Buổi sinh hoạt ngoại khóa diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) với hơn 600 học sinh tham gia.
Diễn giả tại chương trình là Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học, người đã có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và truyền thông phòng ngừa tội phạm học đường, đặc biệt trong thanh thiếu niên.
Trong không khí giao lưu cởi mở, những câu chuyện thực tế về các vụ bạo lực học đường, những tình huống bắt nạt tinh vi trên mạng xã hội, các hình thức quấy rối trá hình dưới lớp vỏ “trêu chọc vui đùa” đã được Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích sinh động, gợi mở nhận thức cho học sinh một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.
Ông nhấn mạnh rằng bạo lực – dù đến từ hành vi, lời nói hay một biểu cảm lạnh nhạt – đều có thể để lại những vết thương sâu sắc trong tâm hồn người bị hại. Không gian mạng tuy là ảo, nhưng những tổn thương trong đó lại vô cùng thật. Chính vì thế, mỗi học sinh cần biết cách nhận diện ranh giới giữa đùa vui và xúc phạm, giữa sự kết nối lành mạnh và hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Bằng lối trò chuyện gần gũi, dí dỏm, sinh động và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, Thượng tá – Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đã từng bước trang bị cho các em những kỹ năng ứng xử văn minh khi đối mặt với mâu thuẫn, khả năng kiểm soát cảm xúc, biết tìm đến thầy cô, người lớn khi gặp rắc rối. Đồng thời, ông cũng chia sẻ những kiến thức thiết thực giúp các em “giữ mình” trong không gian mạng, từ cách bảo vệ dữ liệu cá nhân đến việc phòng tránh các chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ trá hình.

Không khí buổi chuyên đề trở nên sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên khi chuyên gia liên tục đặt câu hỏi, tạo tương tác sinh động với học sinh. Nhiều em mạnh dạn chia sẻ những trải nghiệm thực tế, bày tỏ quan điểm, thậm chí kể lại chính những câu chuyện mà bản thân hoặc bạn bè từng gặp phải trong môi trường học đường hoặc trên mạng xã hội.
Đại diện học sinh toàn trường, em Đinh Lê Quỳnh Nga – học sinh lớp 7A1 – bày tỏ: “Hôm nay em hiểu rõ hơn rằng bạo lực không chỉ là đánh nhau, mà những lời nói làm người khác tổn thương cũng là một hình thức bạo lực. Em biết cách kiểm soát cảm xúc, ứng xử có văn hóa hơn, và em thấy mạng xã hội là con dao hai lưỡi – mình phải tỉnh táo khi dùng. Em rất cảm ơn Thầy Hiếu vì đã giúp chúng em nhận ra nhiều điều, và em hứa sẽ lan tỏa điều tốt đẹp đến bạn bè xung quanh.”

Chia sẻ với báo chí sau buổi ngoại khóa, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường – xúc động bày tỏ: “Trong công cuộc giáo dục hôm nay, tri thức là chưa đủ. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để học sinh của mình được học cách làm người, học cách bảo vệ mình và biết nói không với điều xấu. Buổi chuyên đề hôm nay thực sự đã chạm đến trái tim các em. Bằng kiến thức, bằng cảm xúc, và bằng cả những rung động rất thật. Tôi tin rằng những gì các em tiếp nhận được hôm nay sẽ theo suốt các em trong hành trình trưởng thành. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên gia để đưa các chủ đề giáo dục kỹ năng sống vào trường học một cách thường xuyên, bền vững.”

Khép lại buổi chuyên đề, thông điệp “Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường – Bảo vệ mình và bạn bè trên không gian mạng” đã vang lên từ hàng trăm trái tim. Không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là một lời hứa âm thầm giữa những ánh mắt trong veo – lời cam kết sống đẹp, sống tử tế và có trách nhiệm, cả trong đời thực lẫn thế giới số.