Trong 2 ngày 6 - 7/10, Sở GD&ĐT Lào Cai tổ chức hoạt động Giao lưu học sinh dân tộc thiểu số với chủ đề “Chúng em vừa giỏi tiếng Việt vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, tuyên truyền về quyền trẻ em”.
Tham dự giao lưu có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Ban quản lý các dự án Bộ GD&ĐT cùng với sự góp mặt của các thầy, cô giáo. Buổi giao lưu còn có 40 học sinh đại diện cho hơn 50.000 học sinh đến từ thị xã Sa Pa và các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương.
Giao lưu học sinh dân tộc thiểu số “Chúng em vừa giỏi tiếng Việt vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, tuyên truyền về quyền trẻ em” là một trong nhiều hoạt động của ngành GD&ĐT. Mục tiêu tổ chức nhằm giúp các em mạnh dạn, tự tin, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đồng thời, xóa đi rào cản về ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc, tạo sân chơi bổ ích, lý thú. Qua đó còn giúp học sinh được giao lưu, chia sẻ vốn Tiếng Việt, kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt trong học tập, ứng xử hằng ngày.
Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: “Hoạt động giao lưu học sinh dân tộc thiểu số nhằm giúp học sinh luôn mạnh dạn, tự tin, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tiếng nói, chữ viết người dân tộc. Học sinh đạt kết quả “kép”, vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, vừa giỏi tiếng Việt và cũng có thể học giỏi tiếng Anh để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh hội nhập”.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc được học sinh thể hiện trong chương trình giao lưu. |
Trong khổ của hoạt động giao lưu, các đội trải qua phần giao lưu năng khiếu tiếng Việt; thi tìm hiểu và vẽ tranh về quyền trẻ em, an toàn với internet, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường… Tại đây, học sinh không chỉ thể hiện kiến thức về môn Tiếng Việt, mà còn được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Việt một cách linh hoạt qua các nội dung vẽ tranh, kể chuyện, hát, múa…
Với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, màn chào hỏi hấp dẫn, buổi giao lưu đã tạo nên không khí vui tươi, học mà chơi - chơi mà học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Nhờ đó, kích thích sự hứng thú, say mê học tập môn Tiếng Việt.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Bộ GD&ĐT cho biết: “Lào Cai hiện có 4/74 huyện nghèo của cả nước, có trên 70% học sinh là học sinh dân tộc thiểu số. Đây là những trẻ em thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Do vậy trong những năm tiếp theo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và các hoạt động để cải thiện việc học tập, giúp học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực”.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, chương trình giao lưu là một trong chuỗi hoạt động thuộc dự án “Học tập và kĩ năng cho em” do Ban quản lý các dự án Bộ GD&ĐT chủ trì dưới sự hỗ trợ kinh phí của UNICEF. Những hoạt động do Lào Cai triển khai đều đáp ứng mục tiêu chung là góp phần tiếp cận bình đẳng với môi trường học tập an toàn, tôn trọng và hòa nhập, góp phần hướng tới mục tiêu về giáo dục trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.