Làng nghề lên số - Tại sao không?

GD&TĐ - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 vừa xướng tên dự án 'Hội An - Làng nghề lên số'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 vừa xướng tên dự án “Hội An - Làng nghề lên số” để trao giải ở hạng mục “Công nghệ số và đổi mới sáng tạo có tầm ảnh hưởng”.

Có thể thấy, giải thưởng này là sự cổ vũ kịp thời để Hội An nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước có làng nghề truyền thống tiêu biểu nói chung cần quan tâm và mạnh dạn hơn nữa trong việc tìm cách tiếp cận công nghệ, tạo sự kết nối, hướng dẫn chuyển đổi số giúp nghệ nhân các làng nghề gia tăng bán hàng.

Trên dải đất hình chữ S xinh đẹp, các vùng đất trải dài từ đỉnh Đồng Văn đến mũi Cà Mau, đâu đâu cũng nức tiếng với bao nghề truyền thống đặc sắc được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lớp lớp nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa không ngừng sáng tạo, trao truyền ngón nghề, kỹ thuật tinh xảo cho con cháu đời sau. Đó cũng là cách vun đắp, bảo tồn, gìn giữ những giá trị tạo thành bản sắc văn hóa Việt.

Tuy nhiên, lâu nay bài toán đầu ra cho các làng nghề truyền thống vẫn chưa có được lời giải hiệu quả. Thường sản phẩm mới tiếp thị tại chỗ hoặc một số địa phương có lợi thế về du lịch thì có thể kết nối thêm với tour đưa khách đến tham quan, trải nghiệm.

“Đầu ra” còn hạn hẹp này khiến khả năng kích cầu sản phẩm thấp, khó trụ vững giữa tốc độ công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, dù dốc tâm, dốc sức với nghề nhưng nghề không đảm bảo được đời sống thì việc nghệ nhân đành tìm kiếm việc khác là thực tế không thể tránh khỏi.

Theo đà đó, nghề truyền thống ngày càng bị mai một và nguy cơ thất truyền. Như Hà Nội, đất trăm nghề nhưng nay vắng đâu những đúc đồng Ngũ Xã, giấy sắc Nghĩa Đô, giấy dó Bưởi, nhạc cụ Đào Xá…

Vì vậy, giữa thời 4.0 này, việc đưa làng nghề lên số là hướng đi đúng và rất cần thiết, vừa để thúc đẩy nghề truyền thống phát triển vừa nâng tầm văn hóa vùng miền nói riêng văn hóa quốc gia nói chung trên trường quốc tế.

Cụ thể là việc tiếp thị số cho hàng thủ công truyền thống tới toàn cầu sao cho bài bản, thông minh, hiệu quả và bền vững. Tất nhiên, để làm được điều đó, mỗi nghệ nhân cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để có thể tận dụng công nghệ số một cách thành thạo, tự tạo trang web, đa dạng kênh bán hàng chính danh.

Khi đó, trên không gian số, họ có thể kể câu chuyện về làng nghề, sản phẩm được xây dựng không chỉ từ cách thức tạo tác tài hoa, mà còn là những yếu tố văn hóa, lịch sử độc đáo để còn kết nối cảm xúc – điều đang được nhiều người quan tâm, tìm kiếm.

Ngoài ra, trang web chính danh cũng cần có giao diện đẹp, hấp dẫn; cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, làng nghề, thương hiệu cùng những tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời...

Rõ ràng, ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng kết nối tới toàn thế giới, mở ra hướng đi mới thì không chỉ “Hội An - Làng nghề lên số” mà cả nước cũng cần nối tiếp chứ, tại sao không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ