Cảm thụ văn học:

Lắng sâu từ cuộc đời buồn

GD&TĐ - Mở hồn ra để lắng nghe mọi âm vang từ cuộc đời, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã để những vang động của cuộc đời trải dài trên trang viết của mình.

Vở kịch “Thương thì thương thế thôi” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Đời như ý”. Ảnh: ITN
Vở kịch “Thương thì thương thế thôi” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Đời như ý”. Ảnh: ITN

Có những mảnh đời cay đắng ẩn sau truyện ngắn xúc động “Đời như ý” mà không như ý.

Từ những năm đầu của thế kỉ XXI, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã ra mắt công chúng với những tác phẩm mang âm điệu dân quê phương Nam, một lối viết truyền thống gắn với tinh thần sông nước. Sau những tác phẩm chắp bút đầu tiên, đặc biệt là sự xuất hiện của truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” - một tác phẩm ám ảnh lòng người, khuấy động cả văn đàn Việt Nam, Nguyễn Ngọc Tư trở thành một hiện tượng, một tác giả được người người ca tụng, săn đón. Mạnh mẽ bỏ lại “cái xác ve sầu” - “Cánh đồng bất tận” từ rất sớm, Ngọc Tư trở lại với những câu chuyện bình dị quanh ta. Trong đó, “Đời như ý” là một tiếng nói riêng dung dị mà tràn đầy cảm xúc, khơi gợi trong tâm trí người đọc nhiều nghĩ suy về muôn kiếp nhân sinh.

Đời vốn không như ý

“Ai cũng hỏi, làm gì có chuyện đời như ý…” Chú Đời cười, hàng ria mép xoăn tít, xồm xoàm quớt lên, tự hào, sao mà không… Cái tên con Như, con Ý ra đời cũng vì lẽ ấy. Ai khiến chú Đời yêu và tự hào về cái cuộc sống của mình như thế? Một phận mù hát rong, vợ nửa điên nửa tỉnh, hai đứa con gái thì mặt mày xấu xí, lem luốc, đen đúa…

Cuộc sống ca cẩn quanh khu chợ bán vé số kiếm sống qua ngày. Chỉ có những phút giây bình dị bên gia đình đã chắp cánh cho niềm tin vào cuộc đời như ý của chú ngày một bay cao và xa mãi. Nhưng mà, đời có bao giờ như ý. Sức khỏe chú Đời ngày một giảm sút, không ca được nữa, bán vé số cũng ế ẩm dần. Cuộc đời đẩy chú đến bước đường phải rứt ruột bán một đứa con đi để lấy tiền xoay xở. Cuộc sống cũng không vì thế mà khá khẩm hơn. “Giọng chú tắt khèn khẹt trong cổ họng, thậm chí còn không thể cất lời rao”, đờn cho con Như ca cũng không được.

Thấy mình bất lực trước bệnh tật, chú đành bỏ nghề. Song khi đã “thấu hết cái khổ của kẻ hát rong, đã mỏi đôi chân ròng rã, tự tay xé vụn hạnh phúc gia đình”, chú Đời mới “thèm được sống lại những buổi trưa ấy”, những buổi trưa ấm áp bên gia đình. Những buổi trưa ấy đã xa mất rồi! Chú Đời cũng thế. Chưa kịp gặp lại đứa con bé bỏng, chú cũng đã đi xa mất rồi!

Truyện ngắn “Đời như ý” của Nguyễn Ngọc Tư là một bản nhạc buồn ngân nga về cuộc đời bất hạnh của nhân vật chú Đời. Chú Đời - một nhân vật mang phận hát rong, cuộc sống quanh quẩn bên khu chợ góc phố ca cẩn bán vé số kiếm sống. Một nhà chú bốn người, phải gồng gánh nhau như một gánh hát. Chú Đời lại bị mù, người vợ nửa điên nửa tỉnh, hai đứa con gái lại còn quá bé bỏng... Sinh hoạt cả gia đình dựa vào những tờ vé số bán được, lay lắt qua ngày.

Thế nhưng, chú Đời yêu lắm cái cuộc sống tuy khó khăn mà vui vẻ hạnh phúc ấy: Cả nhà bốn người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Những khoảnh khắc bình dị mà ấm áp bên vợ và hai con khiến chú hạnh phúc và tự hào biết bao nhiêu! Thế là đời như ý rồi! Một ước nguyện như ý đơn giản...

Bất hạnh của chú Đời là sự bất lực trước bệnh tật. Chú Đời vốn đã có một khởi đầu bất hạnh hơn người: Chú bị mù. Nhà lại nghèo túng, chỉ có thể hát rong bán vé số kiếm sống. Bệnh tật khiến chú mất đi vốn làm ăn duy nhất là giọng ca. Giọng ca của chú vốn đã dở, nghe giòn, chói giờ lại thêm khàn, nghe khen khét như nồi cơm quá lửa. Dăm bài hát “Chiếc áo người vợ hiền” cũng ca lụm cụm như “Chiếc áo bà già”.

Chú có uống thuốc, cũng có đi khám, nhưng dường như chả có kết quả gì. Lại được khi buôn bán ế ẩm, chú Đời hôm nào cũng phải đi đến tối muộn mới về. Lụi hụi hết mùa nắng, giọng chú “tắt khèn khẹt trong cổ họng”. Không thể cất lời rao được nữa, cũng không thể để con Như ca được, chú Đời bất lực muốn khóc. Chú đành bỏ nghề, không làm ăn được gì nữa. Một kẻ hát rong đã mất đi giọng ca của mình, giờ đây chịu thua bệnh tật mà bỏ đi cây đờn. Bệnh tật là một trong những tiền đề của chuỗi bất hạnh của chú Đời sau này và kết thúc bằng một giấc ngủ trong tiếng ca của người vợ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Bất hạnh thực sự ập đến cuộc đời chú Đời là khi chú tự tay xé vụn hạnh phúc gia đình mình. Bệnh tật khiến chú Đời phải bán đi đứa con bé bỏng yêu thương, con Ý. Không đờn, không ca được nữa, chú Đời không thể lo liệu cho cuộc sống gia đình như trước được. Chính vì vậy mà chú đã rứt ruột bán con Ý cho dì Liễu bán xoong chảo ngoài chợ. Ai nghe cũng tưởng chú nói đùa. Một người yêu và tự hào về con như thế, lại đi bán con? “Con người quý con như mạng mình, nói cho là cho sao” Ai ngờ chú làm thiệt.

Ngày con Ý về nhà dì Liễu, chú cũng ráng chuẩn bị cho nó một cái áo thật đẹp, ngồi chải tóc cho nó lần cuối, như chú vẫn chải cho con những buổi trưa… Chú tự dặn lòng mình phải nhớ mãi ngày hôm ấy con Ý mặc áo màu gì. À, màu xanh, dường như màu xanh đã trở thành khái niệm ly biệt trong tâm tưởng chú, dù chú chả biết màu xanh trông như thế nào. Đem con Ý cho đi, chú đau lòng lắm chứ. Biết con Ý chân bước đi mà đầu cứ ngoảnh lại nhìn, chú xót xa như đứt từng khúc ruột.

“Dường như con đường có nhiều ổ gà sao nghe chông chênh quá, chú Đời tưởng thế là xong, rằng buồn lúc này, mai con Ý sẽ sớm sống quen bên người mẹ mới. Nhưng đâu con Ý lại quay lại, có đánh đập, né tránh thế nào cũng không được. Và thế là, người cha ấy phải buộc nói ra những lời nói dối cay đắng, lạnh lùng. Chú khẳng định con Ý không phải con ruột, “chú nuôi nó tới chừng này là để kiếm người bán lại”.

Chao ôi! Lời nói nhẫn tâm ấy trực tiếp cắt đứt mối liên kết giữa hai cha con. Không quan hệ máu mủ, cũng chẳng có gì luyến tiếc, đứa con ấy của chú chấp nhận ra đi với khuôn mặt “lạnh băng”. Thế là nó bỏ chú đi rồi, sẽ không ngoái lại nhìn thêm một lần nào nữa. Chú Đời đau lòng, nhưng cũng vì muốn tốt cho con. Gửi con sang bên ấy được ăn uống đủ đầy, theo cha chỉ có thể lang thang trên phố, mà ăn còn chẳng no. “Nuôi con khôn lớn không mong gì con nuôi lại mẹ…”.

Số tiền có được sau khi con Ý ra đi chú Đời dùng để đưa vợ vào bệnh viện chữa bệnh. Một gia đình bốn người hạnh phúc bị xé vụn thành từng mảnh rời rạc từ ấy. Cả nhà lang thang đó giờ chỉ còn có hai người chú Đời và con Như. Con Như sợ rồi cũng sẽ tới phiên mình… Nó cuống quýt sống, cuống quýt yêu thương chú Đời, tỏ ra vẻ mình có ích. Nó tỏ ra rằng nuôi nó cũng không tốn kém là mấy…

Những đêm buồn, nó lại khóc tức tưởi với chú Đời rằng “Bây giờ chỉ có mình con, ba đừng bắt con đi đâu hết, để con dẫn đường cho ba, mua thuốc cho ba uống, phụ bán vé số, nghen ba”. Con nhỏ hiểu chuyện quá chừng. Chú Đời cũng chỉ ráng có vậy, sống bên con bình yên qua ngày… Nói là vậy, nhưng chú có bao giờ quên con Ý. Chú thường vòng qua chợ Bách Hóa chỉ để xem xem con Ý bữa nay mặc áo gì, mập ốm ra sao, tóc đã dài đến đâu rồi. Chú ngầm quan tâm để ý đến con Ý, nghe con sống hạnh phúc thì vừa mừng vừa đau. Chú nhớ con lắm, nhưng giờ con ở nhà người ta chứ đâu còn là con của chú nữa!

Càng về sau, những ngày tháng dài đằng đẵng không đờn mua vui, gia đình không sum họp đủ đầy khiến chú Đời càng thêm nhớ những ngày xưa cũ. Những buổi trưa ấy sao mà yên bình, mà hạnh phúc quá! Chú muốn chải tóc cho con, muốn đùa vui với vợ, muốn được con nhổ tóc bạc cho. Những buổi trưa ấy đã xa mất rồi… Chú thèm về lại những ngày trưa ấy. Không còn muốn tỏ vẻ lạnh nhạt, không còn muốn chối bỏ con Ý để đẩy nó ra xa mình nữa, chú biểu con Như mai ra tiệm cô Liễu xin cho con Ý về thăm chú một ngày, “Sao… Ba nhớ nó quá hà”.

Nhưng con Ý đâu còn ở đó nữa. Nó không còn thấy chú Đời lặng lẽ dắt chị nó đi qua cửa tiệm nghe ngóng tin nó nữa, ngỡ rằng chú thực sự vứt bỏ nó, không còn thương nhớ nó nữa, vậy ở lại làm gì… Nó đã bỏ đi bụi rồi. Chính vào lúc chú Đời khát khao hàn gắn một gia đình đã từng ấm áp hạnh phúc như thế, từng mảnh ghép lại vỡ vụn và tan biến.

Chú Đời đã theo những khát vọng xa xăm ấy đi vào giấc ngủ trong tiếng hát của người vợ. “Ầu ơ. Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Ơ… Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ”. Chú trông con Ý thấy mồ mà không chịu dậy nữa… Không bao giờ dậy nữa. Chú Đời đã ra đi mãi mãi khi ước nguyện về một gia đình đoàn tụ chưa thành.

Cảnh trong phim “Đời như ý” được chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Cảnh trong phim “Đời như ý” được chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Có những khoảnh khắc đời như ý

Thử hỏi đời có bao giờ là như ý? Có lẽ cuộc đời chú Đời cũng từng như ý. “Những ngày trưa đã xa ấy” chính là chuỗi ngày chú Đời được sống hạnh phúc, như ý bên gia đình mình. Mấy ai bị mù, sống cảnh nghèo khó mà tự tin, thanh thản như chú? Mấy ai có vợ đẹp, vui vẻ, có con cái giỏi, dễ dạy, đẹp đẽ như chú? Mấy ai có gia đình ấm êm hòa thuận như chú? “Nghĩ vậy nên chú Đời phải vui, vui vì vừa lòng với những gì mình đang có”.

Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo họa nên khung cảnh gia đình ấm áp giữa trưa nắng gió lồng lộng, chồng nhắc yêu vợ, chị gỡ xương cá cho em, bố chải tóc cho con, vợ ngả đầu vào vai chồng ngủ khì như trẻ con…

Khung cảnh ấm áp, nhưng diễn ra chóng vánh quá, chuỗi những ngày tháng tiếp theo của chú Đời chỉ còn là bất hạnh. “Những buổi trưa đã xa ấy” như một hồi ức đẹp vụt qua cuộc đời kẻ hát rong, rồi đi qua mà không bao giờ đem hạnh phúc bình dị trở về. “Thế giới ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” (Xuân Diệu). Đã có khi đời như ý, nhưng nước mắt vẫn nhiều hơn…

Nét độc đáo về nghệ thuật

“Văn học là nghệ thuật của ngôn từ” và Nguyễn Ngọc Tư là một người nghệ sĩ chân chính. Với truyện ngắn “Đời như ý”, nhà văn đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc về ngôn từ. Những trang viết mang đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ, xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo. Đặc biệt là nghệ thuật xây dựng tình huống tâm trạng, tình huống chú Đời phải bán con đi vì “già rồi, hát ca hết ra hơi, chắc là nuôi mấy má con con không nổi” là diễn biến chính trong chuỗi bất hạnh của nhân vật chú Đời, thể hiện sâu sắc tình yêu của nhân vật dành cho con gái.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật cũng được thể hiện qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Ngọc Tư, từ cảm xúc hạnh phúc, tự hào về gia đình của chú Đời đến nỗi đau rứt ruột khi bán con, nghe nghẹn ngào cổ họng và cả khi nhớ về con gái. Xuyên suốt truyện ngắn, nhà văn chỉ khai thác nhân vật chú Đời một cách tập trung và có chủ đích bằng cái nhìn toàn vẹn của ngôi kể thứ ba. Điều này giúp cho những câu văn trở nên mềm mại, linh hoạt trong lối kể và khắc họa sâu được tính cách của nhân vật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc đã góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của tác phẩm và khẳng định được tài năng của nhà văn.

“Nước là nền, sông là dòng cho ngòi bút của Ngọc Tư triền miên trôi chảy, cuốn theo những chữ nghĩa đầy ắp tình người như phù sa màu mỡ”. Với truyện ngắn “Đời như ý”, Nguyễn Ngọc Tư đã cất lên tiếng nói thương cảm với những mảnh đời nhỏ bé nổi trôi giữa dòng đời cay cực. Cuộc đời vốn không như ý, mang cả hai gam màu buồn và vui. Giai điệu buồn trong “Đời như ý” có thể khép lại với nỗi buồn day dứt về những mảnh đời bất hạnh, song vẫn neo đậu nơi lòng người khao khát hạnh phúc ấm êm, bình dị, đời thường, hãy yêu thương, trân trọng những gì mình đang có, bởi hạnh phúc vốn trong tầm tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ