Thực trạng nhức nhối
Tại Hà Tĩnh, những năm gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Một trong những vụ bạo lực học đường để lại hậu quả nghiêm trọng đó là trưa 11/10/2022, do mâu thuẫn từ trước, sau giờ tan học, Nguyễn Tiến T. (lớp 12, Trường THPT Lý Chính Thắng, xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn) cùng nhóm bạn đã chặn đánh Phan Quang Minh (học lớp 11 cùng trường).
Trong lúc xô xát, Minh đã lấy dao thủ sẵn trong cặp đâm Nguyễn Tiến T. Hậu quả, em T. tử vong trên đường đi cấp cứu. Phan Quang Minh sau đó phải chịu bản án đích đáng. Ngoài ra, cách đó 1 tháng, cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn, nữ sinh Chu Thị Thu H. (học sinh lớp 11E, Trường THPT Lê Hữu Trác) bị khởi tố về hành vi làm nhục người khác.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy xuất hiện những clip học sinh đánh nhau ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường làm mất an ninh trật tự, gây tổn hại sức khỏe, tinh thần. Trong khi đó, nhiều người đứng xung quanh nhưng không có hành động can ngăn, thậm chí còn quay clip, cổ vũ. Đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà cả nữ sinh với tính chất, mức độ nguy hiểm tăng lên.
Đặc biệt, hiện tượng bạo lực tinh thần như miệt thị hình thể, trang phục hay bóc phốt, nói xấu, đặt điều, thách thức trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Nhiều em rơi vào tình trạng lo âu, hoang mang và nặng hơn là trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát.
Đoàn viên thanh niên Trường THPT Nghèn sôi nổi tham gia các diễn đàn tìm hiểu về pháp luật. Ảnh: V.Đ |
Phát huy vai trò xung kích
Thực trạng bạo lực học đường thời gian qua là hồi chuông cảnh báo, đặt ra nhiệm vụ và thách thức cho toàn xã hội về công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường cho nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó tổ chức Đoàn chiếm vai trò quan trọng.
Những năm gần đây, với sự chỉ đạo sát sao của sở GD&ĐT, Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, các Đoàn cơ sở đã và đang tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, có nhiều sân chơi bổ ích để tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường. Nổi bật trong đó là Đoàn trường Trường THPT Nghèn (Can Lộc).
Thầy Lê Văn Định - Bí thư đoàn Trường THPT Nghèn cho biết, để chủ động tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức, bảo vệ học sinh và phòng chống bạo lực học đường, thời gian qua Đoàn trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật cho đoàn viên thanh niên.
Tiếp tục hưởng ứng và đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên được quan tâm đầu tư có chiều sâu về nội dung, đổi mới về hình thức, sáng tạo trong cách làm.
“Đoàn trường đã có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên về hành động, hậu quả của bạo lực học đường, cụ thể hóa Diễn đàn ‘Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường’. Với học sinh cá biệt, chúng tôi thực hiện khoanh vùng, phối hợp cùng gia đình giáo dục, uốn nắn, giúp đỡ, lôi kéo vào các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh cho các em”, thầy Định chia sẻ.
Ngoài ra, Đoàn trường cũng phối hợp với công an địa phương vận động và tổ chức giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và yêu cầu ký cam kết không tham gia các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, thực hiện nghiêm túc các nội dung liên quan đến văn hóa học đường; tổ chức các diễn đàn, hội thi góp phần đẩy lùi tệ nạn. Phối hợp với Tổ Tư vấn tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm và gia đình có học sinh cá biệt, yếu thế để hỗ trợ và tìm hiểu các em nghĩ và cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè.
“Bên cạnh đó, BCH Đoàn trường tăng cường chất lượng sinh hoạt của các chi đoàn. Trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để biết yêu thương, tôn trọng bạn bè và có hành động đẹp. Các chi đoàn phát huy hiệu quả chuyên đề ‘Kiểm tra đồ dùng học sinh’ góp phần nâng cao ý thức học tập và đảm bảo an toàn”, thầy Định chia sẻ thêm.
Từ những hoạt động giáo dục của Đoàn trường đã giúp Trần Quốc Khánh - lớp 11A4 và đoàn viên khác nắm rõ kiến thức về pháp luật, tạo sự đoàn kết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nói không với bạo lực học đường.
“Không những luôn chấp hành pháp luật mà qua sinh hoạt Đoàn, chúng em còn nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Một số đoàn viên là vệ tinh, khi phát hiện các bạn khác có biểu hiện xích mích có thể dẫn đến tình trạng xấu hơn sẽ báo ngay với nhà trường hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn”, Quốc Khánh nói.
Theo thầy Nguyễn Xuân Triều - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghèn, với nỗ lực của Đoàn trường trong công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, nhiều năm nay, trường không xảy ra vụ bạo lực học đường nào.
“Cũng có một số xích mích nhỏ giữa các học sinh nhưng nhờ sự quan tâm sát sao của BCH Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm và tinh thần ngăn chặn của đoàn viên nên đều được dập tắt từ sớm. Từ kết quả trên, nhà trường đánh giá cao vai trò của Đoàn trường.
Đây không chỉ là tổ chức đại diện cho sự sáng tạo, năng động của tuổi trẻ, mà còn là trụ cột không thể thiếu trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Bằng sự nỗ lực và cam kết không ngừng, Đoàn trường Trường THPT Nghèn đã và đang làm nên sự khác biệt trong việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh và đầy ý nghĩa”, thầy Triều nói.
“Đoàn trường luôn duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên của câu lạc bộ ‘Lý luận trẻ’. Lực lượng nòng cốt là Ban Chấp hành Đoàn trường, bí thư chi đoàn và lớp trưởng các lớp để nhanh chóng nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, tâm lý đoàn viên thanh niên để có thể ngăn chặn, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn mới hình thành trong học sinh; đẩy mạnh cuộc vận động ‘Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp’ để lan tỏa đến học sinh”. - Thầy Lê Văn Định