Nhiều vấn đề phát sinh
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) khó thực hiện nhất. Lý do là vì họ thường thay đổi công việc, nơi làm việc. Điều này khiến khó xác định chính xác tình trạng việc làm của họ để có sự hỗ trợ cho kịp thời, đúng người, đối tượng.
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, để nguồn lực trợ giúp đến sớm với người lao động, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do. Qua đó, địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, đến thời điểm này, quận Hà Đông là địa phương đầu tiên đã chi kinh phí từ gói hỗ trợ cho nhiều lao động tự do.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, việc triển khai các chính sách lớn khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Tất cả những vấn đề vướng mắc, phát sinh, Sở đã tập hợp lại để tìm phương án tháo gỡ.
Nội dung nào thuộc thẩm quyền, Sở sẽ trả lời ngay bằng nhiều hình thức. Vấn đề nào cần xin ý kiến chỉ đạo, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc và báo cáo UBND Thành phố, Bộ LĐ-TB&XH xem xét.
Tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai gói hỗ trợ gói 26 nghìn tỉ đồng của Chính phủ, tuy nhiên gặp nhiều vướng mắc về thuế, bảo hiểm... Đồng thời, người lao động từ vùng dịch về Quảng Nam thì tỉnh vẫn chưa có phương án để họ được hưởng gói hỗ trợ này.
Bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, cho biết, Sở đang triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp một số vướng mắc như đóng thuế, bảo hiểm nên chưa thể giải ngân. Dự kiến trong đầu tháng 8, sẽ có hơn 10 doanh nghiệp được giải ngân.
Quảng Nam là tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bùng phát lại từ tháng 6 nên ít doanh nghiệp đủ điều kiện để hưởng.
Bà Trương Thị Lộc cũng cho biết thêm, hiện đối tượng TPHCM về thì trước hết cách ly chứ chưa có phương án để hỗ trợ họ theo gói này. Người từ TPHCM về, họ không làm trên địa bàn tỉnh nên phải khai báo ở TPHCM, việc này mới phát sinh nên Sở sẽ họp xin ý kiến tham mưu.
“Việc này cần phải cân nhắc bởi người lao động ở trong TPHCM gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Họ không có tiền ăn, tiền phòng nên họ mới vượt hơn 1.000 cây số chở theo trẻ em về quê. Trước mắt những trường hợp từ vùng dịch về quê tự phát sẽ được cách ly miễn phí…” - bà Lộc nhấn mạnh.
Đơn giản hóa thủ tục để lao động sớm tiếp cận gói hỗ trợ
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết, việc chi trả các chế độ hỗ trợ cho người lao độngs tại doanh nghiệp, lao động tự do tuỳ tình hình thực tế. Từng địa phương có thể linh động thực hiện bằng nhiều hình thức. Đối tượng có thể ký nhận trực tiếp, giao tổ trưởng khu phố, ấp đi phát tại gia đình, giao qua bưu điện hoặc chuyển khoản qua ATM.
Riêng với nhóm là lao động tự do đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện thông báo, rà soát thông tin đến các đối tượng hỗ trợ.
Ngoài đơn giản hóa thủ tục, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ theo trình tự, thủ tục. Đặc biệt lưu ý để không chồng chéo hay chậm tiến độ giải ngân.
Đồng thời, việc thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để sót đối tượng. Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm hoặc gây khó khăn cho các đối tượng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thủ tục đã được đơn giản hóa rất nhiều. Cụ thể, có những chính sách thậm chí còn không yêu cầu lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ khi cơ quan chức năng đã có dữ liệu quản lý.
Qua 15 ngày triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ, đã có 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chủ trương, triển khai giải pháp.
Nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã chi trả cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động số tiền 4.300 tỉ đồng với 11 triệu người thụ hưởng. Như vậy, nhóm chính sách này đã hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn.
Nhóm chính sách khác, Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người lao động là F0 phải điều trị, những F1 phải cách ly tập trung.
Ngoài ra, 52 nghìn người bị tạm dừng lao động, dừng việc không hưởng lương đã được hỗ trợ. Gần 6 nghìn hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được nhận tiền.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tái cấp vốn cho các đối tượng. Đã có 62 người sử dụng lao động được giải ngân 50,4 tỉ đồng, hỗ trợ cho gần 14 nghìn lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng, tức nhóm lao động tự do, Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ. Theo đó, để thực hiện linh hoạt, phân quyền mạnh cho địa phương, cơ sở giải quyết thật nhanh.
Riêng với nhóm người bán vé số, từ Đã Nẵng đến Cà Mau, hàng trăm nghìn người đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ.
Chính phủ cũng ghi nhận TPHCM và nhiều địa phương đã ban hành, thường xuyên cập nhật số lượng, biến động ở nhóm lao động tự do để có hỗ trợ phù hợp.
“Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ đang triển khai đúng hướng, thiết thực. Các đối tượng đã dễ dàng tiếp cận chính sách hơn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.