Lan tỏa tinh thần sáng tạo với giáo dục STEM

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ khi triển khai thí điểm, nhiều trường học đã linh động đưa giáo dục STEM vào dạy học.

Học sinh tiểu học TP Cần Thơ tham gia Ngày hội giáo dục STEM cấp thành phố năm học 2023 - 2024. Ảnh: Q. Ngữ
Học sinh tiểu học TP Cần Thơ tham gia Ngày hội giáo dục STEM cấp thành phố năm học 2023 - 2024. Ảnh: Q. Ngữ

Cách làm sáng tạo này không chỉ góp phần phát triển năng lực, phẩm chất, hứng thú học tập cho học sinh mà còn nâng cao hiệu quả dạy học của giáo viên.

Phát huy năng lực, tư duy dạy và học

Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ÐT TP Cần Thơ vừa tổ chức đã lan tỏa tinh thần dạy và học sáng tạo, tích cực trong thầy cô, học sinh và phụ huynh. Theo đánh giá của ban tổ chức, các dự án của học sinh thể hiện ý tưởng xây dựng ngôi trường hiện đại, văn minh hơn như ứng dụng tích hợp kiến thức công nghệ, vật lý, toán học… để xây dựng ngôi trường xanh, tự động hóa.

Em Bùi Quốc Tài - học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2 (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cùng các bạn thực hiện sản phẩm cho dự án “Trường học thông minh” gồm 7 thiết bị như chống trộm, đo nhiệt độ, đo độ ẩm của đất, cảnh báo động đất... “Em rất vui khi tham gia ngày hội vì học và hiểu nhiều hơn về kiến thức trên lớp”, Quốc Tài nói.

Theo ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Ngoài phát triển năng lực và phẩm chất như định hướng của Chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM còn tăng hứng thú học tập, giúp các em phát triển tư duy sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục…

Năm học 2022 - 2023, TP Cần Thơ có 10 trường tiểu học thuộc 5 quận, huyện trên địa bàn được chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM. Ðến năm học 2023 - 2024, giáo dục STEM chính thức đưa vào 100% trường tiểu học và triển khai dưới dạng chủ đề, giúp học sinh làm quen, thực hiện những sản phẩm từ kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế.

Các trường học đã chủ động thực hiện theo định hướng phù hợp điều kiện thực tế địa phương, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục; cùng đó, đa dạng hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật; không gian trải nghiệm, góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường. Các hoạt động nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức câu lạc bộ STEM - Robotics…

Tại Hà Nội, để nâng cao năng lực dạy học STEM cấp tiểu học, sở GD&ĐT đã tổ chức tiết dạy chuyên đề STEM cấp thành phố tại Trường Tiểu học Vạn Thái (huyện Ứng Hoà). Tiết học STEM môn Tự nhiên và Xã hội, chuyên đề “Nơi sống của động vật” được cô giáo Hoàng Thị Thảo mở đầu trong không khí sôi nổi với phần hát và vận động theo nhạc bài “Đố bạn”. Cô Thảo đã khéo léo dẫn dắt học sinh vào tiết học, ôn lại kiến thức cũ gắn với nội dung, đặc điểm, tính chất, sự chuyển động động vật trong tự nhiên. Từ đó kích thích học trò tìm hiểu khám phá kiến thức…

Qua bài học STEM, học sinh biết môi trường sống của động vật, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ với chúng. Đặc biệt, các em được phát triển năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề, cảm nhận và khám phá được vẻ đẹp, hiện tượng tự nhiên.

Sau khi tham dự tiết dạy chuyên đề, hầu hết ý kiến đánh giá tiết dạy có ý nghĩa thiết thực, giúp phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đóng góp một số phương pháp dạy học hiện đại, có thể áp dụng hiệu quả và nhân rộng. Ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đã nắm vững phương thức giáo dục STEM. Các tiết học diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, khắc phục căn bản lối dạy học chú trọng truyền đạt kiến thức.

Cô Hoàng Thị Thảo - Trường Tiểu học Vạn Thái (huyện Ứng Hoà) thực hiện tiết dạy chuyên đề STEM cấp thành phố. Ảnh: Lan Anh

Cô Hoàng Thị Thảo - Trường Tiểu học Vạn Thái (huyện Ứng Hoà) thực hiện tiết dạy chuyên đề STEM cấp thành phố. Ảnh: Lan Anh

Đa dạng hoạt động trải nghiệm

Tại Đồng Tháp, phong trào ứng dụng STEM trong dạy học, thực hành được nhiều trường học triển khai hiệu quả. Mới đây, tổ Toán Trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười) tổ chức hoạt động STEM bộ môn Toán năm học 2023 - 2024 với chủ đề “Thiết kế tranh chỉ”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Trường THPT Tháp Mười, giáo dục STEM đã giúp học sinh vận dụng được kiến thức phép dời hình trong mặt phẳng làm nên những bức tranh đẹp, ý nghĩa. Ngoài ra, hoạt động tạo ra sân chơi bổ ích sau giờ học, giúp học sinh yêu thích môn Toán, phát huy tính đoàn kết trong hoạt động nhóm, kỹ năng thuyết trình…

Để nâng cao chất lượng giáo dục STEM, ngành Giáo dục Đồng Tháp thường xuyên tổ chức tập huấn, hỗ trợ giáo viên thực hiện bài học STEM và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học STEM, tiếp cận theo Chương trình GDPT 2018. Cán bộ, giáo viên được hướng dẫn tìm hiểu một số hoạt động, nội dung về giáo dục STEM cấp tiểu học trong Chương trình GDPT 2018…

Đặc biệt, trong vai học sinh, cán bộ, giáo viên ở Đồng Tháp tham gia thảo luận, thực hành trải nghiệm bài học STEM trong vai học sinh, hoàn thành và báo cáo các sản phẩm bài học STEM; phân tích cách tổ chức dạy học bài học STEM đã trải nghiệm; trao đổi, thảo luận, chia sẻ các nội dung trong giáo dục STEM cho học sinh tại lớp, trường…

Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hội thi thiết kế bài học STEM được tổ chức thành công. Tiết dạy có tên: STEM kết hợp thiết kế, làm mô hình chuỗi thức ăn trong tự nhiên do cô giáo Nguyễn Hồng Nhung và học sinh lớp 4C thực hiện. Khởi đầu tiết học, cả lớp tham gia trò chơi dân gian “Cáo và Thỏ”.

Thông qua trò chơi, cô giáo khơi gợi cho học sinh mong muốn khám phá những điều thú vị về chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Trên nền tảng kiến thức bài “Chuỗi thức ăn” trong chương trình môn Khoa học lớp 4, học sinh sẽ ứng dụng để thực hiện sản phẩm mô hình chuỗi thức ăn.

Tiết học diễn ra với nhiều hình thức học tập như thảo luận cặp đôi, làm việc cá nhân, trao đổi cùng các bạn trước lớp. Học sinh đã hào hứng học tập và chia sẻ tự tin trong mỗi hoạt động. Với kiến thức nền về “chuỗi thức ăn”, học sinh lên ý tưởng, thiết kế và vận dụng bài học, thực hành làm một mô hình chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Có nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo của học sinh được thể hiện… Tiết dạy STEM được ghi nhận về ý tưởng sáng tạo trong thiết kế bài học, tác phong sư phạm của giáo viên và sự tích cực, chủ động từ học sinh.

Bà Hà Minh Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, triển khai giáo dục STEM tại các trường tiểu học trên địa bàn quận trong học kỳ I cơ bản thuận lợi. Phòng đã triển khai tập huấn đại trà đến 100% giáo viên, mời chuyên gia giỏi, tập huấn có chiều sâu để tăng tính hiệu quả, đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Bộ GD&ĐT chọn Đồng Tháp là 1 trong 7 tỉnh, thành triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều này thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm trong triển khai giáo dục STEM, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân sự…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ