Những nghệ nhân làng quê
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất mành trúc ở xã Phước Vĩnh An, đập vào mắt là hàng chục bức tranh sống động, đủ màu sắc trên các tấm mành đang dần được hoàn thiện. Giám đốc Công ty sản xuất mành trúc Thanh Trúc là ông Nguyễn Hữu Bèn niềm nở: “Nhiêu đây ăn thua gì, chúng tôi còn có những tấm mành cỡ lớn theo đơn đặt hàng của nước ngoài nữa. Hàng chủ yếu để xuất khẩu, nên ai đặt gì mình làm nấy thôi”.
Thận trọng phết từng vệt màu lên mảnh trúc, anh Trần Văn Chuyền (40 tuổi), thợ làm mành có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề cho biết, tùy theo yêu cầu khách hàng, mỗi mành trúc sẽ có số lượng dây và mẫu mã khác nhau, thông thường là 100 dây với chiều dài 2m mỗi dây.
“Trước đây, phần trang trí chủ yếu là phong cảnh đồng quê, bây giờ làm để xuất khẩu nên khách gửi hình và mình vẽ theo yêu cầu của họ. Hầu hết thợ không phải dân hội họa chuyên nghiệp, chủ yếu sơn vẽ dựa theo kinh nghiệm nên cố gắng chăm chút, cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết sao cho bức tranh “thật” nhất”, anh Chuyền cho biết.
Để có được tấm mành trúc đạt yêu cầu của các thị trường “khó tính” thì phải trải qua hàng chục công đoạn phức tạp. Ban đầu, những nhánh trúc được chọn và cắt thành đoạn nhỏ dài chừng 6cm, trộn với cát và đưa vào lò quay để bỏ hết lớp lụa bên ngoài, rồi đem ngâm trong nước hồ chống mối mọt, đem ra phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 70-80 độ C.
Trúc khô sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi treo kết thành mành. Đây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để các dây khâu được đều.
Vô trúc là công đoạn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo của người thợ. Ở công đoạn này, người thợ lồng những chiếc mành trúc đã được dệt vào trục rồi dùng kìm xoay các sợi kẽm làm sao cho thật chắc. “Phải là người quen tay, có kinh nghiệm mới làm được, bởi nếu siết chặt quá dây sẽ bị cứng, còn lỏng quá mành sẽ bị xệ”, anh Mai Văn Chí, ngụ xã Tân Thông Hội, người có hơn mười năm trong nghề làm mành trúc giải thích.
Những chiếc mành sau khi làm xong phần thô sẽ được chuyển sang công đoạn sơn màu. Bằng sự “biến hóa” không giới hạn qua việc pha màu, những chiếc mành trúc đủ màu sắc, hình dáng lần lượt được ra đời bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ. Cẩn thận vẽ từng chiếc lá dừa trên nền trời xanh, chị Hồ (30 tuổi) nói, công đoạn “thổi hồn” cho mành trúc rất quan trọng.
Từ những thùng sơn nguyên chất, người thợ sẽ tiến hành phối màu để có những gam màu phù hợp. Để vẽ, người thợ dùng một miếng xốp thấm sơn và thể hiện chi tiết trang trí lên mành trúc. Nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kinh nghiệm, biết xử lý từng nét chấm phá một cách tinh tế, sống động…
Tranh mành trúc có nhiều chủ đề thể hiện tùy theo yêu cầu khách hàng như phong cảnh, chân dung… Nhìn tưởng đơn giản nhưng lại tạo ra những bức tranh mành trúc tinh tế và không kém phần sống động. Sau khi lên màu hoàn chỉnh, các bức tranh này sẽ được đưa qua khu vực kiểm hóa một lần nữa rồi mới được đóng gói và xuất hàng.
Trong nghề làm mành trúc, mỗi người thợ sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau. Do vậy, rất nhiều lao động là phụ nữ lớn tuổi, nội trợ cũng tham gia vào các công đoạn làm mành ngay tại nhà. Trung bình, mỗi người thợ có thể hoàn thành 10 tấm mành với giá khoán 20.000 đồng/tấm mỗi ngày.
Chị Lê Thị Hải (45 tuổi), gắn bó với nghề đã hơn 30 năm nay chia sẻ: “Làm mành trúc không khó nhưng để bám trụ được lâu dài thì phải thật sự yêu nghề. Mà đã yêu, đã gắn bó thì khó bỏ lắm. Hơn nữa, đây còn là nghề truyền thống cho nên mình cố gắng gìn giữ”.
Duy trì nghề cho mai sau
Theo thống kê, ở hai xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An hiện có khoảng bảy cơ sở lớn chuyên gia công mành mộc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mành trúc. Hoạt động của những nơi này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động và hơn 500 hộ gia công ở các xã lân cận thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Trần Trường Sơn cho biết, mặc dù không còn được như «thời hoàng kim» nhưng nghề làm mành trúc ở Củ Chi vẫn được duy trì và tạo điều kiện để phát triển. Hiện nay, các cơ sở luôn có đơn hàng từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, nhất là đã nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề làm mành trúc ở Củ Chi vẫn còn mang tính tự phát, nhiều cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu do không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất.
Để nghề truyền thống này phát triển bền vững hơn, về lâu dài rất cần sự hỗ trợ hiệu quả từ chính quyền địa phương, nhất là về vốn và chính sách ưu đãi. Cùng với đó, việc quy hoạch làng nghề cần gắn chặt quy hoạch vùng nguyên liệu…
Nguyên liệu để sản xuất tranh mành trúc khá đơn giản, chủ yếu là trúc, kẽm và sơn, trong đó kẽm là thành phần rất quan trọng quyết định đến tuổi thọ của tranh mành trúc. Do vậy, ông Bèn rất kỹ trong việc chọn loại kẽm cũng như đối tác cung cấp, thông thường ông nhập phôi từ Đài Loan qua một công ty trong nước, sau đó kéo kẽm rồi chuyển về xưởng thi công.
“Hiện nay chất lượng kẽm trên thị trường không đảm bảo, bị trộn tạp chất, hỗn hợp vào nên không đáp ứng được độ bền mà mình yêu cầu. Thực tế này khiến xưởng chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung khá đau đầu để tìm đối tác tin cậy” - ông chia sẻ thêm.
Hiện xưởng ông Bèn có khoảng 30 thợ đang làm việc. Ngoài ra ông có khoảng 3 chi nhánh nhỏ ở TPHCM với khoảng 30 người nữa.
Gắn bó với nghề mành trúc gần 40 năm nay, ông Bèn có một tình yêu nghề mãnh liệt. Tuy nhiên, gia đình ông neo người, hai vợ chồng chỉ có cô con gái không hứa hẹn nối nghề. Người thân bên ngoài gia đình thì chưa đủ khả năng để gánh vác và duy trì làng nghề duy nhất còn sót lại này. Không có người kế thừa là một trong những điều khiến ông Bèn rất trăn trở.
Làng nghề mành trúc vẫn đang phát triển nhưng những ai quan tâm đến sinh hoạt văn hóa làng xã vẫn không khỏi nặng lòng khi không biết sau này liệu có còn ai tiếp tục lưu giữ nét truyền thống của làng nghề giữa nhịp sống đô thị hối hả.