Làng mứt gừng truyền thống ở Huế đỏ lửa làm hàng Tết

GD&TĐ - Mỗi mùa Tết Nguyên Đán cận kề, những lò mứt gừng truyền thống ở làng Kim Long, TP. Huế lại tất bật đỏ lửa cả ngày để cho ra những mẻ mứt gừng thơm ngon làm nao lòng người Việt.

Làng mứt gừng truyền thống ở Huế đỏ lửa làm hàng Tết

Vào những ngày này, người dân phường Kim Long, TP. Huế đang tất bật làm mứt gừng để kịp cung cấp cho thị trường tết ở Huế và nhiều địa phương trong nước.

Theo tìm hiểu của PV, ở vùng đất Cố đô Huế có rất nhiều nơi làm mứt, nhưng làm lâu năm và có vị ngon hơn cả vẫn là mứt gừng Kim Long. Nghề truyền thống này đã có từ hàng trăm năm nay do cha ông truyền lại.

Gừng Huế có mùi thơm và độ cay ngon không nơi nào có được.
Gừng Huế có mùi thơm và độ cay ngon không nơi nào có được.
Những củ gừng được thái mỏng để chuẩn bị cho khâu chế biến.
Những củ gừng được thái mỏng để chuẩn bị cho khâu chế biến.

Theo những người làm mứt ở đây, công đoạn làm mứt gừng ở Kim Long rất cầu kỳ. Mứt gừng làng Kim Long nổi tiếng xứ Huế với hương vị cay nồng khác biệt. Gừng là nguyên liệu chính, được người dân lấy từ cầu Tuần, xã Thủy Bằng với hương vị rất lạ miệng vì loại gừng này được trồng trên vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi hai nhánh tả và hữu của con sông Hương gặp nhau. 

Củ gừng làm mứt ở đây vừa phải, không già cũng không quá non. Nếu non, mứt gừng làm ra sẽ không có độ cay, gừng già quá thì mứt lại có xơ.

Gừng được rửa và cạo sạch vỏ
Gừng được rửa và cạo sạch vỏ 

Để có những mẻ mứt gừng thơm ngon không chỉ nhờ vào những củ gừng vàng rịm mà còn phải nhờ vào bàn tay khéo léo của những người làm ra nó.

Gừng sau khi được lấy từ cầu Tuần về, sẻ được người dân mang đi cạo sạch vỏ rồi bào thành từng lát mỏng ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Gừng thái lát mỏng được rửa sạch, vớt để ráo nước trước khi bỏ đường vào. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng cùng với một ít chanh.

Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng
Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng

Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng, trộn đều để gừng ngấm đường trong khoảng một giờ đồng hồ thì cho gừng vào chảo lớn, rim với lửa nhỏ. Trong quá trình ngào mứt gừng, người thợ phải dùng đũa đảo liên tục để gừng không bị cháy.

Nét đặc trưng của mứt gừng Kim Long là các công đoạn chế biến đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, chỉ sử dụng hai nguyên liệu là gừng và đường, không có chất phụ gia. Mứt gừng Kim Long nổi tiếng nhờ hương vị cay nồng, lát mứt mỏng, đường bám chặt.

Mứt gừng sau khi ngào đường sẽ được phơi nguội trước khi đóng gói
Mứt gừng sau khi ngào đường sẽ được phơi nguội trước khi đóng gói

Ông Trương Đình Toàn (52 tuổi, trú phường Kim Long) một thợ làm mứt gừng gia truyền cho biết, khoảng sau ngày 10/11 âm lịch ở Thừa Thiên Huế mới thu hoạch gừng và đây cũng là lúc cao điểm của nghề làm mứt gừng. Trước thời điểm này những người làm mứt gừng tại đây phải thu mua gừng từ nhiều nơi.

“Làm nghề này cực lắm, thu nhập thì thấp, thị trường lại bị động nên các hộ dân ở đây chỉ sản xuất theo thời vụ. Thời điểm này, cơ sở lớn nhất ở đây có thể sản xuất ra thị trường 3 – 4 tạ mứt gừng/1 ngày với giá bán giao động từ 60.000 – 80.000đ/1kg”, ông Toàn chia sẻ.

Ngày nay, hàng mứt tết đa dạng phong phú, ngon đẹp, nhưng người Huế vẫn không quên mứt gừng được làm ở làng Kim Long.

Mứt gừng Kim Long có truyền thống hơn 200 trăm năm
Mứt gừng Kim Long có truyền thống hơn 200 trăm năm

Hiện phường Kim Long có 3 – 4 cở sở làm mứt gừng để phục vụ người dân địa phương trong dịp Tết, mứt gừng Kim Long còn được thương lái ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặt hàng quanh năm.

Giữa muôn vàn loại mứt được bày bán, ngày tết cổ truyền không thiếu mứt gừng. Với hương vị không nơi nào sánh được, mứt gừng Kim Long có truyền thống hơn 200 trăm năm, luôn ưu tiên đặt trên bàn đãi khách ngày tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ