Lão nghệ Quang Phùng: Hà Nội xa mà gần

GD&TĐ - Ở tuổi 88, nhưng nếu không quá mệt, hàng ngày nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn cố gắng ra khỏi nhà. Khi đó, chiếc batoong và máy ảnh Leica là hai vật bất ly thân.

Một bức ảnh về cây phong Hà Nội của Quang Phùng.
Một bức ảnh về cây phong Hà Nội của Quang Phùng.

Lão nghệ sĩ có chòm râu bạc Quang Phùng vừa lững thững đi bộ, vừa chớp ghi những hình ảnh của Hà Nội theo chủ đề đã định.

Người ghi hình “trùng trùng quân tiến về Thủ đô”

Tôi đến thăm nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vào một sớm mùa thu, khi tiết trời Hà Nội bắt đầu dịu mát sau mấy ngày mưa do ảnh hưởng của bão số 2. Ông đang sống cùng con ở số 32 xóm Hạ Hồi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Dù chỉ cách Hồ Gươm chừng cây số, ấy vậy mà nơi đây vẫn gọi là “xóm”. Cái xóm độc đáo nhất của Thủ đô, có lẽ là xóm Hạ Hồi. Nơi đây từng là nơi đi về của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó nhà văn Kim Lân cũng từng có nhiều năm sống ở đây.

Trái với cái tên xóm, nhiều ngôi nhà ở đây đã được thiết kế rất hiện đại. Nó là chỗ buôn bán, kinh doanh của nhiều gia đình. Nếu không trực tiếp bán buôn thì cũng cho thuê làm quán cà phê hay ăn uống. Nhưng trái với xung quanh, bước vào số nhà 32 là một không gian khác: Cũ xưa và ẩm mốc. Xung quanh cây cối um tùm. Đây là nơi ở của nhiều gia đình. 

Căn phòng đa di năng nơi nhiếp ảnh gia Quang Phùng ở ngay gần cổng ra vào. Nó chỉ rộng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ làm việc, tiếp khách vừa là nơi bảo quản, lưu trữ hàng nghìn tấm phim, ảnh mà ông đã chụp suốt hơn nửa thế kỷ qua. 

Ngày trước còn khỏe, ông tầng dưới, bà tầng trên. Nay cả hai đều già yếu, mỗi người một giường kê ngay dưới tầng 1, để tiện trông nom nhau, nên không gian đã chật càng chật hơn. Nhưng điều ấy không hề gì, vì với ông, chỉ cần một khoảnh đủ để ngả lưng là được.

Theo lời kể của nghệ sĩ Quang Phùng, ông sinh năm 1932, tại Hà Đông, bố là tri phủ Hoài Đức, mẹ là thục nữ nức tiếng Hà thành, bán giấy mực ở phố Hàng Gai, lấy chồng xong ở nhà làm nội trợ. Thuở nhỏ, ông là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành (do Pháp dạy) nằm ở phố Quang Trung. Năm 1948, Quang Phùng bắt đầu tham gia hoạt động nội thành Việt Minh. 

Năm 1954, cả gia đình di cư vào Nam, riêng ông ở lại. Cũng năm ấy, ông là một trong số ít phóng viên Việt Nam chớp ghi được những khuôn hình sống động về đoàn quân “trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô” trong thời khắc lịch sử. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Geneve và hoạt động ở đó suốt 15 năm…

Đến với nhiếp ảnh, nghệ sĩ Quang Phùng là người ưa dịch chuyển, ông không ngại đi, không ngại “tốn phim”. Năm 1990, bức “Tóc mây” của ông được trao giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc.

Nhưng ngay sau đó, ông nhận ra rằng cốt lõi của nhiếp ảnh không hẳn là như vậy. Và Quang Phùng dường như đã từ bỏ dòng ảnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” để tập trung vào dòng ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống.

Nhan nhản khắp nơi người ta cứ gọi nhau là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nhưng với Quang Phùng thì ông không thích người khác cũng như báo chí gọi ông như vậy. Ông cho rằng nhiều khi người ta cứ thích “thần thánh hóa” nghề chụp ảnh, xưng tụng với những mỹ từ như “tác phẩm nhiếp ảnh”, “nghệ sĩ nhiếp ảnh”. Đó là một cái “bệnh” của người mình.

Với ông, “tác phẩm” của ông mà người ta cứ quen gọi kia, đơn giản chỉ là những bức ảnh, bộ ảnh. Còn danh xưng mỹ miều “nghệ sĩ nhiếp ảnh” kia người ta cứ gọi, ông phải chịu thôi, chứ thực lòng, ông chỉ muốn “an phận” với cụm từ: Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. 

Hình ảnh lão nghệ sĩ với công cụ sáng tác.
Hình ảnh lão nghệ sĩ với công cụ sáng tác.

Hồ Gươm đã ở trong tim tôi rồi!

Sẽ không quá lời khi nói rằng, cả cuộc đời Quang Phùng là hành trình bền bỉ với nhiếp ảnh. Và những bộ ảnh làm nên tên tuổi ông, cũng như khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất chính là những bộ ảnh xoáy sâu vào thân phận con người, những cảnh ngộ bất công, đề cập đến sự ngăn cách giàu nghèo như: “Hoa rơi mặt hồ”, “Gánh hàng rong”, “Ma túy ven hồ”, “Cây xanh Hà Nội kêu cứu”…

Để chụp được những điều ấy, người cầm máy không dấn thân, không lăn xả vào đời sống chắc chắn sẽ không thành. 

Chính vì thế, nhiều năm trước, khi sức còn khỏe, ông đã đeo bám những đề tài đầy tính xã hội như tệ nạn ma túy quanh hồ Thiền Quang. Bây giờ, bất kể trời Hà Nội mưa hay nắng, thậm chí là sáng sớm của một ngày Tết, ông vẫn vai đeo túi vải lững thững chống gậy đi dọc những con phố, rồi lên Hồ Gươm để chụp bộ ảnh đào Nhật Tân tìm đất mới. 

Có người bảo ông là “chân đi”, vì già rồi vẫn không chịu ngừng nghỉ. Lại có người bảo ông đi bộ thế cũng là cách tập thể dục. Cũng có lần có người ví von ông là “người chụp ảnh bằng chân”… Tất cả đều có cái đúng, và có cái… chưa đúng.

Quang Phùng đi, vì ông sống theo thuyết “thiên - địa - nhân” (Trời đất và con người hài hòa với nhau). Hơn thế, ông đi, để quan sát và chớp ghi từng khoảnh khắc, những biến đổi có thể rất li ti dưới một gốc cây, nơi ấy có một ổ mối, một hang chuột đang tàn phá cảnh sắc quanh Hồ Gươm. 

Nghệ sĩ Quang Phùng quan niệm, nhiệm vụ của nhà nhiếp ảnh là chụp ảnh. Mà muốn chụp được các khoảnh khắc, các hình ảnh thì phải đi, bất cứ lúc nào. Sự kiện trong đời sống đợi ai muốn chụp. Bởi vậy, sự có mặt của người chụp ảnh tại nơi sự kiện xảy ra là điều quan trọng nhất.

Một trong những bộ ảnh gần đây mà Quang Phùng rất thích đó là về cây xanh Hà Nội. Hàng trăm bức ảnh được ông sắp xếp cẩn thận. Ông rút tập “hồ sơ cây xanh” ra và mở đến đâu, ông dừng lại thuyết minh đến đây. Đây là cây bàng trước cổng Trường THCS Quang Trung trước xanh tốt là thế nay người ta chặt đi thay thế bằng cây khác. Đây là dãy cây quanh Hồ Gươm được trồng mới, được chống đỡ bằng hàng cột thép cho khỏi đổ…

Cứ thế, lần lượt hiện trạng Hà Nội hiện ra qua ảnh và lời dẫn của Quang Phùng, khi hóm hỉnh, khi xót xa. Không chỉ chụp để thấy một vẻ đẹp của cây xanh, những giá trị mà cây xanh mang đến cho con người, ống kính của ông bắt cận cảnh những chiếc đinh gộc người ta đóng không thương tiếc lên thân cây.

Ông chụp những chiếc vòng treo loa, treo đèn trang trí đang “thít cổ” cây xanh. Ông chụp những vết cắt cành cây “tứa máu”. Rồi những hốc cây mục ruỗng, chờ đổ. Ông chụp cây vông vang trước cổng đền Ngọc Sơn bị mục trơ lại gốc già nua…

Lão nghệ sĩ Quang Phùng lại mủm mỉm cười và bảo, đã theo nhiếp ảnh thì phải theo tới tận cùng. Đã chụp cái gì phải chụp chi tiết. Như thế, anh mới có thể để lại cho thế hệ sau, cho vài ba chục năm nữa. Khi ấy, thế hệ sau sẽ có cái nhìn khách quan về việc chúng ta đã ứng xử với thiên nhiên, với cây xanh Hà Nội như thế nào… 

“Tôi luôn mong Hà Nội tốt đẹp hơn, vì thế tôi thường chụp cái xấu, cái chưa đẹp, cái không ổn định… Tôi quan niệm, nhiếp ảnh phải đóng góp một tiếng nói mang tính phản biện xã hội, để cuộc sống này ngày một hoàn thiện hơn” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chia sẻ quan niệm làm nghề.

Đối với nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, chụp ảnh là một công việc ông đam mê. Nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ. Nghề này đòi hỏi người ta phải dấn thân. Nếu không có ý thức xây dựng cho mình những đề tài để chụp, thì rất phí. Vì như thế, có thể sẽ chỉ chụp “vu vơ”.

Nhưng khi xác lập cho mình một đề tài nào đó, thì phải tận tâm, phải “lao tâm khổ tứ” với nó. Lúc ấy, nếu lười nếu ngại sẽ bất thành. Chỉ có sự tận tâm, sự dấn thân không ngại khó, không ngại đi, không quản mưa nắng thì mới có được những khoảnh khắc tự nhiên, đắt giá. Điều ấy lý giải vì sao Quang Phùng hay đi, bất kể ngày mưa ngày nắng, sớm đông buốt lạnh hay chiều hè nắng cháy, nóng nực.

Chụp ảnh cũng là cách giúp ông ghi chép, phản ảnh được sự biến đổi của đời sống xã hội. Ông cũng muốn dùng nhiếp ảnh để nói lên tiếng nói phản biện xã hội. Sau hơn nửa thế kỷ cầm máy, Quang Phùng có thể thay đổi nhiều phương tiện chụp ảnh, nhưng có một điều ông không thay đổi suy nghĩ: Cái cốt lõi của nhiếp ảnh là tài liệu, là ghi lại hiện thực của đời sống.

Tôi từng ướm hỏi nghệ sĩ Quang Phùng rằng, nếu một ngày nào đó, không đi được lên Hồ Gươm, ông có buồn không? Lão nghệ sĩ mê nhiếp ảnh sắp bước vào tuổi 90 lại mủm mỉm cười: “Không, cũng không buồn nữa đâu.

Suốt bao nhiêu năm qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu vòng hồ, đã thuộc hết từng cái cây, từng con người gắn bó với Hồ Gươm. Nên nếu ngày nào đó không lên đây, thì Hồ Gươm đã ở trong tim tôi rồi”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ