Lắng nghe âm thanh cuộc sống từ trái tim người đẹp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau vòng sơ khảo Hoa hậu Việt Nam, top 18 Người đẹp Nhân ái đã thực hiện những dự án cộng đồng ý nghĩa.

Lớp học vẽ mang tên 'Âm thanh hội họa' của họa sĩ Văn Y. Ảnh: BTC
Lớp học vẽ mang tên 'Âm thanh hội họa' của họa sĩ Văn Y. Ảnh: BTC

Ở đây, không chỉ là một chương trình trong khuôn khổ cuộc thi nhan sắc mà còn là sự rèn luyện, cơ hội trải nghiệm cho các người đẹp.

Chung tay với những tấm lòng thiện

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2022 đã dành lời khen cho thí sinh Hoa hậu Việt Nam cũng như sự cảm phục lòng nhân ái của nhiều người trong xã hội đã cưu mang những mảnh đời còn thiếu may mắn.

Trong chương trình Người đẹp Nhân ái, khán giả được lắng nghe câu chuyện của cặp thí sinh Trần Gia Hân (SBD 081) và Hoàng Hương Giang (SBD 177).

Theo đó, hai cô gái này đã đến thăm và hỗ trợ lớp học vẽ mang tên “Âm thanh hội họa” của họa sĩ Văn Y, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Đây là lớp học miễn phí được lập ra với mục đích dạy vẽ cho trẻ tự kỷ và khiếm khuyết.

Vượt qua nhiều khó khăn trong giao tiếp, thầy Văn Y vẫn miệt mài, nhẫn nại giúp đỡ học viên trở thành những “cành cọ chắc tay”, truyền thanh âm trong trẻo vào trong từng nét họa. “Âm thanh hội họa” vô cùng ý nghĩa khi còn là nơi chữa lành những tâm hồn tự ti, giúp học viên lạc quan, tự tin và hòa nhập với cộng đồng.

Cùng với tấm lòng thiện của họa sĩ Văn Y còn rất nhiều người luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Từ năm 2016, nhóm thiện nguyện “Đêm Sài Gòn” do anh Nguyễn Vương Trường Thành là trưởng nhóm đã miệt mài giúp đỡ những người cơ nhỡ chọn hè phố làm nơi ngả lưng mỗi tối bằng việc phát quà đêm.

Nhóm thiện nguyện 'Đêm Sài Gòn' do anh Nguyễn Vương Trường Thành là trưởng nhóm. Ảnh: BTC

Nhóm thiện nguyện 'Đêm Sài Gòn' do anh Nguyễn Vương Trường Thành là trưởng nhóm. Ảnh: BTC

Câu chuyện về nhóm thiện nguyện này đã truyền cảm hứng cho hai thí sinh hoa hậu Việt Nam là Nguyễn Linh Thu (SBD 057) và Nguyễn Thị Thanh Tâm (SBD 323). Hai người đẹp này đã dành thời gian đến tìm hiểu hoạt động của nhóm, trải nghiệm một ngày phát cơm miễn phí cũng như có những cuộc gặp gỡ xúc động với chị Lan - người phụ nữ bị ung thu vú, chị Tuyết - người mẹ bán vé số tảo tần nuôi con bị não úng thủy hay các cụ già neo đơn tại Trung tâm người cao tuổi Tân Phong.

Chia sẻ cảm xúc về dự án, các thí sinh cho biết, họ thấu hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, mong muốn được thực hiện dự án để giúp đỡ những mảnh đời lang thang cơ nhỡ. Từ nhóm “Đêm Sài Gòn”, Linh Thu và Thanh Tâm cảm thấy yêu Sài Gòn hơn và yêu thêm những tấm lòng thiện nguyện.

Chung tay cùng “chú Minh cô đơn”

Chú Minh hỗ trợ vận chuyển phòng trọ miễn phí bằng chiếc xe ba gác cũ. Ảnh: BTC

Chú Minh hỗ trợ vận chuyển phòng trọ miễn phí bằng chiếc xe ba gác cũ. Ảnh: BTC

Tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có một người đàn ông đặc biệt mà sinh viên hay gọi bằng cái tên thân thương: “Chú Minh cô đơn”. Cô đơn là vì hơn 20 năm qua, chú ở đây một mình, không vợ, không con và không có cả một ngôi nhà đúng nghĩa.

Không mặc cảm về số phận, bằng tấm lòng tử tế, nhân ái của mình chú Minh luôn giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là sinh viên. Chú thường bơm vá, sửa xe, đổ xăng miễn phí cho những người gặp sự cố trên đường. Ngoài ra, chú còn hỗ trợ sinh viên vận chuyển phòng trọ miễn phí bằng chiếc xe ba gác cũ.

Hai thí sinh Phạm Thị Hồng Thắm (SBD 101) và Đỗ Trần Ngọc Thảo (SBD 234) đã tham gia giúp đỡ chú Minh cô đơn. Tại đây, hai cô gái đã cùng tìm hiểu và trò chuyện để lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của chú.

Bên cạnh việc huy động tiền ủng hộ chú Minh “cô đơn”, Hồng Thắm và Ngọc Thảo còn chia sẻ về ý tưởng kêu gọi hỗ trợ, giúp ông học chữ. Bởi hai cô gái này tin rằng, việc biết chữ sẽ giúp chú Minh có nhiều cơ hội để làm việc hơn.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà cũng bày tỏ sự đồng cảm thông qua lời chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần trượng nghĩa của chú Minh. Hy vọng các bạn không chỉ giúp được chú mà còn lan rộng câu chuyện, hành động đẹp này để xã hội càng tốt đẹp hơn”.

Hoa hậu Liên Lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc thích thú ví “hiệp sĩ” Minh là “Ngôi sao tại Làng Đại học”. Bên cạnh đó, cô cũng không quên gửi lời cảm ơn ông bởi những hành động đẹp, lan tỏa sự ấm áp đến những sinh viên sống xa nhà.

Dự án nhà trọ cho người già neo đơn

Quán trọ Trăng Khuyết hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở cho những cụ già neo đơn. Ảnh: BTC

Quán trọ Trăng Khuyết hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở cho những cụ già neo đơn. Ảnh: BTC

Hiện, rất nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi sống rất khó khăn. Thấu hiểu điều đó, Quán trọ Trăng Khuyết ra đời với mục đích hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở cho những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Mọi người cùng chung sống và chia sẻ với nhau.

Câu chuyện của Quán trọ Trăng Khuyết đã chạm đến trái tim Nguyễn Ngọc Mai (SBD 122) và Đinh Khánh Hòa (SBD 088). Đó cũng là lý do hai thí sinh quyết định đến quán trọ tìm hiểu, trò chuyện cùng những cụ già đang sống tại đây.

Đặc biệt hơn, hai thí sinh của Hoa hậu Việt Nam 2022 cũng đã tổ chức một buổi tiệc sinh nhật đầy bất ngờ dành cho các thành viên của quán trọ. Những món quà, bài hát mừng sinh nhật tuy nhỏ bé song đã mang lại tiếng cười, niềm hạnh phúc cho các hoàn cảnh neo đơn.

Nguyễn Ngọc Mai chia sẻ: “Nhóm chúng tôi muốn gây quỹ để tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống (dinh dưỡng, vật chất) của các cụ”. Bên cạnh đó, hai cô gái còn đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình kinh doanh thiện nguyện, mở viện dưỡng lão cho những cụ già cô đơn.

Hơn hết, Ngọc Mai và Khánh Hòa hi vọng sự góp sức từ họ sẽ giúp câu chuyện này được lan tỏa để nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm hơn nữa.

“Chúng tôi rất biết ơn Trăng Khuyết và tôi mong rằng xã hội dang tay giúp đỡ để quán trọ phát triển ở mỗi tỉnh, nhiều cụ già đủ 3 bữa cơm mỗi ngày, có nơi nghỉ ngơi và đau ốm được đi chữa trị kịp thời”, lời chia sẻ từ cụ Lê Hùng Chương, đang sống tại Quán trọ Trăng Khuyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ