả một cảm nhận mới, tiếp nhận mới, nâng đỡ tâm hồn và giúp con người sống đẹp hơn, nhân văn hơn.
Sa Mộc