Làn gió mới trong hoạt động tập thể của học sinh Điện Biên

GD&TĐ - Những tiết mục dân vũ, điệu múa dân gian hay điệu nhảy đường phố là “làn gió mới” trong hoạt động tập thể của nhiều trường học ở Điện Biên.

Tiết mục múa xòe tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.
Tiết mục múa xòe tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.

Tạo nguồn năng lượng tích cực

Chúng tôi có mặt tại Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đúng giờ ra chơi. Khi tiếng nhạc “Xuân về trên rừng núi” bắt đầu vang lên, những học sinh trong bộ trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tuần Giáo bắt đầu với điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng và đồng đều.

Thầy Hiệu trưởng Cao Văn Bằng chia sẻ: “Mới đây thôi, học sinh còn tập múa theo những bạn hướng dẫn. Bây giờ, chỉ cần nghe nhịp nhạc là các em đã có thể nhảy, múa theo đúng động tác và rất đồng đều”.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo luyện tập bài nhảy dân vũ “Xuân về trên rừng núi”.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo luyện tập bài nhảy dân vũ “Xuân về trên rừng núi”.

Theo thầy Bằng chia sẻ, việc đưa các tiết mục nhảy dân vũ vào hoạt động tập thể được thực hiện kế hoạch số 1889 của liên ngành giữa Sở GD&ĐT và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cũng có văn bản số chỉ đạo các trường phổ thông tích cực trong việc tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc, các điệu nhảy đường phố cho học sinh.

Ngay từ đầu năm học, Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo đã hướng dẫn cho học sinh toàn trường luyện tập một số điệu nhảy dân vũ mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Khi mới triển khai tập luyện, nhiều học sinh còn e ngại nhút nhát. Chỉ sau một tuần luyện tập, các em đã nhớ được các động tác và thực hiện nhịp nhàng theo điệu nhạc. Trên sân trường cùng với những bộ trang phục dân tộc, áo đoàn, các em học sinh đã tự tin sải bước theo điệu nhạc như để trôi đi những mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng và để nạp thêm năng lượng cho các tiết học tiếp theo” – thầy Cao Văn Bằng chia sẻ.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo múa bài "Điệu xòe".

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo múa bài "Điệu xòe".

Theo đó, điệu nhảy dân vũ “Xuân về trên rừng núi” và bài “Múa xòe” là 2 trong số hoạt động sôi nổi và lôi cuốn được học sinh toàn trường. Khỏe, đẹp, vui tươi là thông điệp của hoạt động thể dục giữa giờ mà nhà trường mong muốn gửi tới học sinh. Qua đó, giúp học sinh có thêm nguồn năng lượng tích cực xem giữa những giờ học.

Thầy Bằng cho biết: “Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều điệu nhảy dân vũ, dân nhạc để học sinh có thêm nguồn năng lượng tích cực, hoạt động ý nghĩa ngoài giờ học trên lớp. Đồng thời, làm đa dạng hơn các hoạt động giáo dục của Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo”.

Duy trì bản sắc văn hóa dân tộc

Thầy Bằng cũng chia sẻ: “Hoạt động nhảy dân vũ chính là “làn gió mới” trong hoạt động tập thể của nhà trường. Đây cũng là các hoạt động góp phần giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tuần Giáo nói riêng”.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng luyện tập bài "Người đẹp Mường Then".

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng luyện tập bài "Người đẹp Mường Then".

Từ năm học 2018 – 2019, những điệu nhảy dân vũ, dân nhạc đã được Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng đưa vào trường học. Học sinh, thầy cô hứng khởi tham gia.

Đều đặn sau tiết học thứ 2 trong ngày, học sinh trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng lại tập luyện các tiết mục văn nghệ tập thể. Những điệu nhạc dân vũ mang âm hưởng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc được nhà trường ưu tiên lựa chọn như Múa xoè, Người đẹp Mường Then. Xen lẫn là các tiết mục đồng diễn hiện đại như Việt Nam ơi, Sẻ chia từng khoảnh khắc…

Tiết mục đồng diễn trên nền nhạc "Việt Nam ơi" của học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.

Tiết mục đồng diễn trên nền nhạc "Việt Nam ơi" của học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.

Thầy Hiệu trưởng Cà Văn Minh cho biết: “Năm học này, nhà trường có 420 học sinh với đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc đưa các tiết mục dân vũ, dân gian vào hoạt động tập thể nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, giáo viên trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, đây là hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh”.

Em Quàng Thị Thùy Linh, lớp 11B3, trường PTDTNT THPT Mường Ảng chia sẻ: “Em rất vui khi những điệu nhảy mang sắc màu của các dân tộc nói chung và đồng bào Thái nói riêng được đưa vào trường học. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, chúng em cũng tích cực với những điệu nhảy hiện đại, phù hợp với lứa tuổi. Qua đó, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như tiếp cận với hiện đại”.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng tự tin với điệu nhảy Cha Cha Cha.

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng tự tin với điệu nhảy Cha Cha Cha.

Theo thầy Minh cho biết, trong 2 ngày (18 - 19/9), trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng đã phối hợp với Trường THPT Mường Ảng tiến hành tổ chức tập huấn, tập luyện cho giáo viên, nhân viên, đoàn viên thanh niên 2 trường về những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc và điệu nhảy đường phố cho học sinh.

"Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động dân ca, dân vũ, dân nhạc và điệu nhảy đường phố cho học sinh. Đồng thời, đưa thêm những nét văn hóa đặc trưng của địa phương vào các hoạt động tập thể của trường" - thầy Cà Văn Minh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ