Làng khăn xếp 'độc nhất' miền Bắc tìm cách giữ nghề

GD&TĐ - Thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) được biết đến là nơi duy nhất ở miền Bắc còn giữ nghề làm khăn xếp.

Những sản phẩm của Giáp Nhất trong các hội hè, nghệ thuật hầu đồng, hay các nghi lễ tâm linh tại các lễ hội…
Những sản phẩm của Giáp Nhất trong các hội hè, nghệ thuật hầu đồng, hay các nghi lễ tâm linh tại các lễ hội…

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề vẫn được lưu truyền và phát triển.

Lưu giữ hồn cốt dân tộc qua từng nếp khăn

Hình ảnh áo the, khăn xếp đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Nếu như áo the được sản xuất rộng rãi tại miền Bắc thì khăn xếp chỉ sản xuất ở làng Giáp Nhất.

Không rõ chính xác từ bao giờ, người dân làng Giáp Nhất chỉ biết rằng từ khi sinh ra đã thấy trong nhà, xóm có nghề làm khăn xếp, ông cha của họ cứ đời này qua đời khác trao truyền nghề cho con cháu với niềm tự hào đang lưu giữ một nét văn hóa Việt cổ cho đời sau.

Theo các cụ cao niên, làng khăn xếp hoạt động nhộn nhịp nhất vào thế kỷ XIX, khi ấy mỗi nhà đều sở hữu nhiều khuôn làm khăn. Từ sau năm 1950, do cuộc sống khó khăn, sản phẩm làm ra ít tiêu thụ được, người dân dần bỏ nghề. Đến năm 1990, nhu cầu thị trường tăng mạnh, người dân dần quay lại với nghề truyền thống.

Khăn xếp Giáp Nhất có nét đặc trưng riêng, không lẫn với khăn xếp của các vùng miền khác trong cả nước. Khăn xếp có 3 loại cơ bản là khăn dành cho nam giới, nữ giới và loại khăn chung cho cả nam và nữ. Khăn chủ yếu làm bằng vải lụa với 3 màu đen, đỏ và vàng, vành khăn được xếp từ 5 - 9 nếp tùy vào mục đích sử dụng và độ tuổi của người mang khăn.

Ví như đàn ông từ 50 - 60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có hoa văn tùy thích. Nhưng từ tuổi 70 - 89 được đội khăn xếp màu đỏ, có thêu hoa văn chữ Thọ ở trên đỉnh. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên đội khăn màu vàng, có đính chữ Thọ ở trên.

Phần lưỡi trai được giữ lại nguyên bản như xưa các nếp khăn xếp đan nhau tạo thành hình chữ “Nhân”, nếp quấn dày và cốt khăn dựng ngang để nếp khăn đưa ra phía trước, vừa có tác dụng phản chiếu gương mặt, vừa cân bằng với phần dựng búi buộc tóc đặt ở phía trên đỉnh đầu… Chiếc khăn vì thế mà vừa chắc chắn lại sang trọng, quý phái cho người đội.

Không ngừng hoàn thiện sản phẩm

Để làm nên một chiếc khăn không hề đơn giản, bao gồm bảy công đoạn chính như cắt xốp, máy vải, quấn xếp, vẽ hoa văn… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao của người thợ. Trong đó, khó nhất phải kể đến đó là quấn xếp, từng xếp phải được quấn chắc tay, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý, không bị xô lệch.

Ánh mắt tập trung, đôi tay thoăn thoắt với từng vòng quấn, anh Đoàn Văn Thủy (48 tuổi), chủ một xưởng làm khăn xếp vừa làm vừa chia sẻ: “Nghề làm khăn xếp nói khó cũng không phải là khó nhưng bảo dễ thì cũng không hề dễ. Để làm được một chiếc khăn xếp hoàn chỉnh, người thợ cần phải mất ít nhất là một năm, thậm chí là vài năm để tích lũy kinh nghiệm. Quan trọng nhất là cái tâm với nghề, bởi lẽ công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cực cao, chỉ cần không tập trung một chút là có thể làm hỏng cả một chiếc khăn”.

Theo nhịp sống đương đại, khăn xếp tại làng Giáp Nhất cũng có nhiều biến đổi về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Những người thợ trong làng đã đến nhiều vùng đất để tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi cách làm hay, sưu tầm chất liệu tốt để cải tiến sản phẩm quê nhà.

Chất liệu làm khăn trước đây là nhiễu, vải lượt, sa tanh. Cốt khăn được làm bằng giấy, thậm chí là cuốn rơm. Ngày nay, khăn xếp được làm bằng chất liệu tốt hơn như sa tanh bóng, phi, nhung, gấm... cốt khăn làm bằng mút xốp.

Trước đây, khăn xếp chủ yếu được làm với duy nhất một màu đen cho đàn ông đội nhưng để thích ứng nhu cầu của xã hội, khăn xếp dần dần chuyển sang đủ các loại màu với mục đích sử dụng khác nhau: Khăn đen, khăn quàng dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô dâu, khăn chú rể, khăn biểu diễn, khăn tế, khăn hầu đồng.

Nghệ nhân Vũ Đức Trọng nói, khăn xếp ở mỗi vùng miền có điểm đặc trưng và mẫu mã khác nhau, để phát triển tốt sản phẩm của mình, chúng tôi phải đi học nhiều nơi, rút ra được điểm mạnh, điểm yếu để cải tiến, đầu tư vào khăn xếp của mình.

Ngoài ra, nhằm nâng cao năng suất lao động mà sản phẩm lại đều, chắc, đẹp hơn xưa, người dân làng nghề tìm cách đưa công nghệ thay thế dần những công đoạn đơn giản như may khăn, in hình, phun keo và phủ nhũ tạo hoa văn…

Trước đây, khâu tay, một người thành thạo chỉ khâu được khoảng 10 cốt khăn/ngày nhưng nay nhờ có máy móc mà một người làm nhanh có thể khâu được 100 cốt khăn/ngày. Đồng thời trên nền mẫu khăn cơ bản truyền thống, người thợ làng nghề sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới tùy vào mục đích sử dụng của khách hàng, đặc biệt là kết hợp làm trang phục biểu diễn thời trang.

Do đó, sản phẩm khăn xếp hiện nay có tới 40 loại khác nhau. Ngoài khăn hầu, khăn tế, người dân làng Giáp Nhất còn xếp được khăn thời trang lên tới 80 nếp, lớn gấp 3 lần so với khăn thông thường.

Để chiếc khăn cải biên vẫn có hồn, mang dấu ấn làng nghề hàng trăm năm tuổi thì người thợ Giáp Nhất phải dùng mắt ước lượng, căn chỉnh từng nếp khăn sao cho cân đối rồi tính toán cốt khăn sao đủ giữ vững hàng chục vòng xếp so với khăn theo kiểu cũ chỉ 5 - 9 vòng xếp. Sau đó đem ra phơi nắng trong 30 phút để lớp keo và vải khô lại, các vòng quấn kết dính vào nhau.

Tuy nhiên, thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì vậy, nhiều chủ xưởng tại làng Giáp Nhất đã mạnh dạn đầu tư lò sấy để bảo đảm các sản phẩm được xuất ra với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, các khuôn xếp bằng gỗ cũng đã được thay thế thành khuôn nhôm do nhôm nhẹ hơn, không bị mục hoặc mốc như gỗ, giúp quá trình tạo ra các sản phẩm được nhanh chóng và hiệu quả.

Nhờ có những cải tiến về máy móc và đa dạng các sản phẩm, sản lượng khăn xếp mà làng Giáp Nhất tạo ra tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại đây.

Ông Đoàn Thanh Sơn (74 tuổi), một trong những người đầu tiên mở xưởng làm khăn xếp tại làng Giáp Nhất cho biết, hiện cơ sở sản xuất của ông có khoảng 20 hộ nhận nguyên liệu về làm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 200 chiếc khăn xếp với nhiều loại khác nhau, mỗi chiếc có giá bán trên dưới 20 nghìn đồng, tùy từng loại, kích cỡ. Loại khăn xếp cao cấp có giá lên đến 200 nghìn đồng/chiếc, tuy nhiên mặt hàng này chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng.

Tại làng Giáp Nhất có khoảng 7 cơ sở làm khăn xếp lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Các cơ sở thường thuê nhân công theo mô hình khoán sản phẩm, mỗi người chỉ làm chuyên một công đoạn, thu nhập tùy theo số lượng sản phẩm làm ra. Nhờ đó, nhân công có thể nhận nguyên liệu mang về nhà làm, tuy công việc lương không cao nhưng lại rất phù hợp với những người đã hết tuổi lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Toàn (57 tuổi) người dân làng Giáp Nhất, ngoài sản xuất nông nghiệp, bà thường xuyên nhận làm khăn xếp cho các cơ sở trong làng để kiếm thêm thu nhập. Công việc của bà là máy khăn xếp, thu nhập mỗi ngày dao động 100 – 150 nghìn đồng, tuy số tiền không nhiều nhưng công việc không vất vả, chủ động thời gian làm những việc khác.

lang-khan-xep-doc-nhat-mien-bac-tim-cach-giu-nghe-5-2923-2776.jpg
Giáp Nhất đang làm ra khoảng 10 loại khăn xếp thịnh hành trên thị trường.
lang-khan-xep-doc-nhat-mien-bac-tim-cach-giu-nghe-8-2442-1302.jpg
Các loại nguyên liệu sản xuất ra khăn xếp.

Nhọc nhằn giữ nghề truyền thống

Thời kỳ nghề hưng thịnh, khăn xếp làng Giáp Nhất có mặt tại khắp các tỉnh, thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và văn hóa tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng khăn xếp không còn phổ biến trong sinh hoạt thường ngày mà chỉ dùng trong các hoạt động tế lễ truyền thống.

Các sản phẩm khăn xếp chỉ bán chạy nhất trong dịp tháng Chạp và ba tháng đầu năm, bởi đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội nhất. Trong thời gian này, nhân công của các xưởng phải làm thêm giờ, thậm chí là làm cả đêm để kịp giao cho khách hàng.

Trong khi đó, để bảo đảm việc làm cho nhân công, ở những tháng khác, số lượng hàng vẫn được sản xuất đều và dự trữ vào kho. Tuy nhiên, cũng giống như quần áo, khăn xếp cũng có sự thay đổi liên tục về mẫu mã, màu sắc, vì vậy vấn đề tồn đọng hàng thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của xưởng.

Khó khăn và kỳ công là vậy nhưng các sản phẩm khăn xếp của làng Giáp Nhất được xuất ra thị trường với giá không cao. Thu nhập của người dân ở đây chỉ từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày, bằng một nửa, thậm chí là một phần ba so những làng nghề ở khu vực lân cận. Đây cũng chính là lý do khiến lớp trẻ của làng không còn mặn mà với nghề truyền thống mà ông cha để lại.

lang-khan-xep-doc-nhat-mien-bac-tim-cach-giu-nghe-3-6856-8156.jpg
Trong các khâu làm khăn xếp thì việc trang trí họa tiết cho sản phẩm cần người thợ có tay nghề cao, và có năng khiếu về hội họa.
lang-khan-xep-doc-nhat-mien-bac-tim-cach-giu-nghe-9-1683-7407.jpg
Một chiếc khăn đẹp và như ý đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo.

Dẫu vậy, anh Đoàn Văn Thủy, vốn sống trong gia đình có truyền thống năm đời làm khăn xếp, là một trong số ít những người trẻ trong làng vẫn quyết tâm sống với nghề.

“Sau khi học xong, nhận thấy làng nghề truyền thống đang dần có nguy cơ mai một, thậm chí là thất truyền, tôi đã cùng cha của mình gây dựng lại, quy tụ những người già, có tay nghề trong làng để mở xưởng, vừa tạo thu nhập cho họ song cũng vừa giữ được nghề truyền thống cho làng”, anh Thủy nói và cho hay đã vận động các bậc cao niên trong làng thay vì chỉ sử dụng một tấm vải đỏ để trùm đầu trong lễ mừng thọ thì có thể thay thế sang đội khăn xếp, vừa giúp bộ trang phục tôn nghiêm, trang trọng hơn lại vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, chỉ vài người là chưa đủ, để lưu giữ và phát triển được nghề truyền thống phải cần đến sự chung tay của nhiều thế hệ. Đây cũng là điều mà anh Thủy, ông Trọng và nhiều thợ làm khăn xếp đang trăn trở từng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phụ huynh châu Á muốn con học trường tư quốc tế.

Phụ huynh châu Á thích trường tư

GD&TĐ - Trong bối cảnh toàn cầu hoá giáo dục, các gia đình ở châu Á như Malaysia, Nhật Bản... ngày càng quan tâm đến các trường tư thục tại nước ngoài.