Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của giới trẻ Vĩnh Long

GD&TĐ - Cùng với sự phát triển, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vĩnh Long từng bước lan tỏa ở nhiều địa phương.

Tỉnh Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Tỉnh Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Long xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là nhân tố quan trọng, từng bước xây dựng hệ sinh thái KN, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, giá trị tài nguyên bản địa.

Tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội

Thời gian qua, hoạt động KNĐMST tại Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 3 năm (2017 - 2019), tỉnh đã mở 12 lớp đào tạo ngắn hạn cho hơn 624 đối tượng là cán bộ, lãnh đạo quản lý tại các doanh nghiệp và 320 đối tượng được huấn luyện KN. Năm 2018, tỉnh tổ chức thành công cuộc thi ý tưởng KN; phát triển mới 352 doanh nghiệp và 25 HTX đi vào hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt là triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho hộ gia đình, cho những startup hiện thực hóa ý tưởng, dự án KN và cộng đồng doanh nghiệp. Thể hiện rất rõ thông qua các đánh giá về PCI, PAPI, PAR. Trong đó, PCI của tỉnh luôn nằm trong nhóm tốt nhất nước và khu vực ĐBSCL.

Đến năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1267 về Chương trình Hỗ trợ KN tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KN, khuyến khích thúc đẩy tinh thần KN; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng những chính sách, công cụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh…

Theo ông Lý Công Danh - Phó Trưởng Phòng Quản lý KH - CN (Sở KH - CN), các trường ĐH, CĐ bước đầu đã hình thành các trung tâm hỗ trợ sinh viên KN như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long với “Vườn ươm KNĐMST”, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu tại Vĩnh Long với “Vườn ươm Mekong”.

Bên cạnh đó, các trường cũng đã bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất như: phòng thí nghiệm, nhà xưởng, không gian học tập và nghiên cứu hỗ trợ giúp sinh viên phát huy tư duy KNĐMST trong học tập và nghiên cứu KH - CN.

Ông Lý Công Danh cũng cho biết, nhằm kết nối mạng lưới KN, tỉnh đã tăng cường và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp KNĐMST quảng bá, tiêu thụ và mở rộng thị trường sản phẩm.

Thông qua các sự kiện như Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V tại Vĩnh Long; Hội chợ Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2022; hội chợ triễn lãm chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Hội nghị Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp giữa tỉnh Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh… đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, trong đó có các doanh nghiệp KN từ nguồn nông sản của địa phương.

Ngoài ra, thông qua sàn thương mại điện tử của ngành công thương đã tạo điều kiện để người mua, người bán có thể giao dịch mua bán trên nền tảng công nghệ số. Đến nay đã có trên 1.200 sản phẩm hàng hóa của hơn 300 đơn vị tham gia giao dịch.

Lan toả tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên Vĩnh Long.

Lan toả tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên Vĩnh Long.

Hình thành Trung tâm KNĐMST tỉnh Vĩnh Long

Từng bước lan tỏa tinh thần KNĐMST, tuy nhiên còn nhiều khó khăn như doanh nghiệp thành lập mới có quy mô vốn nhỏ, vốn ít, ít áp dụng công nghệ cao nên chất lượng doanh nghiệp hạn chế, nhiều doanh nghiệp bị phá sản phải rời khỏi thị trường. Ý tưởng KN của sinh viên, thanh niên mới dừng lại ở các đề án, chưa mang tính đột phá nên khả năng thương mại hóa, tìm nhà tài trợ để phát triển ý tưởng, thành lập doanh nghiệp KNĐMST còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Giới - Phó Giám đốc Sở KH - CN, hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh cần một tổ chức làm đầu mối với chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, cung cấp những thông tin liên quan của các chủ thể hệ sinh thái; các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KNĐMST; hoạt động đào tạo, liên kết, hợp tác và tăng cường liên kết và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hành động thống nhất; hướng đến mục tiêu chung - mô hình kinh tế mới dựa trên ĐMST.

Tổ chức này cũng sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng các hoạt động với trọng tâm tập trung vào phát triển các hoạt động liên kết, hình thành các mạng lưới hỗ trợ cho hệ sinh thái KNĐMST, nghiên cứu và đề xuất các chính sách mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ KNĐMST tỉnh Vĩnh Long”, ThS Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH - CN TP Hồ Chí Minh đã đề xuất dự thảo Đề án Trung tâm KNĐMST tỉnh Vĩnh Long. ThS Huỳnh Kim Tước cho biết, việc hình thành và phát triển Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST tỉnh Vĩnh Long là hết sức cần thiết cho sự phát triển tiềm lực KH - CN, ĐMST của tỉnh.

Trung tâm được hình thành trên cơ sở kiện toàn tổ chức và khai thác các hạ tầng cơ sở sẵn có của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH - CN. Trung tâm là hạt nhân phát triển mạng lưới KNĐMST tỉnh Vĩnh Long, liên kết với mạng lưới KN quốc gia, quốc tế. Trung tâm hoạt động gắn kết chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn KN tỉnh, Quỹ Hỗ trợ KN tỉnh, Tỉnh Đoàn và các trường ĐH, CĐ, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Thanh Việt - Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc, đơn vị KN với sản phẩm là các loại bánh từ khoai lang đã khai trương Cà phê KN Mr. Khoai Lang. Không chỉ là điểm trưng bày, bán sản phẩm, đây còn là điểm gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nghiệp KN, các chuyên gia.

Với việc thành lập Trung tâm KNĐMST của tỉnh trong tương lai, anh đã đóng góp nhiều đề xuất như: “Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viết các ý tưởng/dự án KN theo hướng ĐMST; kết nối với các tổ chức, các quỹ để tăng cường kêu gọi đầu tư cho các dự án. Hướng dẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức giao lưu học hỏi, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Và điều cần thiết nhất là đội ngũ trong tổ chức KN phải thật sự trẻ, nhiệt huyết, thân thiện, sát tay cùng các ý tưởng/dự án”…

KNĐMST thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Long đã và đang có những bước tiến đầu tiên, đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái KN, phát huy sức sáng tạo xây dựng quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.