Phổ điểm đẹp
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Hầu hết các khối thi đều có phổ điểm phân bố gần như hình chuông - hình lý tưởng của phổ điểm. Đỉnh phổ điểm dịch về phía tay phải, phía điểm cao.
Ba khối thi có điểm cao nhất là A, A1 và B, đỉnh phổ điểm dịch chuyển khoảng 3 điểm so với năm 2013. Điều này thể hiện nội dung đề thi năm nay rất tốt. Các khối C và D1, đỉnh phổ điểm tương đương năm trước. Mức nhiều thí sinh đạt nhất là điểm trung bình.
Đặc biệt, đường cong của phổ điểm khá đều, không có dốc ở bất kỳ một điểm nào. Điều này đồng nghĩa không có điểm tăng hay giảm đột ngột, do đó, thuận lợi cho việc xác định ngưỡng tuyển sinh của các trường.
Một điều rất đáng lưu ý là lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2013. Tuy nhiên, số thí sinh thực tế đủ điều kiện đưa vào thống kê lại tương đương năm ngoái, tức khoảng 1.050.000 thí sinh.
Điều này cho thấy, các thí sinh có quyết tâm và bản lĩnh ngay từ đầu, đã lựa chọn trường thi là quyết tâm cho đến cùng. Với chất lượng thí sinh như vậy, năm nay, các trường ĐH, CĐ sẽ có một thế hệ sinh viên mới bản lĩnh, học tốt, tạo nguồn đội ngũ nhân lực chất lượng cao sau này.
Dồi dào nguồn tuyển
Với cách phân tích điểm hết sức khoa học dựa trên phổ điểm, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 đã chính thức “chốt” 3 mức xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ năm 2014.
Theo đó, mức điểm thấp nhất (mức 3) với đại học là 14 điểm (với khối B) và 13 điểm (các khối còn lại); với cao đẳng là 11 điểm (khối B) và 10 điểm (các khối còn lại).
Với mức tối thiểu này, số thí sinh đạt là trên 60%, tương đương koảng 650.000 thí sinh. Trong khi đó, chỉ tiêu của chúng ta vào khoảng 350.000. Với cao đẳng, có khoảng 80% thí sinh đạt mức 10 điểm trở lên. Như vậy, nguồn tuyển năm nay rất dồi dào.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, so với năm 2013, lượng thí sinh dôi dư lớn hơn. Hai khối trọng yếu nhất là khối A và A1, hệ số dôi dư là 1,7; trong khi đó, năm 2013, hệ số này chỉ là 1,5. Đó là chưa kể các trường tuyển sinh riêng.
Nếu tỉnh cả nhóm này, hệ số dôi dư sẽ còn tăng thêm. Do đó, các trường không ngại thiếu nguồn tuyển trong năm nay.
Giúp phân hạng trường đại học
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định, mức điểm tối thiểu này có thể đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, CĐ. Mặt khác, các trường sẽ thực hiện tuyển từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu nên không phải học sinh cứ đạt mức 3 là vào được đại học.
Các thành viên của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 cùng chung quan điểm, 3 mức điểm sẽ giúp phân khúc nguồn tuyển.
Theo đó, những trường tóp trên, có úy tín chọn mức cao nhất; trường top giữa chọn mức 2; còn lại, những trường mới thành lập, đang phát triển, chưa có sức hút mạnh sẽ chọn mức 3 để xét tuyển.
Với phân khúc như vậy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý, các trường phải cân nhắc trong việc chọn mức xét tuyển đầu vào như thế nào cho phù hợp để hài hòa giữa chỉ tiêu và uy tín chất lượng; từ đó, là căn cứ để xã hội đánh giá vị trí nhà trường thuộc nhóm nào.