“Thổi hồn” vào những con rối
Cứ sáng sớm, ông Hồ Văn Thân (SN 1961, trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) lại sửa soạn, mang những mô hình rối ra hiên nhà để lau chùi. Trong khoảnh sân rộng chừng 50m2, có hàng trăm con rối lớn nhỏ khác nhau nằm la liệt. Chúng đều là tác phẩm do chính tay ông Thân làm ra.
Các nhân vật rối được bố trí theo nhiều chủ đề, hoạt cảnh khác nhau như: Hát dân ca quan họ, dân ca ví dặm, hát then, dàn nhạc Tây Nguyên, dàn nhạc trẻ, quay tơ dệt lụa, giã gạo, chú Tễu, Thị Nở và Chí Phèo… Chỉ cần bấm công tắc điện, dàn rối lập tức chuyển động, mỗi nhân vật chơi một nhạc cụ khác nhau tạo nên những thanh âm vui nhộn và rất sinh động.
Đặc sắc hơn cả là dàn nhạc Tây Nguyên, gồm 5 nhân vật, chơi các loại nhạc cụ đàn T’rưng, đàn đá, đàn K’lông pút. Khi cắm điện, các “nhạc công rối” chuyển động nhịp nhàng, hòa theo tiếng nhạc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” trông như người thật đang biểu diễn, rất vui mắt.
Nói về niềm đam mê của mình, ông Thân chia sẻ, từ thuở nhỏ, sau mỗi lần được cha mẹ dẫn đi xem múa rối, tình yêu với môn nghệ thuật này lại lớn dần trong ông. Đến tuổi trưởng thành, lúc địa phương thành lập Đoàn múa rối Đồng Quê, ông Thân liền đăng ký tham gia.
Theo người nông dân mang tâm hồn nghệ sĩ này, ngày xưa luyện tập múa rối dây rất khó, 15 con rối phải do 15 người điều khiển. Mỗi lần trình diễn, đoàn múa rối thường phải mang theo rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Sau vài năm, vì nhiều lý do mà đoàn rối tan rã, ông Thân cũng trở về với công việc đồng áng.
Đau đáu với nghề xưa, năm 1990, ông Thân quyết định tự chế tạo dàn rối chạy bằng điện. Để thực hiện ý tưởng của mình, ông tìm mua mô tơ điện cũ, gỗ và vật dụng từ hàng đồng nát về làm khung, nhạc cụ và các con rối.
Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Thân lại đục đẽo tạo hình nhân vật, may quần áo, sửa từng mái tóc... để hoàn thiện dần từng con rối. Sau khi lắp ráp vào khung gỗ, ông tiếp tục nghiên cứu nguyên lý dùng động cơ điện để những con rối vô hồn có thể hoạt động. Chúng phải phối hợp nhịp nhàng theo ý tưởng kịch bản và khớp với nhạc điệu một cách sinh động.
Ông Thân đánh giá, khó nhất là công đoạn ghép những con rối đơn lẻ lại thành từng hoạt cảnh. Phải làm sao cho động tác của các con rối có thể ăn khớp với nhau và sống động phù hợp nhạc điệu, tiết tấu.
“Có khi phải mất hàng tuần mới chỉnh sửa xong một động tác. Như con rối thổi kèn tây, phải làm sao cho tay vừa bấm phím kèn, chân vừa đánh nhịp cùng với các con rối khác”, lão nông chia sẻ.
Sau bao nhiêu ngày cần mẫn chế tạo, thất bại cũng nhiều nhưng ông vẫn không hề nản lòng. Cuối cùng một dàn rối điện đầu tiên có 10 nhân vật đã có thể tự động nhảy múa theo điệu nhạc.
Biết được tin ông Thân làm rối điện, rất nhiều người dân địa phương kéo nhau đến nhà xem biểu diễn. Những tràng pháo tay, những lời khen ngợi của khán giả đã tiếp thêm động lực để ông Thân chế tạo các dàn rối khác, thỏa mãn niềm đam mê.
Những dàn rối điện với nhiều chủ đề, hoạt cảnh đời sống khác nhau. |
Trăn trở gìn giữ nghệ thuật dân gian
Mỗi khi xem một bộ phim, một vở kịch hay, hấp dẫn, ông Thân lại tỉ mỉ ghi chép lại. Sau đó, ông mới dùng bàn tay tài hoa, khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình biến những đồ vật vô tri thành những nhân vật trong những hoạt cảnh mang đậm dấu ấn cuộc sống.
Hơn 30 năm miệt mài chế tạo, đến nay, ông Thân có bộ sưu tập 15 dàn rối điện với hàng trăm nhân vật theo chủ đề, lớn nhỏ khác nhau. Đó là những chàng trai, cô gái Tây Nguyên đánh đàn T’rưng, đàn đá; những người phụ nữ nhảy sạp, hát dân ca. Hay đơn giản là người nông dân đi cày, người phụ nữ thôn quê sàng lúa, giã gạo...
Đặc biệt, ông Thân thường lồng ghép những làn điệu mang âm hưởng dân tộc như: Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh, tình ca Tây Bắc… cho dàn rối của mình hoặc làm các nhân vật gắn với tác phẩm văn học, như Chí Phèo, Thị Nở.
“Sinh ra và lớn lên ở làng quê, công việc chính của tôi vẫn là làm nông nhưng tôi rất hạnh phúc khi được sống với đam mê của mình. Tuy chỉ diễn cho bà con làng xóm xem vui là chính, nhưng tôi vẫn muốn sáng tạo thêm nhiều dàn rối, với nhiều hoạt cảnh phong phú hơn”, ông Thân cho biết.
Không chỉ bỏ công, bỏ tiền để làm các con rối, ông Thân còn tự bỏ tiền túi mua sắm các thiết bị loa đài, âm thanh, ánh sáng để đi biểu diễn phục vụ miễn phí cho bà con trong và ngoài xã vào các dịp lễ, Tết.
Không chỉ vậy, vào nhiều dịp đặc biệt Đoàn Thanh niên tại địa phương lại mời ông tham gia phục vụ trại hè thiếu nhi. Có dịp Trung thu, ông Thân được Bảo tàng Nghệ An mời đến diễn trong chương trình trải nghiệm Múa rối điện cho các em nhỏ.
Những con rối được ông Thân 'thổi hồn' trở nên hết sức sinh động. |
“Có những ngày trời mưa phùn, gió lạnh, nhưng bà con vẫn đến xem rất đông, làm cho tôi quên hết cả lạnh, cố gắng làm cho tốt vì còn gì vui hơn khi được phục vụ cho khán giả quê hương mình”, ông Thân nhớ lại.
Ông Thân cho biết, ngoài biểu diễn ở địa phương, những tác phẩm của ông còn được những người làm nghề múa rối ở Huế ra tận nơi thăm và mua các dàn rối về đồng quê, xay lúa, quan họ Bắc Ninh, ban nhạc Tây Nguyên...
Để lan tỏa loại hình nghệ thuật rối điện độc đáo, ông Thân dự tính rủ thêm những người có cùng đam mê, khôi phục lại trò chơi múa rối, các vở kịch như “Chiều gặp gỡ”, “Bao Công xử án”, “Bố không bao giờ say”...
Bên cạnh những vở kịch có tính giáo dục cao mà ông Thân từng diễn cách đây hàng chục năm và dàn dựng thêm các vở mới. Ông Thân cũng mong muốn truyền được nghề cho những người trẻ với hy vọng có thêm những người yêu và góp phần bảo tồn nét đẹp, nét văn hóa truyền thống độc đáo đang có nguy cơ ngày càng mai một.
“Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người trẻ có cùng đam mê để phát triển trò rối điện này, đừng để nó mai một. Làm rối không quá khó, chỉ cần đam mê và có chút sáng tạo. Mang niềm vui đến cho mọi người là mục đích của tôi”, ông Thân trải lòng.