Lắng nghe những tâm can

GD&TĐ - Sự kiện “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, CB quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” ngày 15/8 nhận được sự quan tâm sâu sắc của đội ngũ nhà giáo.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đội ngũ giáo giới cả nước coi đây như ngày hội lớn nên náo nức mong chờ. Với nhiều người có thể đây là lần đầu tiên được tiếp xúc, trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT.

Chương trình được Bộ lần đầu tiên tổ chức theo hình thức trực tuyến để các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục có thể tham dự. Thông điệp của Chương trình là gặp gỡ thân tình, chia sẻ, động viên nhà giáo. Vì thế, đây không phải là cuộc đối thoại hay trả lời câu hỏi kiến nghị, càng không phải tổ chức sự kiện vì những vấn đề đặt ra như “làn sóng giáo viên nghỉ, bỏ việc…”.

Qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến của giáo giới. Không quá ngạc nhiên với con số này, bởi đây là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục trên cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đồng thời có kiến nghị, đề xuất giải pháp cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo; trong đó gồm cả kiến giải nhằm xây dựng chế độ, chính sách tốt hơn cho nhà giáo.

Đây cũng là cơ hội để Bộ trưởng lắng nghe tâm can của đồng nghiệp ở địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo. Họ là nhà giáo, hạt nhân trong sự nghiệp “trồng người”, trực tiếp thực thi nhiệm vụ đổi mới giáo dục mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Từ đó, động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của ngành; song trên hết, Bộ GD&ĐT sẽ tham khảo, nghiên cứu để có những cải tiến trong công tác quản lý, điều hành và hoàn thiện chính sách.

Hiệu ứng tích cực của Chương trình đã và đang lan tỏa sâu rộng trong và ngoài ngành Giáo dục, bước đầu được xã hội ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần lắng nghe, cầu thị của Bộ GD&ĐT. Chẳng thế mà, tại các địa phương còn có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh/thành phố, cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành, cơ quan hữu quan. Suy cho cùng, tất cả đều có chung mối quan tâm, mong muốn về sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, đời sống giáo viên sớm cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải là “tam giác” giáo dục quan trọng để học sinh phát triển toàn diện. Do đó, Chương trình “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” được kỳ vọng sẽ “bắt mạch” cơ bản những vấn đề cấp thiết, quan trọng và hiểu hơn về khó khăn, vướng mắc của ngành và đời sống giáo viên. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, cơ quan hữu quan thẳng thắn nhìn nhận, cùng tìm biện pháp tháo gỡ.

Ở một góc nhìn khác, Chương trình cũng là kênh thông tin quan trọng để địa phương và cơ quan chức năng lắng nghe, thấu cảm với những người làm giáo dục. Từ đó, mỗi nơi tùy vào điều kiện cụ thể có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, kịp thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.