Lan toả mô hình 'Lắng nghe học sinh nói' trong trường học

GD&TĐ - Mô hình “Lắng nghe học sinh nói” được đánh giá là mang lại hiệu quả tích cực trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học.

Học sinh trình bày trong buổi “Lắng nghe học sinh nói”.
Học sinh trình bày trong buổi “Lắng nghe học sinh nói”.

Cũng qua đây, học sinh được trình bày ý kiến, tranh biện vấn đề quan tâm để trau dồi thêm kiến thức và nhiều kỹ năng trong cuộc sống.

Cơ hội trải lòng

Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sóc Trăng kết hợp BCH Đoàn Trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung ra mắt mô hình “Lắng nghe học sinh nói”.

“Diễn đàn được tổ chức với quan điểm “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” nên em và các bạn thỏa sức nói lên ý kiến bản thân xung quanh các chủ đề quan tâm. Đây không những là sân chơi để học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân mà còn học được nhiều bài học bổ ích không có trong sách vở. Việc đứng trước toàn trường chia sẻ ý kiến riêng cũng giúp em và các bạn rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin, dám nói dám làm, chịu trách nhiệm…”, Nguyễn Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 12A2 trao đổi.

Thầy Nguyễn Minh Vương, Bí thư Đoàn Trường THPT Đoàn Văn Tố cho biết: Mô hình được BCH Đoàn trường thực hiện từ đầu năm học 2022 - 2023 theo định hướng của Ban Thường vụ Huyện đoàn Cù Lao Dung. Mô hình được tổ chức mỗi tuần/lần vào sáng thứ Hai.

Sau giờ sinh hoạt dưới cờ, Ban Giám hiệu dành ra 30 phút để BCH Đoàn trường triển khai, học sinh lên sân khấu chia sẻ các chủ đề, nội dung liên quan đến thời sự học đường được các em quan tâm. Những học sinh còn lại sẽ phát biểu ý kiến, đồng tình hoặc không về vấn đề mà bạn vừa chia sẻ, đồng thời nêu lập luận để bảo vệ quan điểm cá nhân. Kết thúc chương trình, Ban Giám hiệu, Bí thư Đoàn trường hoặc giáo viên chuyên môn kết luận vấn đề, định hướng cho học sinh.

Theo thầy Vương, sau 9 tuần thực hiện các chủ đề: Tình yêu tuổi học trò; Lối sống của giới trẻ; Công bằng - bình đẳng giới; Môi trường, ứng xử trên không gian mạng; Phương pháp dạy và học môn tiếng Anh; Trách nhiệm của giới trẻ với cộng đồng; Tệ nạn xã hội; Sức khỏe sinh sản vị thành niên… 100% học sinh nhà trường đã tham gia.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Dù mô hình “Lắng nghe học sinh nói” không mới, tuy nhiên khi tổ chức tại Trường THPT Đoàn Văn Tố vẫn được học sinh đón nhận, hưởng ứng với số lượng đăng ký tham gia hàng tuần vượt dự kiến. Các em đã tích cực phát biểu, chia sẻ quan điểm, góc nhìn cá nhân với từng chủ đề đồng thời cũng mạnh dạn đưa ra giải pháp tháo gỡ cùng nhà trường.

BTV Tỉnh đoàn Sóc Trăng trao Giấy chứng nhận mô hình “Lắng nghe học sinh nói” của Trường THPT Đoàn Văn Tố.

BTV Tỉnh đoàn Sóc Trăng trao Giấy chứng nhận mô hình “Lắng nghe học sinh nói” của Trường THPT Đoàn Văn Tố.

Thầy Nguyễn Minh Vương cho biết thêm: Ban Giám hiệu, đặc biệt thầy cô làm công tác chủ nhiệm đánh giá cao mô hình từ khi triển khai bởi đã mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng tại trường học. Qua từng diễn đàn, học sinh có nhận thức tích cực về cuộc sống, phân biệt rõ ràng điều tốt, xấu; chủ động bảo vệ bản thân trước sai trái, độc hại; đưa ra hành vi, cách giao tiếp phù hợp từng bối cảnh; cách ứng xử, thể hiện tình cảm bạn bè trong thực tế và không gian mạng thêm chuẩn mực.

“Đoàn trường chưa phát hiện học sinh nào sử dụng mạng xã hội sai trái, tiêu cực. Các em nhận thức về trách nhiệm bản thân với cộng đồng ngày càng cao hơn. Đặc biệt, mô hình giúp nhiều học sinh thêm hiểu và mong muốn gắn kết, tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn ý nghĩa…”, thầy Vương chia sẻ.

Học sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo, lớp 12A2 cũng bày tỏ vui mừng khi được tham gia diễn đàn hay, bổ ích - “Lắng nghe học sinh nói”. Theo Thảo, Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô đã nghe được “tiếng lòng”, mong muốn của học sinh về trường lớp, giáo viên và các vấn đề liên quan tới lứa tuổi học trò trong phạm vi học đường. Trên cơ sở đó, giữa thầy cô và học trò, Đoàn trường và đoàn viên thêm hiểu để chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ nhau tốt hơn trong các hoạt động giáo dục, và phong trào Đoàn hội.

Cùng nhìn thấy hiệu quả từ mô hình “Lắng nghe học sinh nói”, nhiều học sinh của trường cũng cho rằng, các diễn đàn đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. Khi tham gia, học sinh tăng sự tự tin, biết cách tự học, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, trình bày quan điểm, suy nghĩ về một vấn đề trôi chảy.

Đặc biệt, khi thầy, cô giải đáp cụ thể một vấn đề, các em được cung cấp thêm kiến thức, định hướng đúng đắn cả trong suy nghĩ và hành động. Đối với BCH Đoàn trường, là cơ hội nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, từ đó điều chỉnh công tác tổ chức chương trình, mang đến các phong trào, hoạt động phù hợp thực tế.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sóc Trăng đã trao Giấy chứng nhận mô hình “Lắng nghe học sinh nói” cho Trường THPT Đoàn Văn Tố đạt mô hình cấp tỉnh trong việc đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học, năm học 2022 - 2023.

Anh Huỳnh Quốc Quy - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao việc triển khai, tổ chức mô hình “Lắng nghe học sinh nói” tại Trường THPT Đoàn Văn Tố. Từ hiệu quả, thành công ban đầu, mong muốn nhân rộng mô hình trong các nhà trường trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ