Láng giềng gần và đối tác xa

GD&TĐ - Cục diện tình hình quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực Nam Á sẽ biến động rất khó lường, đồng thời có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy mới...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đúng dịp kỷ niệm 54 năm ngày lập quốc, ông Muhammad Yunus - Thủ tướng tạm quyền - dành 4 ngày thăm Trung Quốc là bằng chứng rất rõ ràng về sự coi trọng mà chính thể mới của Bangladesh dành cho nước này. Ông Yunus mong muốn mở ra “một chương mới” cho mối quan hệ Bangladesh - Trung Quốc.

Ông Yunus làm Thủ tướng tạm quyền ở Bangladesh sau khi chính thể của Thủ tướng Sheikk Hasina bị sụp đổ và bà Hasina phải lưu vong ở Ấn Độ. Trong suốt thời gian cầm quyền dài của bà Hasina, Bangladesh gắn bó và thân thiết với nước láng giềng Ấn Độ.

Nhưng từ sau chính biến ở Bangladesh với kết quả là chính thể quyền lực của bà Hasina bị tan vỡ và ông Yunus tạm thời nắm giữ quyền bính, mối quan hệ giữa Bangladesh và Ấn Độ không còn được êm đẹp như trước nữa. Ông Yunus muốn Ấn Độ dẫn độ bà Hasina về Bangladesh. Ấn Độ cáo buộc chính quyền mới ở Bangladesh không đảm bảo an toàn cho người Hindu ở nước này.

Sâu xa ở phía sau những biểu hiện bất hoà và khúc mắc mới xuất hiện giữa hai bên là xung khắc lợi ích. Ấn Độ muốn chính thể mới ở Bangladesh tiếp tục chính sách đối ngoại “thân Ấn, sơ Trung” vốn đã được Bangladesh kiên định thực thi từ những thời trước.

Còn chính thể mới ở Bangladesh lại có chủ ý nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong khi cố giữ quan hệ ổn thoả và ổn định như có thể được với Ấn Độ. Tổng thống Yunus không theo đuổi chủ ý thiên lệch hẳn về phía Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng ông khác bà Hasina ở chỗ muốn Bangladesh thiên lệch trong chừng mực có thể được về phía Trung Quốc.

Hiện tại, Bangladesh đã có được sự ổn định chính trị tương đối. Tổng thống Yunus phải trực diện bốn vấn đề lớn là chống lạm phát, nợ công rất cao, nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử để có được chính phủ dân cử mới và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến hơn 1 triệu người Rohinga từ Myanmar tỵ nạn. Ông Yunus cho rằng Trung Quốc chứ không phải Ấn Độ là đối tác thích hợp nhất và có đủ khả năng nhất giúp Bangladesh giải quyết những vấn đề trên.

Ông Yunus cũng ý thức được rằng mình chỉ là tạm quyền và chính phủ dân cử tới đây mới thực sự có chính danh cầm quyền ở Bangladesh. Vì thế, ông đi Trung Quốc vào đúng thời điểm quan trọng về đối nội ở Bangladesh trong thực chất nhằm hai mục đích là phát đi thông điệp chính trị và đặt nền móng, tạo hành lang cho chính quyền dân cử tới đây mở ra “trang sử mới” cho mối quan hệ giữa Bangladesh và Trung Quốc.

Phía Ấn Độ không thể không quan ngại về những động thái này của Bangladesh và chắc rồi đây sẽ nhanh chóng có những biện pháp chính sách vừa tranh thủ, vừa cảnh báo và răn đe Bangladesh.

Cuộc ganh đua về ảnh hưởng đối với Bangladesh sẽ trở nên sôi động và quyết liệt hơn trong thời gian tới. Cục diện tình hình quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực Nam Á cũng sẽ biến động rất khó lường trước được, đồng thời có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy mới về ganh đua và tranh thủ lẫn nhau, về liên kết và phân rẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Phú Thọ tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đơn vị.

Lung linh 'Sắc màu du lịch Đất Tổ'

GD&TĐ - Tối 3/4, Sở VH, TT&DL Phú Thọ khai mạc Chương trình “Sắc màu Du lịch Đất Tổ”, phát động hưởng ứng kích cầu Du lịch “Phú Thọ - Đi để yêu”.