Lãnh đạo Nga - Đức chính thức có cuộc điện đàm, ông Zelensky phản ứng gì?

GD&TĐ -Cuộc điện đàm được phía Đức khởi xướng, hướng tới thảo luận về đàm phán giải quyết xung đột Ukraine và lĩnh vực năng lượng.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức chính thức có cuộc điện đàm.
Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức chính thức có cuộc điện đàm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz theo sáng kiến ​​của phía Đức, Điện Kremlin xác nhận vào ngày 15/11.

"Theo sáng kiến ​​của phía Đức, cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz kể từ tháng 12 năm 2022 đã được tổ chức", Sputnik dẫn tuyên bố cho biết.

Nội dung cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo hướng đến chủ yếu là vấn đề xung đột Ukraine, lĩnh vực năng lượng và cuộc khủng hoảng tại Trung Đông.

Theo tuyên bố từ Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã có "cuộc trao đổi quan điểm chi tiết và thẳng thắn về tình hình ở Ukraine".

Tổng thống Nga Putin đã nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là "hậu quả trực tiếp của chính sách hung hăng lâu dài của NATO nhằm tạo ra một bàn đạp chống Nga trên lãnh thổ Ukraine, trong khi phớt lờ lợi ích của đất nước chúng ta trong lĩnh vực an ninh và chà đạp lên quyền của cư dân nói tiếng Nga", Điện Kremlin cho biết.

Thảo luận về triển vọng giải quyết xung đột bằng biện pháp chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga cho biết Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Kiev và vẫn để ngỏ khả năng tái khởi động các cuộc đàm phán đã bị phía Ukraine dập tắt trước đó.

Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng bất kỳ giải pháp tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev đều phải tính đến lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh, cũng như thực tế lãnh thổ mới và "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về quan hệ Nga-Đức. Tổng thống Putin nói rằng "sự suy thoái chưa từng có" của họ là kết quả của "các chính sách không thân thiện" do Berlin thực hiện.

Về vấn đề năng lượng, ông Putin tái khẳng định Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác nếu Đức quan tâm.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông và những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trong khu vực. Sau cuộc trò chuyện, Tổng thống Putin và Thủ tướng Scholz đã đồng ý giữ liên lạc.

Phía Đức xác nhận cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin và kéo dài gần một giờ. Trong đó, Berlin khẳng định ông Scholz đã thúc giục Tổng thống Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine và "rút quân".

Theo người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit, Thủ tướng Scholz "khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để đạt được hòa bình công bằng và lâu dài" và nói về "quyết tâm không lay chuyển" của Berlin trong việc hỗ trợ Kiev "miễn là cần thiết".

Được biết, trước cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và có kế hoạch gọi điện tiếp theo với ông sau cuộc thảo luận với Tổng thống Putin.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo Nga - Đức đã mở ra "chiếc hộp Pandora" và trao cho Moscow những gì họ mong muốn.

“Thủ tướng Scholz nói với tôi rằng ông ấy sẽ gọi cho Putin. Bây giờ có thể có những cuộc trò chuyện khác, những cuộc gọi khác" - ông Zelensky nói trong một video vào tối 15/11.

Tổng thống Ukraine cho rằng điều này sẽ làm suy yếu "sự cô lập" của Nga và dẫn đến "chỉ là rất nhiều lời nói", mà không có bất kỳ kết quả thực tế nào cho cuộc xung đột ở quốc gia này.

"Chúng tôi biết cách hành động. Và chúng tôi muốn cảnh báo: sẽ không có 'Minsk-3'. Chúng tôi cần hòa bình thực sự" - ông nói thêm.

Hai thỏa thuận Minsk được Pháp và Đức làm trung gian để giải quyết xung đột giữa Ukraine và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Các cựu lãnh đạo của Đức và Pháp sau đó thừa nhận rằng đó là một mưu mẹo để Kiev có thời gian chuẩn bị cho chiến tranh.

Tổng thống Putin đã trích dẫn việc ông Zelensky công khai từ chối thực hiện các thỏa thuận Minsk là một yếu tố khiến xung đột leo thang vào tháng 2 năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ