(GD&TĐ)-Với tỷ lệ tán thành cao của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, Bộ luật Lao động sửa đổi đã được biểu quyết thông qua với những quy định tiến bộ về tuổi nghỉ hưu, mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động…
Lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản là 6 tháng |
Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi quy định, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương này được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Tiền lương làm thêm giờ của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Hàng năm, người lao động được nghỉ 10 ngày lễ, tết: Tết Nguyên đán (5 ngày), Tết Dương lịch, Giải phóng miền Nam, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày). Ngoài ra, còn có thêm các ngày nghỉ không hưởng lương như đám hiếu hỉ của cá nhân và bố mẹ, anh chị...
Về một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Một số ý kiến đề nghị cần xây dựng lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ, đồng thời tính toán đầy đủ hơn các yếu tố liên quan đến vấn đề cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này và đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi có đủ điều kiện.
Bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, đúng ngày Quốc tế lao động.
Minh Duy