Trước tình hình nền nhiệt độ xuống thấp, cảnh báo rét đậm rét hại, nhiều sở GD&ĐT các tỉnh miền núi nhanh chóng chỉ đạo và hướng dẫn cho các đơn vị, nhà trường chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Theo ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, đợt rét những ngày đầu tiên của năm 2021 tại Bắc Kạn rất khắc nghiệt khi hạ xuống 5 - 70C, vùng núi cao dưới 30C, nhiều sương muối. Sở đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp trên tinh thần vừa đảm bảo đời sống và an toàn cho cán bộ giáo viên và học sinh, nhất là trẻ nhỏ, vừa đảm bảo hoạt động của cơ quan đơn vị.
Trường PT bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (Pác Nặm, Bắc Kạn) có 359 học sinh, trong đó có đến 66 học sinh ở các điểm trường lẻ xa xôi trên các điểm núi cao. Tại đây, sương mù và giá rét buộc các thầy cô phải lùi thời gian vào lớp cho học trò đến 8h. Chúng tôi có sự trao đổi cụ thể với các phụ huynh để tăng cường quần áo và mũ ấm cho các cháu.
“Tại khu bán trú, các thầy cô giáo đã kiểm tra tu sửa và thêm bạt quây các phòng nhằm tránh gió lùa vào, đồng thời còn chuẩn bị thêm nhiều củi để đun nước ấm cho các em. Với các điểm trường lẻ, thầy cô còn phải chuẩn bị sẵn bếp củi để học sinh đến lớp được hơ chân tay sưởi ấm người trước khi vào học” - cô giáo Triệu Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Trước đó, học sinh ở đây đã được chương trình “Điều ước cho em” của Bộ GD&ĐT dành tặng nhiều áo ấm, giầy ủng, chăn bông.
Tại Thái Nguyên, Sở GD&ĐT đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, nhà trường phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với phụ huynh học sinh, dựa vào thông số dự báo thời tiết của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tối hôm trước để quyết định việc nghỉ học vào hôm sau (cấp Mầm non và Tiểu học nghỉ nếu nhiệt độ dưới 100C, cấp THCS và THPT nghỉ nếu nhiệt độ dưới 70C).
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn, đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt, các trường mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc trẻ. Các trường nội trú, bán trú cần quan tâm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, chỗ nghỉ ấm áp, chuẩn bị các loại thuốc men phục vụ y tế học đường” - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có sự trao đổi thường xuyên với cha mẹ học sinh về việc trang bị cho các em giầy tất, áo ấm, khăn mũ, nước ấm; thông báo kịp thời với các gia đình về việc cho học sinh nghỉ học, phòng chống rét.
Ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường trong những ngày mưa rét phải phối hợp cùng gia đình nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm và không bắt buộc mặc đồng phục, không tổ chức các hoạt động ngoài trời, không để học sinh đứng ngoài cổng trường mà cần đưa các em vào phòng để giữ ấm và quản lý đến khi phụ huynh đón về”.
Bên cạnh đó, Tuyên quang cũng yêu cầu các đơn vị bố trí trực trường, đảm bảo mọi công việc hành chính vẫn diễn ra bình thường trong thời gian nghỉ học.
Tinh thần cùng chia sẻ, đùm bọc yêu thương cũng được ngành giáo dục Tuyên Quang phát động và lan tỏa đến các nhà trường. Tại trường THPT Hà Lang, thầy cô giáo và học sinh đã quyên góp hơn 8 triệu đồng cùng nhiều vật dụng thiết yếu cho mùa đông như áo ấm, chăn ấm, tất, găng tay, mũ, gửi tặng đến 40 học sinh hoàn cảnh khó khăn.