Lăng mạ trẻ - 'Đại dịch thầm lặng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xúc phạm trẻ em có thể bị coi là hành vi lạm dụng. Bởi bất kỳ hình thức gây tổn hại và ngược đãi nào được thực hiện một cách cố ý đối với trẻ em cũng là lạm dụng.

Cha mẹ cần luôn tôn trọng trẻ.
Cha mẹ cần luôn tôn trọng trẻ.

Hoàn toàn dễ hiểu khi các phụ huynh tức giận nếu trẻ cư xử sai. Giờ đây, hầu hết chúng ta đều hiểu rõ những nguy cơ khi đánh trẻ. Vì vậy, phản ứng của cha mẹ thường là hét vào mặt con mình. Điều này chắc chắn thu hút sự chú ý của trẻ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, hành động đó gây hại nhiều hơn là giúp ích.

Hung hăng bằng lời nói - Lạm dụng tình cảm

Gây hấn bằng lời nói, đặc biệt nếu bao gồm la hét và lăng mạ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và tình cảm của trẻ. Khi ngày càng có nhiều nghiên cứu không khuyến khích cha mẹ sử dụng hình phạt, phụ huynh hoàn toàn bối rối và không biết cách kỷ luật trẻ.

Thực tế, cha mẹ cần hiểu các hậu quả của việc xúc phạm con. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi dạy con tích cực.

Kiên quyết hoặc quyết đoán với con không phải là xúc phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu các ranh giới. Nếu trẻ có hành vi sai trái, bằng giọng nghiêm khắc, phụ huynh hoàn toàn có thể yêu cầu con dừng lại và sửa chữa hành động. Tuy nhiên, la hét, gọi tên, dùng giọng gay gắt và sỉ nhục có thể được coi là “xúc phạm”.

Thực tế, việc xúc phạm có thể coi là hành vi lạm dụng trẻ em. Lạm dụng không chỉ giới hạn ở hành vi xâm hại thân thể. Bất kỳ hình thức gây tổn hại và ngược đãi nào được thực hiện một cách cố ý đối với trẻ em cũng là lạm dụng. Xúc phạm được phân loại là lạm dụng tình cảm.

Theo định nghĩa, lạm dụng tình cảm đề cập đến hành động của người lớn dẫn đến tổn thương sức khỏe tinh thần của trẻ. Khi quát mắng con mình hoặc lăng mạ chúng, cha mẹ đang làm mất đi lòng tự trọng của trẻ.

Phá vỡ lòng tự trọng

Lạm dụng tình cảm được gọi là một “đại dịch thầm lặng”. Hầu hết chúng ta thậm chí không nhận ra rằng mình đang lạm dụng con. Bởi, phụ huynh không thấy bằng chứng gây hại về thể chất cho hành vi lạm dụng.

Thực tế, việc sỉ nhục trẻ gây tổn hại không kém các hình thức lạm dụng khác. Hành vi này phá vỡ lòng tự trọng và sự phát triển tâm lý, tình cảm của trẻ. Dưới đây là những hậu quả nghiêm trọng khi cha mẹ xúc phạm trẻ:

1. Hạ thấp lòng tự tôn bản thân

Như đã đề cập trước đó, mỗi khi xúc phạm con mình, dù là riêng tư hay ở nơi công cộng, cha mẹ đang làm giảm giá trị bản thân của trẻ từng chút một. Đóng vai “cảnh sát” để bắt lỗi trẻ cũng không hẳn sẽ mang lại lợi ích. Các nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi chỉ có cha hoặc mẹ là người xúc phạm, thì hình ảnh và lòng tự trọng của đứa trẻ cũng bị giảm.

2. Không vâng lời

Hầu hết các cha mẹ không muốn cố ý gây hại cho con mình. Trong nhiều trường hợp, lời nói xúc phạm là sự bộc phát nhất thời, bắt nguồn từ sự căng thẳng và tức giận của cha mẹ. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, la mắng hoặc xúc phạm là kỷ luật trẻ. Thực tế, điều đó sẽ gây phản tác dụng. Việc bị sỉ nhục có thể khiến trẻ trở thành kẻ nổi loạn, muốn có những hành vi sai trái liên tục như một biểu hiện phản đối.

Hành động thường thấy khi tức giận của cha mẹ là hét vào mặt trẻ. Ảnh minh họa Internet.
Hành động thường thấy khi tức giận của cha mẹ là hét vào mặt trẻ. Ảnh minh họa Internet.

3. Hành vi hung hăng hơn hoặc trầm cảm

Sự xúc phạm có thể gây ra hậu quả lâu dài. Việc bị sỉ nhục có thể khiến trẻ trở nên hung hăng khi lớn lên. Trẻ sẽ nghĩ rằng, việc chửi và lăng mạ ai đó là bình thường. Hoặc, trẻ có thể rơi vào trầm cảm, muốn tự tử do không coi trọng bản thân.

4. Mối quan hệ rắc rối với cha mẹ

Nếu xúc phạm con, cha mẹ có thể sẽ không được trẻ tin tưởng. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Làm thế nào để giáo dục con, mà không làm tổn thương chúng về mặt tình cảm? Câu trả lời là, cha mẹ không thể đánh hay mắng trẻ một cách thô bạo, thậm tệ. 5 mẹo sau có thể giúp các cha mẹ:

Đặt đúng kỳ vọng

Hãy nhớ rằng, trẻ vẫn là trẻ con. Cha mẹ thường đặt ra những kỳ vọng không thực tế cho trẻ. Một đứa trẻ 2 tuổi không thể ngồi yên. Tất cả trẻ 10 tuổi không thể là người lớn. Mọi đứa trẻ đều không thể là thần đồng, hoặc thậm chí có những kỹ năng giống như người lớn. Nếu có những kỳ vọng thực tế, cha mẹ sẽ không dễ dàng thất vọng. Từ đó, phụ huynh sẽ không dễ mất bình tĩnh.

Tôn trọng trẻ

Nếu muốn được con tôn trọng, phụ huynh cần làm đối xử như vậy với con. Cha mẹ cần nói chuyện với trẻ một cách tôn trọng. Thảo luận vấn đề với con một cách nhẹ nhàng, tôn trọng nhưng kiên quyết.

Đếm đến 10

Phụ huynh không nên kỷ luật con khi đang nổi cơn thịnh nộ. Khi phản ứng lúc tức giận, cha mẹ có nhiều khả năng sẽ hét lên hoặc mất kiểm soát về lời nói. Khi đó, các phụ huynh có thể sẽ nói ra những điều khiến bản thân hối hận. Hãy dành một vài phút để bình tĩnh lại. Sau đó, suy nghĩ và quyết định những gì bản thân muốn truyền đạt trước khi phản ứng.

Hãy nhất quán

Hãy kiên định trong cách thực thi các quy tắc của mình. Cha mẹ sẽ không thể phạt con vì có hành vi từng được coi là ổn trong quá khứ.

Thực hành những gì đã dạy con

Cha mẹ có thể cùng con trò chuyện khi đi dạo. Phụ huynh hãy cố gắng trở thành người mà mình muốn trẻ trở thành. Từ đó, làm gương cho chính bản thân. Đồng thời, hãy thừa nhận khi mắc sai lầm. Phụ huynh cũng nên nói chuyện với trẻ về cách cha mẹ đã mắc sai lầm và ý định sửa chữa.

Đặc biệt, trong trường hợp có những lời xúc phạm con mình, cha mẹ đừng ngần ngại nói xin lỗi. Giải thích cho trẻ rằng, hành vi của cha mẹ là không đúng. Cha mẹ đã nói những lời đó mà không suy nghĩ. Đồng thời, phụ huynh cần cam kết sẽ không lặp lại hành vi đó.

Đừng quên nói nói với trẻ rằng, hành vi của con cũng là không thể chấp nhận được. Các chuyên gia nhấn mạnh, phụ huynh không nên coi việc xúc phạm, sỉ nhục và la hét trẻ là biện pháp kỷ luật. Thực tế, đó là những sai lầm tồi tệ nhất và thường phản tác dụng khi nuôi dạy con.

Theo Being the parent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.