TS Nguyễn Tấn Vui – Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên: Tâm đắc việc Bộ GD&ĐT cho phép lấy điểm sàn theo ngành
Theo mục tiêu của Bộ GD&ĐT, xác định mức điểm tối thiểu là để chọn thí sinh đủ điều kiện vào học các trường ĐH, CĐ. Mức điểm sẽ nâng dần lên tùy thuộc và điều kiện tuyển sinh, yêu cầu về chất lượng đầu vào của từng trường.
Đây là một trong những hình thức tạo tính chủ động cho các trường. Trên cơ sở các mức điểm sàn sẽ tạo điều kiện cho các trường tự chủ trong tuyển sinh.
Điểm mới là Bộ cho phép các trường lấy điểm sàn theo ngành. Do vậy, một trường đa ngành có thể có nhiều mức điểm sàn khác nhau, không phải đưa ra một mức sàn chung cho cả khối thi.
Tuyển sinh năm nay tạo tính chủ động cho các trường. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành, các trường có thể xác định mức điểm sàn khác nhau. Ví dụ những ngành khó tuyển thì có thể sử dụng mức điểm sàn tối thiểu. Bên cạnh đó, mức điểm sàn này cũng làm căn cứ để các trường xét tuyển nguyện vọng, 2, 3.
Đối với ĐH Tây Nguyên: Mức điểm sàn với biên độ rộng như Bộ GD&ĐT đưa ra tạo thêm thuận lợi cho trường trong công tác tuyển sinh. Với đặc điểm là trường đa ngành, năm nay nhà trường sẽ có thể đưa ra các mức điểm sàn khác nhau phụ thuộc vào chất lượng, số lượng thí sinh tham gia thi đầu vào.
Bên cạnh đó, có những ngành học đào tạo theo địa chỉ cũng sẽ dựa vào mức điểm sàn để làm cơ sở xét tuyển.
Mức điểm sàn tối thiểu năm nay không thấp hơn năm trước. Hội đồng điểm sàn vẫn rất chú trọng vấn đề chất lượng, đảm bảo theo mặt bằng chung. Các mức điểm sàn được đưa ra trên có sở tính toán trên số liệu điểm tuyển sinh đầu vào, phân tích mô hình và sự phân bố điểm chuẩn trung bình với điểm bình quân.
Đối với hệ Cao đẳng năm nay, số lượng thí sinh dự thi thấp hơn so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, mức sàn vẫn giữ như năm ngoái để đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào, còn lại sẽ dành cơ hội cho các thí sinh đã dự thi Đại học và đạt điểm sàn theo quy định.
GS. TS Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Mức điểm sàn 2014 giữ ổn định trường tốp trên, tạo niềm vui cho các trường top dưới.
Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều năm nay, điểm tuyển sinh "đầu vào" luôn bỏ xa mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Vì vậy, chúng tôi thực sự không dành nhiều quan tâm cho vấn đề điểm sàn.
Tuy nhiên, nằm trong phối cảnh chung của bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ, tôi ủng hộ quan điểm của Bộ. 3 mức điểm sàn này tạo điều kiện cho các trường top dưới trong công tác tuyển sinh đầu vào, cải thiện điều kiện tuyển sinh cho các trường từng gặp khó khăn về vấn đề này.
Khi điểm sàn hạ thấp hơn với biên độ dao động rộng hơn thì sẽ ảnh hưởng phần nào về chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, theo tôi, đây cũng không phải vấn đề đáng lo ngại, vì đây có lẽ chỉ là phương án tạm thời, giải quyết tình huống mà Bộ GD&ĐT đưa ra cho kỳ tuyển sinh năm nay vì chúng ta cũng đang cùng nhau bàn cách cải tiến hệ thống tuyển sinh đại học, cao đẳng, xây dựng kỳ thi THPT quốc gia,…nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Khi các trường ĐH, CĐ được giao quyền chủ động, tự chủ tuyển sinh sẽ thay đổi toàn bộ các vấn đề về tuyển sinh vì điểm sàn có đặc thù áp dụng cho kỳ thi 3 chung.
PGS.TS Lê Văn Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng: Tiêu chí xét tuyển chạm đúng ý nguyện của thí sinh và các trường
Sáng nay (8/8), Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 3 mức tiêu chí xét tuyển cơ bản vào đại học, cao đẳng năm 2014, tôi cho rằng 3 mức mà Bộ vừa công bố hoàn toàn hợp lý và thuận lợi, chạm đúng ý nguyện thí sinh và nhà trường.
Trước đó tôi cũng đã từng kiến nghị với Bộ nên để 3 mức tiêu chí xét tuyển để đảm bảo quyền lợi chung và phù hợp với điều kiện thực tế tuyển sinh của các nhà trường.
Với những quyết sách của Bộ như năm nay, không riêng gì Trường Đại học Xây dựng mà các trường khác sẽ đều thuận lợi trong tuyển sinh.
Đặc biệt là các trường tốp trung, tốp dưới cũng có nhiều cơ hội để tuyển sinh. Điều quan trọng là, với tiêu chí xét tuyển như năm nay thì chất lượng đầu vào của các trường sẽ không không kém.
PGS.TS Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội: Thuận lợi cho các trường tuyển sinh
Cá nhân tôi khá hài lòng với 3 mức tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm nay. Với các tiêu chí xét tuyển như năm nay, thì Trường Đại học Lao động và Xã hội chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tuyển được những thí sinh có chất lượng hơn.
Đặc biệt, năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường khá lớn – với 5.546 sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau khi Bộ GD&ĐT công bố các tiêu chí xét tuyển thì chúng tôi chắc chắn nhà trường không chỉ tuyển đủ thí sinh mà còn có cơ hội để được lựa chọn nhiều thí sinh ưng ý.
Mặt khác, nhìn một cách tổng thể, với các mức tiêu chí xét tuyển như năm nay, các trường sẽ rất thuận lợi cho việc tuyển sinh, nhất là những trường tốp dưới và các trường ngoài công lập thi theo “3 chung”.
PGS.TS Nông Quốc Chinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên): Chúng tôi sẽ rất thuận lợi trong tuyển sinh
Nhìn vào 3 mức tiêu chí xét tuyển mà Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 vừa công bố, tôi cho rằng Bộ đã có cái nhìn toàn cảnh. Với 3 mức tiêu chí xét tuyển như năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường.
Nhìn vào bức tranh điểm số của các thí sinh năm nay, rất nhiều thí sinh đạt từ 18 đến trên 20 điểm. Do đó, với mức tiêu chí 1 thì các trường tốp trên cũng không quá khó tuyển sinh, thậm chí còn tuyển được nhiều thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.
Riêng với Trường Đại học Khoa học, với mức tiêu chí xét tuyển như năm nay thì chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.300 thí sinh sẽ rất thuận lợi.
Xem phân tích "đường cong" phổ điểm tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 TẠI ĐÂY