Lắng lại với 'Người giữ thời gian'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có thể, Mỹ Tâm quên đi những nỗi buồn, nỗi đau của bản thân nhưng chưa khi nào cô ấy quên tình cảm khán giả dành cho mình.

Ca sĩ Mỹ Tâm chụp hình kỷ niệm cùng khán giả tại một buổi công chiếu phim “Tri âm - Người giữ thời gian”. Ảnh: Facebook My Tam.
Ca sĩ Mỹ Tâm chụp hình kỷ niệm cùng khán giả tại một buổi công chiếu phim “Tri âm - Người giữ thời gian”. Ảnh: Facebook My Tam.

“Tâm nghĩ, bước ra đây là điều cố gắng nhất, là Tâm làm cho mọi người và cảm nhận được tình yêu thương... Nếu không có mọi người thì không có Tâm và nếu Tâm không làm có tâm thì sẽ không có mọi người”.

Đó là một trong rất nhiều tự sự xúc động và chân thành được ca sĩ Mỹ Tâm thổ lộ trong phim “Tri âm - Người giữ thời gian”… Từ đây, công chúng không chỉ được hiểu hơn mà còn có thể học hỏi không ít điều về cách nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật của ca sĩ “Tóc nâu môi trầm”.

Chưa bao giờ giản đơn…

Bộ phim "Tri âm - Người giữ thời gian" của Mỹ Tâm bất ngờ rời rạp dù nhanh chóng đạt doanh thu dẫn đầu dòng phim tài liệu ra rạp (hơn 12 tỉ đồng) sau hơn một tuần công chiếu. Khán giả đã không khỏi luyến tiếc nhưng với Mỹ Tâm thì đây chỉ là bộ phim để có kỷ niệm đẹp với người hâm mộ và cô đã dành nhiều buổi đến giao lưu trực tiếp với khán giả. Mỹ Tâm mong muốn “khép lại hành trình này sẽ mở ra một hành trình mới”. Và hành trình mới ngay khi “Tri âm - Người giữ thời gian” của nữ ca sĩ này ngừng chiếu sẽ là sử dụng toàn bộ lợi nhuận thu được từ bộ phim để hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học.

Là bộ phim tài liệu chủ yếu tập trung kể về hậu trường và lược thuật liveshow “Tri âm” đã diễn ra ở TPHCM (2021) và Hà Nội (2022), song “Tri âm - Người giữ thời gian” vẫn đủ sức khắc họa rõ nét 20 năm Mỹ Tâm đắm say với âm nhạc vì âm nhạc đến với cô “như là hơi thở”.

Đó là một Mỹ Tâm lúc tuổi đôi mươi dịu dàng, sáng trong trong tà áo dài với “Cây đàn sinh viên” (sáng tác: Quốc An), “Hai mươi” (Quốc Bảo)…; lúc mặn mà, bỏng cháy của người con gái mang trái tim yêu mãnh liệt với “Tóc nâu môi trầm”, “Cô ấy là ai”… và cũng có những giây phút cô đơn bủa vây như “Đâu chỉ riêng em”, “Cho một tình yêu”…

Cũng từ những câu chuyện hậu trường, khán giả được thấy con đường âm nhạc để có thể vươn đến đỉnh cao như Mỹ Tâm chưa bao giờ là bằng phẳng, giản đơn.

Từ một cô bé sinh ra và lớn lên ở vùng đất miền Trung nắng gió (Quảng Nam), ngay từ nhỏ Mỹ Tâm đã có niềm yêu thích ca hát trước biển trời bao la: “Trước đứng lên đây này (thuyền thúng) rồi: Núi ơi núi, thuyền ơi thuyền, mây ơi mây, nước ơi nước…” để rồi được cha mẹ chăm bẵm cho mầm xanh ấy lớn lên, trổ lá, ra hoa rồi kết thành không ít quả ngọt, bắt đầu từ “Mãi yêu” (2001) đến “Hoàng hôn thức giấc”, “Vút bay”, “Sóng đa tần”, “Cho một tình yêu”, “Heartbeat”, “Ô cửa màu xanh”, “Tâm 9”, “Tri âm”… Những giải thưởng Cống hiến, Làn sóng xanh, và cả giải Âm nhạc châu Âu của MTV, giải “Huyền thoại Âm nhạc châu Á”, “Nghệ sĩ có album bán chạy nhất lãnh thổ”… đều ghi danh Mỹ Tâm.

Để có được thành công đó, Mỹ Tâm đã phải đánh đổi từ sức khỏe đến thời gian (có khi làm việc 12 đến 14 tiếng trong ngày), thậm chí có không ít mồ hôi cùng nước mắt của sự âu lo, đớn đau vì bị thương tích ngay trên sàn tập hay phía sau cánh màn nhung.

Xem những phút giây hậu trường Mỹ Tâm tự mình vượt qua chông gai - nhiều khi còn có cả sự thử thách lòng người của đất trời (mưa lớn ngay trước đêm diễn ra “Tri âm” hay dịch Covid-19 bùng phát khiến show ở Hà Nội bị hủy sang đến tận năm sau...), càng thêm nể phục tinh thần lao động nghệ thuật của cô ca sĩ đầy nội lực này.

Cũng từ đây, càng thấy thêm nhiệt huyết vươn đến ước mơ của Mỹ Tâm, có thể đôi lúc bị chùng xuống vì những áp lực công việc, sức khỏe nhưng ngay sau đó lại là một người mang năng lượng dồi dào, sẵn sàng đối diện, vươn tới…

Bộ phim kể câu chuyện hậu trường về liveshow “Tri âm” của Mỹ Tâm. Ảnh chụp từ trailer phim 'Tri âm - Người giữ thời gian'.

Bộ phim kể câu chuyện hậu trường về liveshow “Tri âm” của Mỹ Tâm. Ảnh chụp từ trailer phim 'Tri âm - Người giữ thời gian'.

Thấu tỏ sức mạnh nội lực

“Cái thế mạnh của Tâm chỉ là cảm xúc. Nếu bạn thực sự là người có tâm hồn thì mình sẽ cùng gặp nhau ở một không gian, một thời điểm đồng điệu. Ngoài ra, mình cứ sống theo thời đại, thay đổi tư duy chút xíu, cập nhật những cái mới. Đó là lý do vì sao mà Tâm luôn giữ được cảm xúc của cô gái ở tuổi 20 cho khán giả, để khán giả vẫn thấy được sự thú vị của mình…” - Mỹ Tâm tự sự trong phim “Tri âm - Người giữ thời gian”

Lồng trong “Tri âm - Người giữ thời gian” là những lời tự sự mộc mạc của Mỹ Tâm để khán giả được dịp thấu tỏ về sức mạnh nào đã nâng đỡ cho người con gái ấy sự thăng hoa một cách bền bỉ cùng âm nhạc.

Đó là cô có mẹ cha đôn hậu, hết mực vun trồng cho cô con gái út bay cao, bay xa và người con ấy cũng vô cùng hiếu kính, thương yêu các bậc sinh thành. Khi trở về bên mẹ cha, Mỹ Tâm luôn bé bỏng, thơ ngây trong câu nói, tiếng cười, ánh mắt và cả khi cô cố gắng học cách gói bánh vì biết mẹ thích; hay lúc cha mẹ cô ra tận Hà Nội cổ vũ cho “Tri âm” giữa trời đông lạnh giá… Những khoảnh khắc ấy chỉ là điểm xuyết trong phim song để lại những phút giây đời thường sao mà ấm áp, xúc động.

Đó là những cộng sự đồng hành cùng Mỹ Tâm trong mỗi chương trình, nhất là team MTE đã tận tụy hiện thực hóa những điều ca sĩ mong muốn bằng tất cả khả năng có thể. Lúc làm việc có thể cô không ngại ngần đưa ra những chỉ bảo thấu tình đạt lý: “Luôn trong trạng thái im lặng và mỗi người ai làm việc nấy, trừ khi xong việc của mình thì sẽ phụ người tiếp theo chứ không động vô việc của người khác…” hay: “Khán giả đi vô, mình phải hết sức nhẹ nhàng. Khán giả là người nhà của mình, không được đẩy.

Hàng rào nhìn vô, mình đã khó chịu chứ đừng nói việc mình đứng mình cản rồi khán giả tới vì họ không biết. Đó là điều mọi người phải biết”… Nhưng sau đó là cả một sự yêu mến, biết ơn đầy trân trọng, nâng niu cũng như cách ứng xử thật thỏa lòng đến những người bạn thân yêu của Mỹ Tâm: “Mưa đến bao giờ thì dứt? Mọi người cũng cực lắm rồi. Cảm ơn tất cả mọi người nghen… Có những tranh luận, ai cũng có lý ,Tâm cần giải quyết mà ai cũng thấy vui…”.

Đó là khán giả - những người được Mỹ Tâm trân trọng gọi là “Tri âm” vì họ đã luôn ở bên cô suốt 20 năm qua và hát cùng bằng niềm mến mộ “còn hơn cả những gì Tâm mong đợi”.

Chính nhờ họ “một lòng một dạ” đã thúc giục Mỹ Tâm “không được nản” trước khó khăn và giúp cô hiểu ra bản thân không cô đơn vì cô thuộc về khán giả cũng như biết được hạnh phúc lớn nhất của cô là khi bước ra sân khấu và được hát: “Giây phút hạnh phúc lớn nhất là lúc Tâm bước lên sân khấu, ngay trong lúc đó, Tâm mới là chính mình…”.

Cũng từ đó, Mỹ Tâm xin phép khán giả được coi “sân khấu là nhà” và nhắc bước chân của mình “hãy bước ra nơi mình cảm thấy mình được yêu thương nhất, được thoải mái tự do vì mình…” để không ngừng nỗ lực “mỗi sự kiện đều là đỉnh cao của cảm xúc, sẽ làm khán giả của mình thấy tự hào, tri âm của mình thấy hạnh phúc, làm cho khán giả bước đến và cảm thấy mình xứng đáng khi có mặt ở đây…”.

Đó còn là tinh thần làm việc chuyên nghiệp không chỉ đa di năng ở nhiều vị trí (ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất) có cách cắt đặt công việc gọn gàng, đâu ra đấy mà còn luôn tự cật vấn và dám nhìn thẳng vào những hạn chế của bản thân.

Mấy ai có thể “tự thú” về những điều sai như Mỹ Tâm: “Có những thứ mình sai, sai ngay từ ban đầu. Đó là sự yếu kém của mình mà mình nên nhận. Nhưng chính nhờ điều này, nó đã mang lại cho Tâm những trải nghiệm đáng giá tuyệt vời”.

Và cũng có mấy người dám gọi ra nỗi sợ: “Cái sợ nhất là sợ bản thân mình không nghĩ được cái gì hay để làm, mình mất tự tin, mất những sáng tạo để làm nghề. Tâm chưa bao giờ sợ người khác sẽ làm cái gì chỉ sợ bản thân mình không làm được cái gì, làm sao để xứng đáng với những gì mà 20 năm qua mình khẳng định được”…

Cứ thế, dòng tự sự của Mỹ Tâm trong bộ phim tài liệu “Tri âm - Người giữ thời gian” đã cuốn hút khán giả bước vào thế giới nội tâm vừa dịu dàng đằm thắm vừa mạnh mẽ, cuồng nhiệt dốc lòng vì công chúng.

Không một giải thưởng hay vinh danh nào được nhân vật chính nhắc đến ở đây mà chỉ là những lời bộc bạch tự đáy lòng tri ân tới công chúng của một người làm nghề nghiêm túc, thực thụ.

Có thể, Mỹ Tâm quên đi những nỗi buồn, nỗi đau của bản thân nhưng chưa khi nào cô ấy quên tình cảm khán giả dành cho mình, khi họ đội mưa hát cùng hay có những người chia sẻ với ban tổ chức lúc “Tri âm” tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình vào phút chót (sân khấu đã dựng 70%) phải hủy…

Bởi thế, dù có lúc rơi nước mắt vì không thể cưỡng lại khó khăn từ khách quan như dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội và phải cân nhắc tiếp tục hay không tiếp tục tổ chức thì cuối cùng Mỹ Tâm vẫn quyết định nhận phần khó về mình để đảm bảo an toàn cho khán giả.

Cô quả quyết: “Nếu có sự bảo hộ của ai đi chăng nữa nhưng bản thân mình nếu không kiểm soát hết được mọi thứ thì mình không làm”. Không chỉ thế, cô còn thấy mình lại mắc nợ khán giả một ân tình, thế nên “mình phải làm tốt hơn” và “ta sẽ không yếu mềm”…

Bởi thế, “Tri âm: Người giữ thời gian” không dừng lại ở một phim tài liệu chân dung đơn thuần mà còn là bộ phim truyền cảm hứng sống đẹp, lao động nghệ thuật hết mình của Mỹ Tâm, được kể bằng ngôn ngữ dung dị, chân thực, thủ thỉ như vốn có chứ không chịu chi phối bởi bất kỳ thủ pháp điện ảnh nào.

Vì vậy, những điểm trừ của “Tri âm - Người giữ thời gian” như việc tái hiện live show ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội còn dài hay có những chi tiết sắp xếp chưa thật đắt, cách kể chuyện không mới đều được bỏ qua để nhường vào đó những đồng cảm, nâng niu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ