Từ những câu chuyện giản dị đời thường, đến những kinh nghiệm giáo dục tại Nhật Bản và những nước tiến tiến, bằng cách kể chuyện hài hước ông Lê Quốc Tiến đã truyền đi những năng lượng tích cực, triết lý giáo dục sâu sắc, thắp sáng ngọn lửa yêu nghề tới hàng ngàn giáo viên.
Trường học không phải là nơi “dạy cá leo cây”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đến gần, các nhà trường đang khẩn trương hoàn thành chương trình năm học và bắt tay vào ôn tập cho học sinh. Đây cũng là thời điểm quan trọng, ngã rẽ quyết định đến tương lai của các em sau 12 năm đèn sách
Nhiệt huyết với nghề, PGS.TS Lê Quốc Tiến dành thời gian đến những trường phổ thông “vùng sâu, vùng xa” của thành phố Hải Phòng để tìm hiểu thực tế về quá trình giảng dạy đồng thời có những định hướng sắc nét cho công tác giáo dục của nhà trường, đặc biệt công tác tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Hành trang mà Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng mang đến các trường là “năng lượng tích cực của một người đam mê làm giáo dục”. Ông mong muốn rằng những bài học kinh nghiệm từ nền giáo dục tiên tiến, cùng tính ưu việt của Chương trình GDPT 2018 sẽ trao truyền cho giáo viên.
Sau khi đến thăm Trường THPT Cát Hải, THPT nội trú Đồ Sơn, THPT Nguyễn Đức Cảnh, THPT Thái Phiên, Trường THPT Hải An là điểm đến tiếp theo của Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng.
Nắm bắt được những khó khăn của các nhà trường, PGS.TS Lê Quốc Tiến đã chỉ ra và mong muốn nhà trường chọn hướng đi riêng, khác biệt, tạo bản sắc giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của học sinh.
Muốn tạo nên “thương hiệu riêng” của từng trường thì công tác phân luồng, định hướng học sinh là vô cùng quan trọng. “Trường học không phải là nơi dạy cá leo cây”, mà tùy theo năng lực của từng học sinh để có cách giáo dục phù hợp, ông Tiến nhấn mạnh.
Thành tích của nhà trường không phải là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ đại học mà phải là sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô tới học sinh; các em cần một môi trường để có thể tự do sáng tạo, tự nhận thức về bản thân và được định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân và tình hình phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai.
Thế mạnh nhà trường sẽ gắn với sự phát triển kinh tế của địa phương. Chẳng hạn như quận Hải An có thế mạnh cảng biển, logistic…thì nhà trường định hướng cho các em chọn học những trường có ngành đó. Sau khi học xong, các em có thể làm ngay tại quê hương, trong cuộc trao đổi với giáo viên Trường THPT Hải An ông Tiến đã chỉ ra.
“Mỗi học sinh như một viên kim cương thô, ráp, chính nhờ công sức mài giũa của thầy cô mà trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho gia đình. Chính vì thế mỗi thày cô trong công tác phân luồng – hướng nghiệp là một nghệ nhân – kiến tạo tương lai cho học sinh”, Giám đốc Sở GD Hải Phòng nhấn mạnh.
Với những em không có khả năng theo đại học, thầy cô nên định hướng các em chọn học nghề phù hợp, học trung cấp, cao đẳng…. tìm học ngoại ngữ phù hợp, tập trung kỹ năng nghề.
Nhờ hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành, nhà trường thống kê những học sinh thành đạt mời họ về chia sẻ về chặng đường phấn đấu, đó là cách truyền động lực tốt nhất, ông Tiến chia sẻ.
Dạy học sinh Tâm- Thể-Trí
Theo ông Lê Quốc Tiến, con thuyền giáo dục trên chặng đường tìm ra chân trời mới là quá trình gian nan, vất vả luôn tiềm ẩn sóng, gió mà nhiệm vụ của thầy cô là nỗ lực, vượt khó bằng tình yêu thương trao truyền tri thức cho học trò và lớn mạnh để đương đầu với sóng, gió.
Làm giáo dục chấp nhận là vất vả, là gian nan nhưng nếu biết được cái đạo làm giáo dục, nghệ thuật giáo dục thì vô cùng hạnh phúc và vinh quang.
Lấy quan điểm về nghệ thuật Bonsai của người Nhật, ông Tiến thể hiện một triết lý giáo dục: Tâm- Thể-Trí. Bản chất những cây Bonsai giá trị là những cây có thể từng bị coi là cây còi quặt, cây bỏ đi nhưng với bộ rễ tốt, sau đến thân chắc khỏe để nuôi dưỡng, được cắt tỉa, uốn nắn hàng ngày sẽ tạo thành những đường cong mĩ mãn và trở thành những cây cảnh giá trị làm đẹp cho đời. Làm giáo dục cái gốc là nhiệt huyết, đạo đức, rèn cho học sinh thân thể khỏe mạnh để tiếp thu trí tuệ tuyệt vời của nhân loại.
Để có được những sản phẩm giáo dục hoàn hảo, thì thầy cô- những “nghệ nhân” chế tác phải kiên trì bền bỉ, dạy giỗ, giáo dục học trò.
Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng đã tặng Trường THPT Hải An một cây cảnh mà chính tay ông đã chăm sóc 25 năm chăm sóc để truyền thông điệp rằng làm giáo dục là gian nan, vất vả, là mưa nắng nhưng kiên trì sẽ có thành quả tốt đẹp.