Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên tặng hoa trao thưởng cho các cá nhân có thành tích tốt trong phá án
Ngày 20/2, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết đã nhận thấy nhiều thông tin trái chiều về việc khen thưởng 2 tập thể và một số chiến sĩ có thành tích suất sắc trong quá trình giải quyết vụ án chị Cao Thị Mỹ Duyên (SN 1997, ở Điện Biên) bị sát hại dịp Tết Âm lịch vừa qua. Diễn biến vụ việc cho thấy, ngày 27 Tết, Bùi Văn Công (SN 1975) và Vương Văn Hùng (SN 1984) nảy sinh ý định cướp tài sản của chị Duyên - lúc đó đang phụ gia đình bán gà ở chợ.
Chiều 30 Tết, Hùng lừa chị Duyên chở gà tới một căn nhà hoang rồi bắt giữ, cùng Công, Phạm Văn Nhiệm (SN 1976) xâm hại tình dục. Nạn nhân sau đó bị giam giữ trên thùng xe tải của Công và tiếp tục bị Lường Văn Lả, Lường Văn Hùng (cùng SN 1991) xâm hại. Khi chị Duyên yếu đi, Công đã siết cổ khiến chị tử vong và cùng 4 đối tượng còn lại mang xác vào 1 khu nhà hoang. Công an sau đó đã lần lượt bắt giữ cả 5 đối tượng, khởi tố chúng về các hành vi giết người, bắt giữ người trái phép, hiếp dâm, cướp tài sản và tàng trữ trái phép ma túy.
Ngày 18/2, UBND tỉnh Điện Biên đã trao Bằng khen cho Phòng trọng án Cục hình sự Bộ Công an, Công an huyện Điện Biên và 14 cá nhân thuộc Bộ Công an và công an địa phương; thưởng gần 3 triệu đồng cho tập thể, hơn 1 triệu đồng cho mỗi cá nhân. Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cũng tặng bằng khen cho 48 cá nhân có thành tích tốt trong quá trình phá án.
Được hỏi về việc khen thưởng trên, một lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho rằng đã làm hoàn toàn đúng, ai có công được khen thưởng, ai thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý; một số người trên mạng xã hội có ý kiến phức tạp, đưa ra tình tiết không đúng để đánh lạc hướng dư luận về vụ việc, làm giảm uy tín của chính quyền... Một lãnh đạo khác cũng cho biết, đã có ý kiến khen thưởng “thiếu” nên có thể tỉnh sẽ rà soát để biểu dương những người dân giúp sức việc phá án.
Trước ý kiến phản đối việc khen thưởng, một cán bộ thuộc UBND tỉnh Điện Biên nói: “Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, các đồng chí ở Điện Biên và thậm chí ở Bộ Công an phải lên tham gia rất vất vả nên tỉnh cũng chi thưởng từ nguồn quỹ phòng chống tội phạm nhằm động viên tinh thần… Không thể tưởng tượng nổi sự vất vả của họ. Từ hôm 30 Tết lúc nhận báo án, các đồng chí không ăn Tết ở nhà, trực 24/24. Nghiệp vụ của họ không thể nói với công chúng nhưng chúng ta phải hiểu họ rất gian khổ. Nếu ai có nhận định, ý kiến (phản đối - PV) như thế, không biết họ có hiểu vấn đề không”.
Vị cán bộ này cũng bác bỏ quan điểm dân phát hiện nhưng khen thưởng lực lượng phá án, nói: “Ở đâu cũng phải tuyên truyền người dân, vận động quần chúng phát giác tội phạm, vụ nào cũng vậy và phải qua nhiều người mới thấy được sự việc nhưng để tìm ra thủ phạm chỉ có thể nhờ nghiệp vụ điều tra của công an, đây là công của họ”.
Tương tự, mẹ nạn nhân Cao Thị Mỹ Duyên từ chối đưa ra ý kiến về công tác phá án nhưng cho biết, bà có thể khẳng định lực lượng công an đã rất vất vả trong vụ việc.
Khám nghiệm lại do nhiều mâu thuẫn
Nhận định về việc khám nghiệm lại tử thi, tiến sĩ, đại tá Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định trong các vụ án, khám nghiệm hiện trường là quy trình quan trọng đặc biệt trong các vụ giết người, hiếp dâm. Việc khám nghiệm cũng có thể được diễn ra nhiều lần, đây là điều bình thường trong khoa học hình sự. Cụ thể, sau khi xảy ra vụ án, thi thể sẽ được cơ quan khám nghiệm tổ chức khám nghiệm tử thi để thu thập các dấu vết phục vụ điều tra trước khi bàn giao nạn nhân cho gia đình.
Sau đó, nếu vụ án xuất hiện tình tiết mới như bắt thêm nghi phạm, có thêm lời khai hoặc cần thu thập thêm chứng cứ từ lời khai mới, cơ quan điều tra cần thiết phải khám nghiệm lại tử thi. Việc khai quật để tái khám này còn diễn ra trong trường hợp các kết quả của lần khám nghiệm đầu tiên chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan điều tra.
Trong vụ án tại Điện Biên, tiến sĩ Hùng nêu quan điểm, để xác định nạn nhân có bị xâm hại tình dục hay không, cơ quan khám nghiệm cần tìm các chứng cứ vật chất như quần áo nạn nhân có bị xáo trộn hay xê dịch; tử thi có dấu vết trầy xước hay không… nhằm làm rõ các tình tiết.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Sùng A Hồng - GĐ Công an tỉnh Điện Biên giải thích phải khám nghiệm lại vì: “Kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ và lời khai của các đối tượng còn nhiều mâu thuẫn nên buộc cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu của cơ quan kiểm sát là khai quật lại để làm rõ. Ví dụ, khi khám nghiệm tử thi chỉ có thể trả lời nạn nhân chết do bị siết cổ nhưng khi bắt được, đối tượng khai lúc gây án siết cổ 2 lần. Ngoài ra, có nhiều tình tiết khác buộc cơ quan điều tra phải khám nghiệm lại”.