Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Thay đổi tư duy về kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ - Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được nhận định có tác động nhanh chóng, tích cực đến công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá...

Học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) làm bài khảo sát chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) làm bài khảo sát chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Qua thử nghiệm và triển khai thực tế ở trường THPT, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được nhận định có tác động nhanh chóng, tích cực đến công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá. Định hướng mới trong xây dựng ngân hàng câu hỏi với tính mở, phát huy trí tuệ toàn ngành cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ địa phương, nhà trường.

Kết quả phản ánh quá trình dạy học

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều địa phương đã nhanh chóng áp dụng vào dạy học, kiểm tra, đánh giá, triển khai ra đề theo cấu trúc định dạng.

Tại Nam Định, cô Trần Thị Thanh Xuân - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, địa phương đã xây dựng đề kiểm tra môn Sinh học theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và thử nghiệm trên khoảng 1 nghìn học sinh lớp 10, lớp 11. Số liệu thu được cho thấy, đề có tính phân hóa cao.

Cụ thể, có hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình; trong đó 6,5 là số điểm đạt được nhiều nhất. Số học sinh đạt 8, 9 điểm giảm dần và trong 1 nghìn học sinh thử nghiệm, chỉ có 1 em đạt điểm 10.

“Đề minh họa có độ phân hóa cao và hạn chế may rủi trong lựa chọn đáp án; đòi hỏi học sinh có kiến thức chắc chắn, toàn diện, kỹ năng làm bài thành thạo, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn mới có thể làm tốt.

Từ đó, không chỉ đáp ứng mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH có thể tin tưởng sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Tôi tin rằng, cấu trúc đề thi mới sẽ tác động mạnh mẽ đến người dạy và người học. Để ra được đề, giáo viên cần đầu tư nhiều công sức, đưa ra các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực học sinh. Đề có ngữ liệu mang tính mở cao, phát huy tính sáng tạo, năng lực người học”, cô Trần Thị Thanh Xuân nhận định.

Tại Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 11/3, ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giáo viên cốt cán để nghiên cứu đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Các trường THPT tại Ninh Bình cơ bản triển khai kiểm tra, đánh giá theo định dạng đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố.

Đánh giá cao về đề thi minh họa, ông Đinh Văn Khâm nhấn mạnh, với đề thi này, học sinh không thể học tủ mà phải học rộng, đủ mới trả lời được các câu hỏi. Câu trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn có nội dung hàm lượng đủ sâu, đánh giá được năng lực tư duy, vận dụng kiến thức sáng tạo để giải quyết các vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn.

“Tôi ngồi giải đề toán và thấy đề đã loại trừ căn bản khả năng may rủi trong làm bài. Từ đó, kết quả thi, kiểm tra sẽ phản ánh chính xác quá trình dạy học”, ông Đinh Văn Khâm chia sẻ và khẳng định đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tác động mạnh tới việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Giáo viên phải dạy kỹ, căn bản, đầy đủ thì mới phủ hết kiến thức để học sinh hoàn thành bài thi. Thầy cô cũng phải dạy phương pháp tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; lập luận, quy trình tính toán, vững vàng công thức mới giải quyết được các câu hỏi trả lời ngắn, đúng/sai một cách hoàn thiện. Muốn đạt điểm cao, học sinh phải học thật, vững vàng, tư duy mạch lạc.

Cô Trần Thị Thanh Xuân - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh: NVCC

Cô Trần Thị Thanh Xuân - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh: NVCC

Nhiều lợi ích

Thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Bộ định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có “tính mở”, phát huy trí tuệ toàn ngành. Câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát của sở GD&ĐT, trường, đề kiểm tra học kỳ… Các đơn vị gửi đề thi, kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích bằng lý thuyết khảo thí. Những câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Bày tỏ tâm đắc với định hướng này, ông Đinh Văn Khâm cho rằng, nếu tích cực, chủ động và chỉ đạo đồng bộ, cả nước cùng làm sẽ nhanh chóng có được ngân hàng đề với bộ câu hỏi sát thực tiễn. Không chỉ phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngân hàng đề còn hỗ trợ các sở GD&ĐT, nhà trường trong kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, độc lập.

Điều lệ nhà trường ghi rõ trách nhiệm kiểm tra định kỳ là của hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng, ban giám hiệu không thể ra đề kiểm tra nên phải trông chờ vào giáo viên trực tiếp giảng dạy. Tự dạy, tự kiểm tra, đánh giá thì khó khách quan vì yếu tố chủ quan của giáo viên dạy vẫn cao.

Bởi vậy, nếu có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn để các nhà trường khai thác, xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ độc lập với việc dạy của giáo viên thì rất ý nghĩa. Khi đó, hiệu trưởng tin cậy vào kết quả đánh giá học sinh; giáo viên phải nỗ lực dạy để trò đạt chất lượng tốt.

Với những tác động tích cực như vậy, ông Đinh Văn Khâm đề nghị Bộ GD&ĐT sớm triển khai xây dựng ngân hàng đề. Hình thành cộng đồng giáo viên để xây dựng ngân hàng đề thi cho các cấp học, không chỉ cho thi tốt nghiệp THPT, thì mới có ý nghĩa sâu rộng.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đánh giá cao cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vì bảo đảm dạy học thực chất ở cơ sở, có nhiều nội dung kế thừa và phát triển.

Bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm lựa chọn đội ngũ ra đề thi, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đề thi, bà Lê Thị Hương cho rằng, người làm đề cần bảo đảm năng lực chuyên môn, trung thực, có kinh nghiệm, kỹ năng tốt. Đây là công việc khó khăn nên cần có chính sách tạo động lực cho đội ngũ, như thi đua khen thưởng, chế độ với người ra đề. Cấu trúc đề thi cần ổn định, ít nhất 5 năm, để thuận lợi trong quá trình dạy học, ôn tập trong nhà trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; công bố sớm đề minh họa và có hướng dẫn trong công tác kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng hơn; đặc biệt với môn mới đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như Tin học, Công nghệ.

“Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT kiên trì định hướng và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đây là kỳ thi có độ tin cậy cao, tổ chức khoa học, bài bản nhất. Cũng mong các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển, giúp giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội”. - Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.