Lần đầu tiên Bộ Xây dựng thanh tra quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư

Bộ Xây dựng lần đầu tiên tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư.

Cư dân chung cư The Park Residence (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) căng băng rôn đòi chủ đầu tư minh bạch phí bảo trì
Cư dân chung cư The Park Residence (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) căng băng rôn đòi chủ đầu tư minh bạch phí bảo trì

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, theo đó, có 16 dự án chung cư thuộc diện thanh tra về công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì.

Trong đó có một số dự án vừa qua xảy ra tranh chấp như cụm chung cư Bắc Hà C14 (Tố Hữu, Nam Từ Liêm) do Công ty Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Trung Văn của Công ty cổ phần Xây dựng số 3; Chung cư tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hoàng Thành...

Tại TP HCM, một loạt dự án cũng nằm trong danh sách này như chung cư Khang Gia Tân Hương (Tân Phú); Hoàng Anh River View (Công ty Hoàng Anh Gia Lai); Chung cư Khánh Hội 2 (Công ty Đầu tư Dịch vụ Khánh Hội); Chung cư Morning Start (Công ty Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh); Chung cư Investco - Babylon (Công ty Xây dựng và phát triển Hồng Hà)...

Đây là lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng.

Cơ quan này cũng cho biết, đến đầu năm nay có 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư ở 11 địa phương. Trong số đó, có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì và theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng, tỷ lệ này không lớn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ở nhiều dự án có tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kế hoạch được ban hành thanh tra Bộ Xây dựng cũng tập trung vào việc điều chỉnh quy hoạch của một số tuyến đường nổi cộm như tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh ở TP HCM và tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội).

Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà; Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị - những người đại diện do cư dân bầu lên - để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, quỹ bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn. Ở những nhà chung cư trên 20 tầng thường quỹ bảo trì đã có giá trị khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Có những chung cư, quỹ bảo trì lên đến 160 tỷ đồng, tức gấp nhiều lần vốn điều lệ của một doanh nghiệp trung bình.

Theo thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, hơn một nửa chung cư tại Hà Nội chủ đầu tư chưa bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Cụ thể, có 254 trên tổng số 492 chung cư thương mại (chiếm 52%), 33 trong số 82 chung cư tái định cư (chiếm 40%). Trong số này có 39 trường hợp có tranh chấp về kinh phí bảo trì xảy ra ở chung cư thương mại.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho ban quản trị, thậm chí ra 2 quyết định cưỡng với 2 chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư có vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ