Chương trình do Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức.
Mở đầu chương trình, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đặt câu hỏi với học sinh: “Làm thế nào để nhận biết một vụ bạo lực học đường?”.
Các em đã đưa ra nhiều hành vi được xem là bạo lực, như bị đánh, giật tóc, đè, ngắt tay, kéo áo, "body shaming", ký đầu,…
Từ đó, bà Tô Nhi A nhấn mạnh rằng nhận diện bạo lực học đường không khó, điều quan trọng là phụ huynh cần kiên nhẫn, tạo cơ hội để con có thể chia sẻ vấn đề của mình.
Trước thắc mắc của phụ huynh về cách theo dõi tâm lý con mà không khiến trẻ khó chịu, bà tiếp tục đặt câu hỏi: “Bao nhiêu bạn ở đây thích nói chuyện với ba mẹ nhưng ba mẹ lại hay nổi giận với mình?”.
Ngay lập tức, rất đông học sinh giơ tay, phản ánh thực tế rằng nhiều em muốn chia sẻ nhưng chưa tìm được sự thấu hiểu từ cha mẹ.

"Phụ huynh phải thật tâm với hành trình làm ba mẹ, không sa lầy vào chuyện làm kinh tế. Một ngày có 24 tiếng thì ai cũng như ai, ba mẹ phải có tính toán ngủ mấy tiếng, làm việc mấy tiếng và dành cho con bao nhiêu thời gian. Con không cần ba mẹ dành nhiều thời gian, ít thôi nhưng phải đều đặn. Cha mẹ không cần trở thành nhà sư phạm, chỉ cần điềm tĩnh lắng nghe câu chuyện của con, con có thể tự có câu trả lời cho mình", bà Tô Nhi A nói thêm.
Tiến sĩ Tô Nhi A cũng hướng dẫn học sinh cách xử lý khi bị bạo lực học đường với ba bước quan trọng. Trước tiên, các em cần ưu tiên sự an toàn của bản thân, có thể bỏ chạy hoặc nhờ người xung quanh hỗ trợ, và tự vệ nếu cần thiết. Tiếp theo, học sinh nên chia sẻ với người mà mình tin tưởng để hiểu rõ nguyên nhân sự việc và tìm hướng giải quyết phù hợp.
Cuối cùng, nếu phụ huynh đã can thiệp nhưng tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn, các em cần tiếp tục lên tiếng để cha mẹ và giáo viên có thể đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ mình.
Cũng tại chương trình, Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho biết, khác với bạo lực truyền thông, bạo lực trực tuyến có thể xảy ra liên tục và ở bất cứ đâu, rất khó để phát hiện. Thông tin bắt nạt trôi nổi trên mạng là vĩnh viễn và có thể bị “đào đi, đào lại” rất nhiều lần.
Từ đó ông đặt vấn đề khi phụ huynh trao cho con quyền sử dụng điện thoại giống như “con dao hai lưỡi” nếu như con không biết sử dụng. Do đó, cha mẹ cần phải quan sát con sử dụng điện thoại, dặn dò con những tình huống cần báo cho người lớn để xử lý.

Trong khuôn khổ chương trình, nhóm tác giả ra mắt sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh tiểu học và THCS.
Nhà báo Hoàng Hương, Ban Giáo dục Báo Tuổi Trẻ chia sẻ, cuốn sách hướng đến giải pháp phòng tránh và hạn chế bạo lực học đường. Đó cũng là lý do ngoài đội ngũ các chuyên gia tâm lý, tác giả sách còn có các nhà báo.
"Vì bộ sách hướng tới giải pháp nên các nhà báo sẽ đưa ra những tình huống thực tế. Từ những chất liệu trên, các nhà tâm lý sẽ gợi ý cách giải quyết, cách ứng xử, trên cơ sở đó khi tiếp cận bộ sách, các em có thể tìm được giải pháp cho bản thân khi mình gặp phải tình huống tương tự. Trong quá trình biên soạn sách, chúng tôi đã chắt lọc hết sức có thể, không dàn trải, không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề chính để giảm bớt, hạn chế tình trạng bạo lực", nhà báo Hoàng Hương nhấn mạnh.