Nhiều điều chỉnh về dịch vụ giáo dục công được các cơ sở giáo dục đại học, ngành Giáo dục địa phương tiến hành trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát về sự hài lòng của người dân, học sinh, sinh viên…
Lắng nghe và điều chỉnh
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa cải tạo lại nhà gửi xe của sinh viên. Ngoài lắp thêm mái che, bố trí lại chỗ để xe cho phù hợp, nhà trường triển khai thí điểm phương thức giữ xe điện tử. Với những sinh viên gửi xe theo tháng sẽ có thẻ định danh gắn với thông tin của xe (số xe). Khi vào cửa, hệ thống cập nhật thông tin.
Trong trường hợp sinh viên bị mất thẻ gửi xe, nếu có ai nhặt được thẻ nhưng không đọc đúng biển số thì không thể nhận xe vì trên thẻ chỉ có mã vạch. Theo đánh giá của sinh viên, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, vận hành nhà giữ xe giúp tiết kiệm thời gian, độ an toàn cao hơn nhiều so với trước đây.
“Ngoài phản hồi, đánh giá về giảng viên sau khi kết thúc môn học, sinh viên còn có nhiều kênh để nhận xét giảng viên. Có thể gửi qua hộp thư điện tử, phản ánh với phòng đào tạo hay chỉ cần nhắn tin với ban giám hiệu nhà trường. Qua theo dõi, chúng tôi thấy sinh viên không e ngại khi phản hồi, nhận xét giảng viên. Từ những thông tin này, nhà trường và khoa đều có góp ý với từng giảng viên và tiếp tục theo dõi ở những học phần sau đó”, PGS.TS Lê Văn Huy cho biết thêm.
Ngoài nâng cấp cơ sở vật chất của nhà giữ xe, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng còn cải thiện chất lượng phục vụ của thư viện trường, tăng không gian và thời gian tự học cho sinh viên. PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, cho hay: Những cải tiến trên được thực hiện khi phân tích phản hồi của sinh viên về chất lượng các dịch vụ.
Một kênh nữa để Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng làm căn cứ để cải thiện chất lượng dịch vụ giáo dục là những góp ý, đánh giá của sinh viên sau mỗi khóa đào tạo.
Theo nhận xét của PGS.TS Lê Văn Huy, ngoài chất lượng dạy – học, sinh viên quan tâm nhiều đến cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, chính sách học bổng, các hoạt động câu lạc bộ đội nhóm… Những thông tin phản hồi này được các bộ phận liên quan phân tích để có những cải thiện phù hợp.
Hai năm trở lại đây, học sinh tiểu học, THCS chuyển trường từ nơi khác về học tại địa bàn quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) không phải làm thủ tục một cửa của UBND quận. Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê, cho biết:
“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy số học sinh xin chuyển trường không quá nhiều. Hơn nữa, bộ phận văn thư của phòng GD&ĐT có thể truy cập hệ thống điện tử để đối chiếu thông tin cư trú, kiểm tra hồ sơ chuyển trường của học sinh. Vì vậy, việc để phụ huynh học sinh liên hệ trực tiếp với phòng GD&ĐT trong làm thủ tục chuyển trường sẽ giúp rút ngắn thời gian giải quyết, chờ đợi”.
Trong thông báo tuyển sinh đầu cấp của các trường học trên địa bàn TP Tam Kỳ đều có mã QR và số điện thoại hỗ trợ phụ huynh nộp hồ sơ trực tuyến. |
Số hóa trong sử dụng dịch vụ công
Thời điểm tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2022 – 2023, các trường tiểu học và THCS ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngoài một số vướng mắc như mạng nghẽn, phần mềm bị lỗi…, nhiều phụ huynh còn phản ánh rất mất thời gian khi vừa phải khai báo thông tin trực tuyến vừa phải đến trường nộp hồ sơ giấy.
Từ những phản hồi này, UBND TP Tam Kỳ đã có văn bản yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học thực hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến đối với học sinh thuộc danh sách phổ cập giáo dục năm 2021.
Tuyệt đối không nhận hồ sơ giấy tại trường với những em có trong danh sách phổ cập giáo dục (đúng tuyến). Hồ sơ giấy chỉ thu sau khi học sinh nhập học để thực hiện lưu trữ theo quy định. Với những hồ sơ chưa đảm bảo, nhà trường cần phản hồi ngay trên phần mềm để phụ huynh kịp thời bổ sung, hoàn thiện.
Tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, Tam Kỳ tiếp tục thực hiện triệt để việc nộp hồ sơ trực tuyến. Rút kinh nghiệm từ đợt tuyển sinh năm 2022, trong thông báo tuyển sinh vào lớp 1 và 6 của các trường tiểu học, THCS đều có mã QR hướng dẫn đăng ký tuyển sinh, số điện thoại hỗ trợ và lập nhóm hỗ trợ tuyển sinh qua ứng dụng Zalo.
Ngoài nhóm hỗ trợ của các trường học, VNPT Quảng Nam cũng lập nhóm Hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp qua Zalo với hơn 400 thành viên tham gia. Ngoài ra, ngành chức năng cũng có cả đường dây nóng hỗ trợ công tác tuyển sinh từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Tại TP Đà Nẵng, quận Liên Chiểu được chọn thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT trong sử dụng cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.
Thầy Phạm Phú Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, nhận xét: “Ứng dụng cổng tuyển sinh đầu cấp giúp thông tin của các trường rất minh bạch. Nếu hồ sơ của học sinh nào không đủ, không khớp với yêu cầu tuyển sinh như thông tin cư trú… sẽ không thể nhập dữ liệu lên hệ thống được. Để hỗ trợ phụ huynh trong sử dụng phần mềm tuyển sinh, các trường học trên địa bàn đều thành lập tổ trực hướng dẫn ngay tại trường”.
Chị Nguyễn Trần Phương Thảo (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Nộp hồ sơ trực tuyến có nhiều điểm thuận lợi, không phải chờ đợi và gần như nhận được phản hồi ngay. Chính vì vậy, để không phải bổ sung hồ sơ trực tiếp, phụ huynh cần phải lưu ý các thông tin, giấy tờ liên quan đến thường trú, tạm trú. Trước khi thực hiện đăng ký trực tuyến, tôi có tham khảo trên các diễn đàn thì thấy nhiều trường hợp vướng mắc ở thủ tục liên quan đến tạm trú như không đủ thời gian theo quy định, đăng ký tạm trú không liên tục…”.