Vườn tắc độc, lạ
Đây là một trong 6 loại quả cẩm thạch “độc, lạ” siêu hot ở Việt Nam gồm: chanh cẩm thạch, chuối cẩm thạch, dưa cẩm thạch, bưởi cẩm thạch, ổi cẩm thạch và tắc (tên gọi khác là cây hạnh, cây quất) cẩm thạch.
Thời gian gần đây xu hướng các loại cây có múi xuất hiện màu cẩm thạch được bàn tán khá nhiều trên các diễn đàn làm vườn. Những giống cây nhập ngoại này đang được ưa chuộng và được trồng ngày một nhiều ở nước ta, do ngoại hình bắt mắt vừa làm cảnh vừa cho quả ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Một trong số đó phải kể đến loại tắc cẩm thạch. Từ khi xuất hiện loại tắc mang vẻ ngoài độc đáo này, tắc cẩm thạch đã thu hút sự chú ý của không ít nhà vườn và người yêu cây.
Dẫn chúng tôi ra vườn nhà để chiêm ngưỡng loại tắc cẩm thạch độc đáo này, ông Trung hào hứng kể về cơ duyên sở hữu. Vốn có niềm đam mê với các loại cây kiểng mới, lạ nên khi tình cờ thấy giống cây tắc cẩm thạch còn được gọi là: quất ngọc thạch, tắc sọc, tắc kim cương quốc lộc… Được trồng tại nhà sui gia khiến ông vô cùng thích thú.
Sau khoảng thời gian ngắn, cây lớn nhanh và phát triển vượt trội, che lắp bàn thờ thiên ngoài sân của gia đình nên đành phải chặt bỏ cây. Lúc đó, ông xin chiết 10 nhánh đem về trồng xen với cây cam dây, cam xoàn.
“Cây tắc này được con của người sui gia du học tại Nhật đem về trồng trong vườn nhà. Thấy đẹp quá lại bị đốn bỏ, thấy tiếc nên tôi nhờ con trai là rể trong nhà xin chiết 10 nhánh về trồng xen với cây cam dây, cam xoàn tại vườn nhà”, ông Trung cho biết.
Sau một thời gian trồng, ông nhận thấy cây thích ứng với thổ nhưỡng và khí hậu tại Việt Nam nên phát triển rất tốt và cho trái quanh năm. Đặc biệt, so với các giống cây tắc thông thường, trái và lá của loại tắc này đều có sọc trắng xanh đẹp mắt nên ông đã nhân giống để trồng. Hiện ông sở hữu 9 cây tắc mẹ và hàng trăm nhánh chiết trong vườn nhà.
Cây tắc cẩm thạch có thân gỗ nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 1,5m. Thân cây màu xám xanh và phân thành nhiều nhánh. Cây có hệ lá khá phát triển với những lá đơn hình bầu dục có màu xanh sọc trắng khá đẹp. Hoa mọc đơn lẻ có 5 cánh màu trắng khá thơm. Theo quan sát, tắc cẩm thạch có trái hình tròn, màu xanh sọc trắng; lúc chín sọc chuyển sang màu vàng, khiến trái có màu vàng xanh lạ mắt. Không chỉ ở phần trái mà ngay cả phần lá cây cũng sở hữu sọc trắng xanh vô cùng lạ mắt.
Đôi lúc cây ra trái quá nhiều, nên ông Trung phải ngắt bớt trái, để cây không bị suy và dồn sức nuôi các trái còn lại tốt hơn. Trái hình cầu to hơn tắc thường 1,5 lần. Bên trong lớp vỏ đẹp mắt là phần ruột bao gồm nhiều múi vàng ươm chứa nhiều nước chua gắt.
Tăng gia nhờ thu nhập ổn định
Giống cây tắc cẩm thạch ít bị nhiễm dịch bệnh, lại không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc và quản lý. Một cây có thể chiết được hàng trăm nhánh.
“Tắc cẩm thạch dễ trồng lắm, từ lúc đem nhánh về trồng xen với cây cam tại vườn nhà, khi xịt thuốc cho cam thì quơ qua lại vài lần mà cây vẫn phát triển tốt, lại không bị nhiễm dịch bệnh như các loại tắc thông thường nên loại cây này có thể trồng chơi mà ăn thiệt”, ông Trung cho biết.
Thông thường tắc cẩm thạch này được dùng để nấu canh chua, làm nước uống với đường, làm mứt, ngâm đường phèn làm thuốc trị ho…
Do các loại cây cẩm thạch còn mang ý nghĩa phong thủy khi trồng ở vườn nhà sẽ thu hút tiền tài và đem đến may mắn, tài lộc cho người trồng, do đó loại cây này được nhiều người chơi cây kiểng ưa chuộng. Nắm bắt tâm lý đó, ông Trung đã chiết cành để bán với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/cành. Cách làm này đã đem lại thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng cho lão nông Lê Hồng Trung.
Hiện vườn tắc của ông Trung được nhiều người biết đến và tìm tới tận nơi để được "mục sở thị" và tham quan học hỏi cách trồng cũng như mua cây giống.
“Vừa qua cũng có một số người đam mê cây kiểng ở TPHCM đến ra giá mua cả cây mẹ với giá hơn 10 triệu đồng để bứng đem về trồng kiểng. Nhưng tôi không bán nên họ nài nỉ tôi chiết nhánh để bán cho họ vài trăm cây giống, khi đó tôi mới đồng ý và hẹn họ khi chiết đủ số lượng sẽ giao cây”, ông Trung cho biết.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.