Làn sóng dịch chuyển của lao động ngành Y tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay, nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và có một làn sóng chuyển dịch nhân lực từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.

Gần 2 năm, số lượng nhân lực ngành Y tế xin chuyển hoặc thôi việc là rất lớn. Ảnh minh họa
Gần 2 năm, số lượng nhân lực ngành Y tế xin chuyển hoặc thôi việc là rất lớn. Ảnh minh họa

9.680 nhân viên y tế xin thôi hoặc bỏ việc

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thống kê và báo cáo số lượng nhân viên thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022.

Kết quả cụ thể trên cả nước, có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó, 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong số 8.810 nhân viên y tế có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM (2.035), TP Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).

Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có ở tất cả các chuyên khoa. Cụ thể như hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng.

Theo thống kê tại 63 tỉnh, thành phố, nhân lực y tế xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế y tế công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố và ít hơn ở tuyến huyện, xã.

Trong số 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghỉ việc có 4.477 nhân viên y tế làm việc ở tuyến tỉnh, 2.460 nhân viên y tế làm việc ở tuyến huyện và 903 nhân viên y tế làm việc ở tuyến xã.

Có 870 nhân viên y tế công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong số đó có 299 bác sĩ, 234 điều dưỡng, 52 kỹ thuật y, hộ sinh 6, dược sĩ 49 và 230 viên chức khác.

Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị đóng trên địa bàn TPHCM và các thành phố lớn: Đại học Y Dược TPHCM (134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện Trung ương Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người).

Áp lực lớn, thu nhập chưa tương xứng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế công lập là do áp lực công việc cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng. Số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ trong thời gian kéo dài. Đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TPHCM và một số tỉnh phía Nam.

“Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế”, báo cáo nêu rõ.

Thêm nữa, do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách Nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.

Mức lương chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần. Thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng giảm đi. Vì vậy, thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh. Nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, vùng khó khăn, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân nhân lực và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ có năng lực đăng ký tuyển dụng. Một số cán bộ y tế công tác tại các tỉnh vùng cao khi học xong đã xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác.

Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế. Ngược lại, các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ điều kiện cơ sở vật chất, nhiều bác sĩ thấy áp lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, áp lực của xã hội, gia đình và người thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ