Từ dạy theo bản năng đến giảng dạy khoa học, sáng tạo và truyền cảm hứng
Hai mươi giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ vừa hoàn thành khóa học ngắn hạn “Chứng chỉ Chuyên môn về giảng dạy bậc đại học” (SCUT – Specialist Certificate in University Teaching), do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Trung tâm Việt-Úc.
Đây là lần thứ hai khóa học tiên phong này được thực hiện, bao gồm tập huấn chuyên sâu và tham quan thực tế tại cả Việt Nam và Australia cùng các dự án ứng dụng kiến thức từ khóa học, diễn ra trong 10 tháng.
Khóa học được thực hiện với sự phối hợp của Đại học Melbourne, trang bị cho học viên kiến thức và chiến lược nâng cao hiệu quả giảng dạy bậc đại học.
Không chỉ là một lớp học về phương pháp, đối với nhiều giảng viên tham gia khoá đào tạo này thì SCUT là hành trình “khai phóng”, đổi mới tư duy sư phạm.
Một trong những điểm nổi bật nhất mà các giảng viên thu nhận được từ SCUT chính là nền tảng kiến thức chuyên sâu, bài bản về các phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm.

ThS. Vũ Phương Anh, giảng viên trẻ của Học viện Ngoại giao chia sẻ: “Trước khi tham gia SCUT, cách giảng dạy của tôi phần lớn dựa trên bản năng. Tôi đã được tiếp cận một cách có hệ thống với các nguyên lý giảng dạy đại học – từ thiết kế bài học, đánh giá sinh viên, đến xây dựng môi trường học tập bao trùm (inclusivity)...
Tôi đặc biệt ấn tượng với triết lý lấy người học làm trung tâm và cách các giảng viên tại Đại học Melbourne kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách hiệu quả.
Còn đối với TS. Nguyễn Minh Trang, giảng viên Học viện Ngoại giao thì cái được nhất là đã học được rất nhiều từ phương pháp giáo dục của các thầy cô trực tiếp giảng dạy, cách thầy cô tương tác, đặt câu hỏi cho học viên, đặc biệt là thiết kế bài giảng, kiểm tra đánh giá bao giờ cũng phải gắn với mục tiêu cần đạt.
Sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy từ khoá học cũng như cách tiếp cận vấn đề mang lại cho các giảng viên một cái nhìn đa chiều, cởi mở và thực tiễn, giúp họ điều chỉnh phong cách giảng dạy của mình theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Khóa học còn mang lại những giá trị thực tiễn sâu sắc khi kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. ThS. Đỗ Tư Hiền cho biết: “Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi chính là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong suốt khóa học. Không chỉ truyền đạt, các giảng viên tại Melbourne khuyến khích thảo luận, hợp tác và tư duy phản biện – điều đó khiến tôi thay đổi toàn bộ cách nhìn về lớp học đại học, về cách thức tạo ra môi trường học tập chủ động và kích thích tư duy phản biện ở sinh viên, chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người học”.
Các giảng viên đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy trực tuyến và xây dựng các bài học trực quan, dễ tiếp cận, không chỉ hỗ trợ việc truyền đạt kiến thức mà còn giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập, trao đổi với giảng viên và bạn học mọi lúc, mọi nơi.
Tiếp thêm nguồn cảm hứng đổi mới
Trong bối cảnh khối lượng lớn công việc, không ít giảng viên rơi vào trạng thái “dạy vì trách nhiệm”, “hao mòn” đam mê với nghề, SCUT, với môi trường cởi mở, phương pháp học tương tác, tinh thần hợp tác quốc tế đã thực sự tạo ra một luồng sinh khí mới.
TS. Nguyễn Minh Trang trải lòng: “Các giảng viên từ nhiều nền văn hóa khác nhau, ở nhiều độ tuổi, nhưng đều rất tâm huyết. Chính sự nhiệt tình đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi thêm đam mê giảng dạy”.
Cảm hứng ấy không dừng lại ở cá nhân, mà còn trở thành động lực để đổi mới tập thể. TS. Lê Thị Hạnh, Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia nhận định: “SCUT nhấn mạnh vai trò vai trò của công nghệ, đặc biệt là các công cụ số và AI, trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học.
Tôi tin đây là con đường tất yếu để giảng viên Việt Nam thích ứng với giáo dục đại học thời đại công nghệ số. Chúng tôi không chỉ được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy tiên tiến như: Học tập theo dự án, Lớp học đảo ngược và Dạy học dựa trên năng lực, mà còn được truyền cảm hứng để làm mới cách dạy học của mình”.
Một kết quả quan trọng của khóa học là 15 dự án ứng dụng kiến thức do các học viên thực hiện với đa dạng đề tài. Ví dụ, ThS. Vũ Phương Anh đã triển khai đề tài: “Cải thiện kết quả học tập và trách nhiệm của sinh viên Học viện ngoại giao thông qua phương pháp hỗ trợ từng bước (scaffolding)”, kết hợp cả lý thuyết tiếp thu từ khóa học và kinh nghiệm thực tiễn.
Tương tự, TS. Phan Vũ Tuấn Anh dẫn dắt dự án: “Dữ liệu lớn và Xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong phân tích diễn ngôn ngoại giao”, nhằm tích hợp công nghệ hiện đại - công nghệ Dữ liệu lớn vào đào tạo sinh viên ngành ngoại giao…
Tất cả các dự án sau khóa học đều được thiết kế phù hợp với bối cảnh Việt Nam để người học có những trải nghiệm tích cực hơn trong nhiều lĩnh vực quan trọng, đồng thời giúp chính học viên của khóa học cải thiện phương pháp tiếp cận của họ trong giảng dạy và thúc đẩy tự đánh giá và phát triển chuyên môn.
Lan tỏa đổi mới phương pháp giáo dục đại học
ThS Phương Anh cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp đánh giá theo hướng scaffolding, đồng thời điều chỉnh để giảm tải khối lượng công việc của giảng viên, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tăng mức độ hài lòng của sinh viên.
TS. Nguyễn Đồng Anh, Phó Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao cho hay: “Khóa học giúp tôi tiếp cận những phương pháp mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ và môi trường đào tạo hiện đại. Trải nghiệm thực tế tại Australia giúp tôi mở rộng tầm nhìn và tích luỹ kinh nghiệm có thể áp dụng ngay vào chương trình đào tạo tại khoa”.

Đặc biệt, sự hỗ trợ bài bản của Trung tâm Việt – Úc, cùng đội ngũ chuyên môn cao từ Đại học Melbourne đã giúp khóa học SCUT giữ vững chất lượng học thuật, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Australia trong việc hỗ trợ giáo dục đại học Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Khóa học SCUT không đơn thuần chỉ là một khóa tập huấn nâng cao năng lực sư phạm, đó là một hành trình chuyển đổi tư duy, làm mới cảm hứng và khai phóng năng lực giảng dạy cho hàng chục giảng viên Việt Nam. Từ đó, từng người trở thành một “tế bào lan tỏa” trong quá trình hiện đại hóa giáo dục đại học trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.
SCUT không chỉ thay đổi từng cá nhân mà còn khơi gợi sự lan tỏa trong hệ thống giáo dục đại học, khi kết nối các giảng viên đến từ nhiều cơ sở đào tạo khác nhau.
“Chúng tôi được kết nối học thuật với các chuyên gia, giảng viên quốc tế và đồng nghiệp trong nước. Sự hợp tác này đang dần tạo ra một cộng đồng giảng viên chuyên nghiệp và đổi mới” - TS. Dương Quốc Bình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định.
Từ SCUT, người thầy không chỉ giỏi hơn – mà còn truyền cảm hứng hơn, sáng tạo hơn và sẵn sàng thay đổi vì người học. Họ trở thành người học tập suốt đời và cũng là người dẫn đường cho thế hệ sinh viên mới.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết khóa học SCUT2, bà Renee Deschamp, Đại biện lâm thời, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Hỗ trợ các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam nâng cao năng lực lãnh đạo chiến lược và hợp tác quốc tế là một cam kết nổi bật giữa Australia và Việt Nam theo kế hoạch hành động của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Chúng tôi tự hào mang đến kinh nghiệm chuyên môn của Australia để phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên tại các đối tác chính đang đào tạo, tập huấn cho thế hệ tương lai của Việt Nam.”