Lần đầu thi tốt nghiệp THPT môn Tin học, Công nghệ: Làm sao để học và thi tốt?

GD&TĐ - Năm 2025 có hai môn lần đầu tiên xuất hiện trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.

Qua khảo sát, nhiều học sinh lựa chọn môn Tin học để thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: ITN
Qua khảo sát, nhiều học sinh lựa chọn môn Tin học để thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: ITN

Dù xác định có thể chưa nhiều học sinh lựa chọn, nhưng các nhà trường đều quan tâm triển khai dạy học, ôn tập bài bản, tạo điều kiện tốt nhất cho trò lựa chọn hai môn học mới này.

Sẵn sàng tâm thế

Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) đã tiến hành khảo sát 329 học sinh lớp 11 về lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Kết quả, có khoảng 30% số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Tin học và gần 15% chọn thi tốt nghiệp môn Công nghệ. Trong khi đó, với việc lựa chọn môn học khi vào lớp 10 của học sinh nhà trường, đa số em chọn học Tin học, khoảng 40% chọn học môn Công nghệ.

Theo thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải, Tin học, Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không gây khó khăn gì cho nhà trường. “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để triển khai công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trong đó, hai môn Tin học và Công nghệ xây dựng ngân hàng câu hỏi theo định hướng cấu trúc của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nhà trường cũng lưu ý giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, tâm thế trước kỳ thi”, thầy Phan Trọng Hải chia sẻ.

Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế), thông tin từ thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2022 - 2023, nhà trường đã xây dựng các tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ cho học sinh lựa chọn.

Chương trình hai môn học này có các chủ đề tự chọn, giúp học sinh tìm hiểu thêm nội dung chuyên sâu của môn học. Hiện số em đăng ký tổ hợp có môn Tin học và Công nghệ chiếm hơn 50% tổng số học sinh của mỗi khối lớp. Tuy nhiên, việc chọn hai môn này để thi tốt nghiệp THPT chưa được nhà trường khảo sát.

“Việc ít học sinh chọn môn Tin học, Công nghệ để thi tốt nghiệp THPT không gây khó khăn cho nhà trường trong công tác tổ chức ôn tập. Lý do, nhà trường đã tổ chức kiểm tra giữa và cuối kỳ bằng hình thức tập trung với các môn, trong đó có Tin học, Công nghệ. Việc triển khai dạy học, tổ chức ôn tập bảo đảm học sinh đủ năng lực và điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Dự kiến, nhà trường sẽ khảo sát học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào đầu năm học 2024 - 2025. Sau đó triển khai xếp lớp theo môn học, năng lực học sinh để tổ chức ôn tập, bố trí thời khóa biểu trái buổi so với việc học chính khóa. Dự kiến thời lượng ôn tập là 2 tiết/môn/tuần; mỗi học kỳ trong năm học 2024 - 2025 sẽ ôn tập 15 tuần”, thầy Hoàng Minh cho hay.

Cô Đặng Thị Thu Hà - giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và học sinh thực hành quy trình thiết kế kỹ thuật.

Cô Đặng Thị Thu Hà - giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và học sinh thực hành quy trình thiết kế kỹ thuật.

Yêu cầu tinh thần tự học, vận dụng kiến thức

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; trong đó lần đầu tiên có đề môn Tin học và Công nghệ. Làm sao để ôn tập, làm tốt bài thi là băn khoăn của những học sinh dự định chọn môn học mới để thi tốt nghiệp THPT.

Là giáo viên môn Công nghệ, đồng tác giả SGK Công nghệ lớp 8, lớp 10 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), cô Đặng Thị Thu Hà - Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) lưu ý: Công nghệ là môn học có tính ứng dụng cao nên cần học bản chất và liên hệ thực tiễn với mọi đơn vị kiến thức.

Môn học này cũng đòi hỏi thực hành theo tiêu chuẩn và quy trình kỹ thuật, do đó, học sinh phải tỉ mỉ và áp dụng đúng quy trình. Công nghệ luôn có sự cải tiến, cập nhật không ngừng, yêu cầu học sinh có tinh thần tự học, tư duy phản biện tốt để đánh giá, sử dụng cũng như phát triển công nghệ một cách hiệu quả nhất.

Để học và thi tốt, cô Đặng Thị Thu Hà khuyên học sinh nên thảo luận mỗi chủ đề cùng nhau, tập đặt câu hỏi để khám phá, lấy thêm ví dụ khác SGK và tự phát hiện vấn đề xung quanh mình liên quan đến bài học để học tốt qua trải nghiệm sâu, thậm chí cả sai hỏng và thất bại. Các em cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật; có dụng cụ học tập tốt và phương pháp học phù hợp với bản thân; sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý.

Trong 2 lớp thầy Trang Minh Thiên - giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) giảng dạy có khoảng 17/79 học sinh dự kiến chọn môn này để thi tốt nghiệp THPT. Triển khai dạy học môn Công nghệ hay ôn tập các nội dung, thầy Thiên luôn quan tâm phát huy phẩm chất, năng lực cho học sinh; chú trọng đến phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực sao cho hiệu quả nhất. Học sinh học thật, thi thật theo đúng năng lực từng em.

Đối với những em lựa chọn môn Công nghệ để thi tốt nghiệp, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ cấu trúc đề mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên môn Công nghệ được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên việc lựa chọn, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng thật tốt rất quan trọng và các em nên chuẩn bị từ thời điểm này. Cùng đó, chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc, phân tích đề và các tình huống thực tiễn ở phần câu trắc nghiệm đúng sai; tránh học vẹt, học đối phó.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn tập với môn Tin học, theo thầy Phan Tấn Bình - Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Tin học Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp bám sát yêu cầu của chương trình. Trong đó, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh phân bổ thời gian hợp lý giữa việc dạy, ôn tập, luyện đề thi mẫu, thầy cô nên xây dựng kênh hỗ trợ dạy học, ôn tập cho học sinh theo hình thức trực tuyến, trực tiếp. Việc nắm sát, kịp thời hỗ trợ học sinh còn chưa chắc kiến thức vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả công tác ôn tập.

Với học sinh, thầy Phan Tấn Bình lưu ý, trước tiên phải nắm kiến thức cơ bản trong chương trình; nghiêm túc học, ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Các em nên chú trọng tổ chức học nhóm và rèn luyện thường xuyên các câu hỏi trắc nghiệm theo từng chủ đề và những dạng tổng hợp.

Nhận định về đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT môn Công nghệ, thầy Trang Minh Thiên cho biết, đề phân hóa rõ rệt về kiến thức và năng lực. Ở phần 1, học sinh có thể thuộc bài, hiểu bài cơ bản là có thể trả lời được.

Tuy nhiên, phần 2, để làm được bắt buộc thí sinh phải đầu tư, thấu hiểu thật sâu sắc nội dung kiến thức và biết cách vận dụng vào các tình huống cụ thể mới có thể làm bài trọn vẹn. Với môn Tin học, thầy Phan Tấn Bình nhận định đề minh họa rõ ràng, kiến thức rộng, có độ phân hóa và phân chia theo định hướng tin học ứng dụng và khoa học máy tính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.