Lao động thu nhập thấp và giấc mơ 'an cư'

GD&TĐ - An cư, lạc nghiệp là mong mỏi chính đáng của nhiều người.

Căn nhà trọ chật hẹp của vợ chồng chị Trần Thị Hà Giang và anh Trần Trung Kiên.
Căn nhà trọ chật hẹp của vợ chồng chị Trần Thị Hà Giang và anh Trần Trung Kiên.

Thế nhưng, đó là chuyện chẳng dễ dàng, nhất là đối với người lao động có mức thu nhập trung bình, thấp và trong bối cảnh giá nhà đất, chung cư tăng cao như hiện nay.

Mong ước “mảnh trời riêng”

Có thể thấy, quan điểm “an cư lạc nghiệp” vẫn nằm trong điều ưu tiên của phần đa người Việt. Trong bối cảnh nhiều người lao động phải sống trong các khu phòng trọ chật chội, thiếu tiện ích và an ninh kém với mức tiền thuê không hề rẻ so với chất lượng, ước mơ và khát khao sở hữu một căn hộ đã trở thành một mong muốn bức thiết đối với họ.

Theo một nghiên cứu gần nhất, người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới. Tình trạng thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, giá nhà, đất ngày một “leo thang” khiến nhiều người lao động có thu nhập ở mức trung bình và thấp khó có thể sở hữu một căn nhà tại thành phố lớn để an cư.

Căn phòng trọ của vợ chồng chị Trần Thị Hà Giang (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nằm sâu trong con ngách nhỏ ở đường Nguyễn Trãi. Lối vào nhà ẩm ướt, chật chội, đi qua bãi để xe máy là tới lối lên cầu thang hẹp và dài dẫn lên phòng trọ của chị Giang. Phòng trọ có diện tích khoảng 25 m2, chỉ kê được vỏn vẹn 1 chiếc đệm và 1 tủ đồ, 1 cái quạt điện. Bếp và nhà vệ sinh dùng chung với các phòng trọ khác.

Chị Hà Giang chia sẻ, hiện đang làm công nhân vệ sinh môi trường, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị Giang – anh Kiên thì chạy xe ôm công nghệ, mỗi tháng thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Với tổng thu nhập hàng tháng như vậy, sau khi cân đối các khoản sinh hoạt phí đắt đỏ tại Hà Nội, y tế thuốc men, tiền gửi về quê nuôi 2 con… vợ chồng chị Giang chỉ dám thuê căn phòng trọ nhỏ thiếu tiện nghi này. Họ chấp nhận chung đụng (bếp nấu, nhà vệ sinh) với mức giá 2,5 triệu đồng/tháng.

Anh Trung Kiên chia sẻ, vợ chồng anh cũng muốn chuyển sang một phòng trọ có điều kiện tốt hơn, có chỗ nấu ăn và nhà vệ sinh riêng. Còn mong muốn mua nhà thì phải lên kế hoạch dài hạn.

“Với mức thu nhập và sinh hoạt như hiện tại thì mỗi tháng vợ chồng tôi cũng để ra được trung bình khoảng 4 triệu/tháng. Sau 5 năm ở Hà Nội, chúng tôi cũng đã có quỹ dành dụm cho việc mua nhà, tuy nhiên cũng chỉ như muối bỏ biển vì giá nhà hiện tại cao quá, vẫn cần tích luỹ thời gian dài nữa”, chị Hà Giang cho hay.

Không phải “bất khả thi”

Khoảng 15 triệu đồng là tổng thu nhập mỗi tháng của chị Đỗ Thị Bích Ngà (27 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài công việc chính là nhân viên truyền thông cho một công ty công nghệ với mức lương 11 triệu đồng/tháng, Ngà còn đi làm gia sư tiếng Anh để tăng thu nhập.

Lựa chọn căn nhà thuê ở vùng ven Hà Nội, cách công ty 14 cây số, Bích Ngà chấp nhận ở căn phòng nhỏ nhất, trên tầng cao nhất để tiết kiệm hết mức có thể. Với Bích Ngà, việc mua nhà ở thành phố là điều cần thiết, là khoản đầu tư dài hạn cho bản thân.

Từ cách đây 3 năm, chị Ngà đã là thành viên quen thuộc trong các nhóm mua bán nhà đất trên các nền tảng mạng xã hội và thường xuyên theo dõi tình hình biến đổi của giá cả nhà đất.

“Mình chọn lối sống tối giản để tiết kiệm chi phí hết sức có thể. Nhà trọ với mình là chỗ để ăn, ngủ buổi tối, còn hầu hết thời gian mình đi làm rồi. Mỗi ngày mình đều về nhà ăn cơm, nấu cơm mang theo đi làm, đồ ăn bố mẹ mình gửi từ quê lên hàng tuần nên hầu như chẳng tốn kém.

Với mình, những bữa cà phê hay ăn uống, nhậu nhẹt với bạn bè là điều xa vời. Đối với việc mua sắm, mình cũng không có nhu cầu nhiều, mỗi năm chỉ mua khoảng 10 bộ quần áo và mặc đi mặc lại”, Bích Ngà chia sẻ về cách chị tối ưu chi phí sinh hoạt trên Thủ đô để thực hiện khao khát “an cư, lạc nghiệp”.

Hiện nay, chị Ngà đã có khoản tiết kiệm đủ để nghĩ tới việc mua nhà trong 1 - 2 năm nữa. Mục tiêu của chị là tìm những căn nhà nhỏ trong ngõ, ở những khu vực xa trung tâm thành phố và có giá cả tốt. Tuy nhiên kế hoạch của chị có thể thay đổi nếu như chọn được căn nhà ưng ý, hợp lý.

“Bố mẹ mình hoàn toàn ủng hộ con gái thực hiện ước mơ mua nhà trên thành phố. Bố mẹ thậm chí sẵn sàng thế chấp căn nhà ở quê để tôi vay ngân hàng, bù phần còn thiếu. Hiện nay, mua căn nhà với tầm giá khoảng 800 triệu không còn là ước mơ xa vời”, chị Ngà tự hào cho biết.

Trên thực tế, giấc mơ “an cư” này không chỉ là ước mơ của cá nhân người lao động, mà còn là một mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 xây dựng được một triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn).

Những dự án nhà ở xã hội không chỉ mang ý nghĩa nhân văn lớn, mà còn là cách giúp các gia đình có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn hộ ổn định để sinh sống, an tâm làm việc, tránh khỏi tình trạng chi phí thuê nhà không tương xứng với chất lượng.

Tuy nhiên, việc mua nhà ở xã hội vẫn còn phụ thuộc vào giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động và cả sự cân đối sinh hoạt, tích luỹ của họ. Dưới sự hỗ trợ của các ngân hàng và chính sách hỗ trợ vay vốn, việc mua nhà với nhiều người lao động đã không còn là ước mơ “bất khả thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp tin đăng xin việc làm mới nhất DU HỌC VÀ XKLĐ THÀNH ĐÔ Khám phá tin tuyển dụng mới nhất Giày ziben chính hãng