Lao đao vì tuyển dụng nhân lực dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn vì thiếu lao động dịp cuối năm. Một số đơn vị đã phải tính đến các mức chế độ, chính sách đãi ngộ

Thị trường lao động vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa
Thị trường lao động vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn vì thiếu lao động dịp cuối năm. Một số đơn vị đã phải tính đến các mức chế độ, chính sách đãi ngộ cao để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực.

Bảo đảm việc làm cho người lao động

Những ngày cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu đơn hàng xuất khẩu, khiến người lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống. Trước thực trạng này, Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã kết nối người lao động đang có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp cần tuyển lao động.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, hầu hết các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đều không có đơn hàng mới. Cùng với đó là bị hủy đơn hàng cũ, đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động. Cho nên phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay tại TPHCM có 328 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, ảnh hưởng tới 53.638 người lao động. Tỉnh Bình Dương có hơn 35.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có hơn 250.000 lao động phải giảm giờ làm. Tại tỉnh Đồng Nai, hiện có hơn 100 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, ảnh hưởng việc làm và thu nhập của khoảng 200.000 lao động.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền, trong quý III và quý IV năm 2022, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp sớm báo cáo tình hình lao động, việc làm và lương, thưởng Tết. Đồng thời, Sở giám sát chặt chẽ việc chi trả lương và các khoản phúc lợi, chế độ, chính sách cuối năm của người lao động. Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực kết nối với các đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ người lao động mất việc tìm được việc mới.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai yêu cầu công đoàn các cấp chủ động nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng dịp Tết. Đồng thời, đàm phán với chủ sử dụng lao động để người lao động không bị thiệt thòi. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng để tặng 60 nghìn phần quà cho người lao động khó khăn. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình hỗ trợ vé tàu xe, máy bay cho người lao động về quê đón Tết.

Thời điểm này, đại diện công đoàn các công ty trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều doanh nghiệp bị giảm từ 30 - 50% đơn hàng, nhưng vẫn nỗ lực tìm giải pháp bảo đảm việc làm cho người lao động cuối năm. Các doanh nghiệp cam kết không cắt giảm lao động mà sẽ bố trí thời gian làm việc hợp lý để người lao động có nguồn thu nhập, nỗ lực giữ mức thưởng Tết như mọi năm hoặc thấp nhất là 1 tháng lương cơ bản.

Hỗ trợ, kết nối tuyển dụng

Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao. Ðiển hình ở các ngành nghề thương mại - dịch vụ, sản xuất, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử... Doanh nghiệp tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau, như mạng Internet, các trung tâm môi giới tuyển dụng, tổ chức phiên hội chợ việc làm, phát tờ rơi về địa phương.

Nhiều doanh nghiệp mời gọi, thu hút người lao động bằng cách thực hiện nhiều chính sách như thưởng lương, trợ cấp tiền nhà trọ cho những người ở xa, mua thẻ bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, nhiều lao động có xu hướng “nhảy việc”, nên ngoài số ít tập đoàn, công ty lớn, thì các doanh nghiệp khác rất khó tuyển dụng, nếu không chịu chi ra những khoản đãi ngộ đột biến.

Ông Trần Hải Nam, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu đồ mỹ nghệ tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), ký được một hợp đồng lớn xuất khẩu đồ thủ công, mỹ nghệ và cần tới hơn 100 lao động.

Ông Nam cho biết: “Công ty đã phải đưa ra ưu đãi bằng lương ngày trong hai tháng trước Tết với giá 250.000 đồng/ngày với người mới và 300.000 đồng/ngày với thợ có tay nghề. Thậm chí, người chưa biết nghề còn được đào tạo và hứa hẹn thưởng thêm doanh thu, nhận làm chính thức... nhưng vẫn chưa đủ số lượng nhân công”.

Tại những điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch, việc tìm nhân viên càng khó khăn hơn. Ðể đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ - thương mại kinh doanh ngành nghề này đang phải chật vật với các khoản lương, thưởng để giữ chân nhân viên phục vụ vào thời điểm cuối năm.

Lý giải về vấn đề chênh lệch cung - cầu lao động, nhất là vào dịp cuối năm, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây là quy luật của thị trường. Có thời điểm người lao động đi tìm việc rất lớn, nhưng nguồn cung việc làm lại thấp, ngược lại có những thời điểm nhu cầu lớn, nhưng lượng lao động đi tìm việc lại ít hơn.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, khiến thị trường lao động tại TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng nặng nề.

Ðặc biệt là tình trạng người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp không thể xuất khẩu. Một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, trì hoãn sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp nhiều cơ quan và các quận, huyện liên tiếp tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp, tạo việc làm cho lao động Thủ đô.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, hơn 183.000 lao động đã được giải quyết việc làm, đạt 114,4% kế hoạch giao trong năm, tăng hơn 46.400 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021.

Những tháng cuối năm, thị trường lao động Hà Nội vẫn phải đối mặt những khó khăn, thách thức. Ðể tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần phối hợp đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng dịch chuyển ngành nghề. Mục đích nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mơ thấy chồng ngoại tình tốt hay xấu?

Mơ thấy chồng ngoại tình tốt hay xấu?

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, mơ thấy ngoại tình có thể là lời cảnh tỉnh về những vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ hoặc lo lắng, bất an về chính bản thân.