Lãnh đạo trường ĐH ngoài công lập tán thành “điểm sàn 3 mức”

GD&TĐ - 3 mức xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ năm 2014 vừa được Bộ GD&ĐT công bố - đã nhận được sự tán thành của một số lãnh đạo trường đại học ngoài lập. Họ gọi đây là "điểm sàn 3 mức" - cách làm mới tạo tâm thế mới cho các trường ĐH ngoài công lập.

Lãnh đạo trường ĐH ngoài công lập tán thành “điểm sàn 3 mức”

Thầy Phạm Công Toàn - Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên, Trường Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế): Đề nghị Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập tin vào 3 mức xét tuyển cơ bản - điểm sàn 3 mức - mà Bộ GD&ĐT đưa ra vì các mức này được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu số liệu điểm tuyển sinh đầu vào, phân tích mô hình và sự phân bố điểm chuẩn trung bình với điểm bình quân.

Thầy Phạm Công Toàn

Trường Đại học Phú Xuân một vài năm vừa qua gặp khá nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu vào. Bởi vậy, chúng tôi thực sự mong mỏi và dõi theo các mức tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT.

Dù đã xây dựng và được Bộ GD&ĐT phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng nhưng nhà trường vẫn đợi nguồn thí sinh chủ yếu từ kết quả của kỳ thi 3 chung.

Từ kinh nghiệm tuyển sinh thời gian qua, dựa trên mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT, lượng thí sinh vào trường không được như mong đợi. Ví dụ, kỳ tuyển sinh năm 2013, trường ĐH Phú Xuân chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu đề ra.

Theo khảo sát, con số thí sinh đạt trên điểm sàn rất cao nhưng lượng tuyển sinh vẫn không đủ. Vì trường ngoài công lập phải đặt trong hoàn cảnh cạnh tranh khá căng thẳng với các trường khối công lập (về mức học phí, giá trị những tấm bằng…).

Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc rất ủng hộ các tiêu chí xét tuyển của Bộ, tôi xin đề xuất Bộ GD&ĐT siết chặt và thực hiện nghiêm vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường công. Có như vậy, mới còn cơ hội để các trường tư thục tuyển được nguồn thí sinh chất lượng đảm bảo.

Thầy Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội): Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ 3 mức xét tuyển cơ bản Bộ GD&ĐT vừa công bố.

 Thầy Phạm Huy Phú

Nhiều người hay tỏ ra “cảm thông” với chuyện "đầu vào" của trường ĐH tư nhưng trên thực tế, là một trường ĐH ngoài công lập, nhà trường ít “đau đầu” với chuyện tuyển sinh đầu vào và điểm sàn. Bộ GD&ĐT đặt ra mức điểm dựa trên những tính toán khoa học, chúng tôi rất ủng hộ.

Trường ĐH Thăng Long luôn chú tâm vào chất lượng đầu ra của sinh viên. Chính vì vậy, từ chỗ rất khó khăn trong tuyển sinh (những năm đầu chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch) những năm gần đây nguồn tuyển của trường rất dồi dào, hơn cả mong đợi.

Tôi cho rằng, để có thể thu hút người học, không gì mạnh hơn là chất lượng sinh viên ra trường. Chính lực lượng này sẽ là kênh maketing hữu hiệu nhất mà không tốn kém để học sinh tự tìm đến nộp đơn theo học.

Như kỳ tuyển sinh năm 2013, điểm tuyển sinh của trường cao hơn mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra là 2 điểm và con số thí sinh đủ tiêu chuẩn có nguyện vọng đăng ký vào học tại trường đạt trên 100%.

GS.TS Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn: Với 3 mức xét tuyển cơ bản năm nay, chúng tôi càng thuận lợi trong tuyển sinh.

 GS.TS Đào Văn Lượng

Theo tôi, 3 mức xét tuyển cơ bản vào các trường đại học, cao đẳng năm 2014 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố sáng nay (8/8) phù hợp với thực tiễn tuyển sinh của các trường đại học công lập cũng như các trường ngoài công lập. 

Với các tiêu chí xét tuyển năm nay, trường chúng tôi sẽ càng thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh.

Tôi cho rằng năm 2014, các trường sẽ dồi dào nguồn tuyển hơn những năm trước. Với những trường khó tuyển sinh có thể lựa chọn ở mức 3 để đạt được chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra.

Ngoài ra, các trường cũng có thể nâng cao chất lượng nguồn tuyển bằng cách tuyển sinh nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3. Ngay như Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, với phổ điểm như năm nay và các tiêu chí xét tuyển của Bộ GD&ĐT, dự kiến chúng tôi có thể tuyển đủ 100% sinh viên vào trường ở nguyện vọng 1. 

Tuy nhiên chúng tôi sẽ dành khoảng 20% để tuyển nguyện vọng 2 nhằm thu hút được những sinh viên có điểm đầu vào cao.

Tôi tin rằng, sẽ có nhiều trường ngoài công lập lựa chọn ở mức 3 để xét tuyển vào trường. Ngay như Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng vậy, chúng tôi sẽ chọn ở mức 3 – với Khối B là 14 điểm; các khối còn lại: 13 điểm; Mức điểm tối thiểu vào cao đẳng là 11 điểm với khối B và 10 điểm cho các khối còn lại, để xét tuyển năm nay.

Thạc sỹ Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai): Tiêu chí xét tuyển có sự phân tầng rõ ràng, thể hiện "đẳng cấp" nhà trường

 Thạc sỹ Lâm Thành Hiển

Tôi tán thành 3 mức xét tuyển cơ bản vào các trường đại học, cao đẳng năm 2014 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Với các mức tiêu chí như năm nay, trường chúng tôi sẽ không quá khó để tuyển sinh.

Năm nay tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Lạc Hồng là 2.280 sinh viên, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố các tiêu chí xét tuyển đại học, cao đẳng, chúng tôi tự tin sẽ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu theo nguyện vọng 1, còn khoảng 30% chúng tôi sẽ tuyển nguyện vọng 2 nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.

Điều dễ dàng nhận thấy đó là, ở các mức tiêu chí xét tuyển có sự phân tầng rõ ràng về chất lượng thí sinh cũng như là “đẳng cấp” của các trường.

Ví dụ ở mức 1 - mức cao nhất, dành cho các trường tốp trên, với những trường đăng ký tuyển sinh ở mức này chắc chắn sẽ tuyển được những thí sinh có chất lượng vào trường, mà nguồn tuyển cũng không quá khó.

Hoặc là ở mức 3, sẽ tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập và các trường tốp dưới tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Như vậy có thể nói, với 3 mức tiêu chí xét tuyển như năm nay, Bộ hoàn toàn không làm khó cho các trường, nhất là đối với các trường ngoài công lập Với tiêu chí này, cơ hội vào đại học của các thí sinh cũng sẽ rộng mở hơn.

Thí sinh xem danh sách trúng tuyển đại học
 Thí sinh xem danh sách trúng tuyển đại học

Thầy Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời Trường Đại học Đông Đô: Đổi mới cách làm tạo tâm thế khác cho các nhà trường.

Có thể thấy, về bản chất, mức điểm năm nay không khác gì so với năm trước (cũng là 13 điểm tối thiểu), nhưng cách làm khác nên cũng tạo ra tâm lý khác hẳn với các nhà trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH ngoài công lập

Thầy Nguyễn Thanh Tĩnh

Thực hiện lộ trình đổi mới tuyển sinh cũng như tiếp thu ý kiến từ các trường về điểm sàn, năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định 3 mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ. Tôi cho rằng, đó là một quyết định hợp lòng người.

Theo quyết định này, mức điểm xét tuyển tối thiểu (mức 3) là 14 điểm (với khối B) và 13 điểm (với các khối còn lại). Mức 2 cao hơn 1 điểm và mức 3 cao hơn mức 2 - 3 điểm.

Điểm lợi đối với các trường tốp dưới năm nay là: Với 3 mức điểm nói trên, các trường top giữa sẽ phải cân nhắc kỹ nếu quyết định lấy điểm chuẩn 13 - 14 điểm (mức điểm được cho là của các trường top dưới) như năm trước có trường vẫn làm.

Tuy nhiên, những trường nào khó tuyển thì năm nay vẫn khó. Trả lời câu hỏi tại sao, các trường cần phải xem lại cách thức đào tạo của mình.

Với Trường ĐH Đông Đô, dự kiến mức điểm chuẩn là 13 điểm, tức ở mức 3. Với mức điểm này, với lượng thí sinh đăng ký thi vào trường năm nay, đạt khoảng 10% chỉ tiêu. 

Trường sẽ tiếp tục dành chỉ tiêu cho NV2 và NV3 cũng với mức tối thiểu là 13 điểm. Tôi cho rằng, nếu huy động được khoảng 50% chỉ tiêu, năm nay với Trường ĐH Đông Đô đã là thành công.

Thầy Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi: Mức tối thiểu 13 điểm là phù hợp

Thầy Nguyễn Văn Nhã

Có một số người dự đoán điểm tối thiểu vào đại học năm nay vào khoảng 12 điểm. Tuy nhiên, khi đọc phổ điểm, tôi thấy rằng, nếu để mức điểm 12, số lượng thí sinh dôi dư sẽ quá nhiều. Do đó, quyết định của Bộ GD&ĐT mức 3 với khối B 14 điểm, các khối khác 13 điểm là hợp lý. Mức điểm này, thực chất cũng không khác gì so với năm 2013.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Liệu với cách xác định 3 mức điểm xét tuyển vào ĐH như năm nay, các trường top dưới, các trường ngoài công lập có tuyển được thí sinh? Liệu lượng thí sinh dôi dư lớn đó có vào các trường tốp dưới hay không?

Tôi cho rằng, năm nay một số trường ngoài công lập sẽ vẫn tuyển sinh khó khăn. Nhiều thí sinh đạt mức sàn, sát sàn nếu không đỗ nguyện vọng 1 có thể chấp nhận học nghề, hay học cao đẳng để có thể nhanh chóng đi làm, dễ xin việc chứ không vào học trường dân lập.

Nếu có thể yêu cầu các trường tốp đầu chỉ được lấy điểm ở mức 1; trường tốp 2 chỉ đươc lấy điểm ở mức 2; mức 3 dành cho các trường tốp dưới, trường mới thành lập… thì may chăng trường ngoài công lập tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn.

Với một trường đại học còn non trẻ như Trường Đại học Nguyễn Trãi, mức điểm trúng tuyển chắc chắn là 13 điểm; dự kiến mùa tuyển sinh này trường sẽ đạt được 50% chỉ tiêu. Và con số đó đã là thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ