Sơ sẩy là chết!
Chúng tôi tìm về Lý Sơn, nơi được mệnh danh “vùng đất của những vua lặn”. Ở đây, ngoài những “vua lặn” nổi tiếng từ xưa vì có độ lặn sâu, lặn lâu thì mỗi ngư dân ở Lý Sơn đều là một thợ lặn chuyên nghiệp, có thể xuống sâu 50 - 60 m. Thế nhưng, chính vì nghề lặn mà không biết bao gia đình tang tóc, hàng trăm đứa trẻ phải mất cha từ tấm bé.
Trong căn nhà nằm hút sâu ở xóm chài thôn Đông (xã An Vĩnh), bà Bùi Thị Trạch thẫn thờ bên bàn thờ anh Nguyễn Văn Anh. Bà liên tục gọi: “Con ơi, sao con bỏ mẹ!” .
Anh là con út trong gia đình có 3 anh em. Hơn chục năm trước, cha Anh mất sớm cũng vì nghề lặn. Từ năm 15 tuổi, vì gia cảnh khó khăn, Anh theo nghiệp cha tiếp tục nghề lặn biển.
Vốn là con nhà nghề, Anh hiểu rất rõ hiểm nguy luôn chực chờ. Thế nhưng, như một cái nghiệp, vào ngày 12/12, trong khi đi cùng các ngư dân khác lặn bắt hải sâm trên tàu của ông Dương Văn Giàu (ngụ xã An Vĩnh), Anh không thực hiện đúng quy trình giảm áp khi lên mặt nước dẫn đến tử vong ngay trên biển.
“Anh lặn khoảng 30 - 40 m nhưng khi ngoi lên mặt nước đã quá vội vàng, không thực hiện đúng quy trình giảm áp dẫn đến tai biến. Khi phát hiện sự việc, chúng tôi đưa Anh xuống giảm áp nhưng không kịp...” - Ông Dương Văn Giàu ngậm ngùi.
Trước trường hợp Nguyễn Văn Anh, cả xóm chài thôn Tây (xã An Hải) cũng bàng hoàng vì cái chết của ngư dân Nguyễn Văn Tường (25 tuổi).
Trong lúc Tường đang lặn bắt hải sâm thì bất ngờ dây dẫn khí bị trục trặc, dẫn đến tử vong khi đang ở độ sâu 30 m dưới đáy biển. Tường gặp nạn bỏ lại đứa con chưa tròn 3 tháng tuổi cùng người vợ trẻ mới cưới hơn 1 năm.
Không chỉ huyện Lý Sơn, tại xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng có hàng chục trường hợp tử vong vì lặn bắt hải sâm. Hai trường hợp mới nhất xảy ra vào cuối tháng 11/2014 là Nguyễn Thành Lan (29 tuổi, ngụ xã Bình Châu) và Đặng Công Danh (26 tuổi, quê Khánh Hòa). Cả hai đều lặn quá sâu nên bị áp suất nước gây tử vong.
Bất chấp hiểm nguy
Dù tai nạn xảy ra liên tục nhưng ngư dân vẫn lặn bắt hải sâm vì có thu nhập cao.
Thợ lặn Huỳnh Văn Của, ngụ huyện Lý Sơn, cho biết với giá thương lái thu mua hiện nay khoảng 500.000 - 800.000 đồng/kg, nhiều lúc 1,5 triệu đồng/kg thì lặn bắt hải sâm là nghề hái ra tiền. “Trung bình, mỗi thợ lặn đi một chuyến biển có khoảng 15 triệu đồng, nếu trúng sẽ hơn 100 triệu đồng” - Ông Của nói.
Theo ông Của, dù đem lại thu nhập cao nhưng rủi ro cũng vô vàn, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bỏ mạng hoặc để lại di chứng suốt đời.
Theo lão ngư Bùi Thượng - Người lặn biển kỳ cựu ở huyện Lý Sơn, hiểm họa luôn rình rập thợ lặn khi tìm bắt hải sâm bởi đồ nghề vô cùng đơn giản, chỉ duy nhất với dây hơi, không đồ lặn, không quần áo bảo hộ.
“Đại dương mênh mông vô cùng. Nhiều ổ hải sâm nằm sâu 60 - 70 m, vì cuộc sống nên nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy. Khi trở lên mặt nước, do chủ quan không thực hiện quy trình giảm áp nên tai nạn xảy ra liên tục” - Ông Thượng trăn trở.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn) - cho biết so với các nghề làm biển khác, lặn nguy hiểm bậc nhất.
Rất nhiều gia đình cũng nhờ nghề lặn làm nên sự nghiệp, có nhà cửa khang trang nhưng cũng không ít gia đình phải lâm cảnh tang tóc. “Nhiều đứa con thơ mất cha, vợ mất chồng. Còn những người may mắn không bị tử thần lấy mạng thì tàn tật suốt đời” - Ông Chinh xót xa.
Mỗi năm, hàng chục người chết
Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, toàn huyện có hơn 1.500 thợ lặn, chủ yếu bắt hải sâm ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, đã xảy ra 5 - 6 trường hợp tử vong vì không thực hiện đúng quy trình giảm áp, trục trặc dây hơi dẫn khí...
Ngoài ra, còn có hàng chục trường hợp bị bại liệt, tàn tật suốt đời. Tại xã Bình Châu (Bình Sơn), trong số gần 30 tàu cá chuyên bắt hải sâm, mỗi năm có từ 4 - 6 trường hợp tử vong trong lúc lặn.