Không tin nổi khi bác sĩ thông báo con còn sống
Đầu tháng 11/2019, bệnh nhân nam trung tuổi được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng loạn thần, khó chịu, không muốn hợp tác. Được biết, bệnh nhân đã đi lang thang nhiều tháng.
Không ai biết tên tuổi, quê quán của bệnh nhân. Thông tin liên hệ của người thân vì thế cũng bị bỏ ngỏ.
“Thực sự rất khó khăn cho chúng tôi vì gần như không thể khai thác được bất cứ thông tin nào từ phía bệnh nhân.
Không có tiền sử bệnh, chúng tôi chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của mình, từ các hành vi của bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị”, bác sĩ Đào Văn Quân, Khoa Bán cấp tính nam và Người bệnh xã hội cho biết.
Sau khoảng 1 tuần điều trị, bệnh nhân dần ổn định, có thể nhớ được địa chỉ của mình dù không thực sự cụ thể. Các bác sĩ nhanh chóng sàng lọc, xác minh để tìm ra thông tin liên hệ của người thân bệnh nhân ở Hưng Yên.
“Khi chúng tôi gọi điện thông báo, gia đình cho biết họ vừa làm đám tang cho người này được 2 ngày. Họ nhận được tin về 1 cái xác không rõ danh tính và cho rằng đó chính là người thân của mình nên đã đem về chôn cất, làm thủ tục ma chay”, bác sĩ Quân kể.
“Gia đình không thể tin là anh ấy còn sống. Họ đã gọi điện xác minh qua điện thoại, nhưng trên đường từ Hưng Yên qua Hà Nội vẫn liên tục gọi Facetime (cuộc gọi hình ảnh) để nhìn người thân của mình. Khi 2 bên gặp lại nhau, cảm xúc như vỡ òa. Họ cứ thế ôm nhau khóc”, bác sĩ Quân xúc động kể tiếp.
Nhiều năm gắn bó với các bệnh nhân vô danh ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, đó là một trong những trường hợp bác sĩ Quân nhớ nhất.
Bệnh nhân xã hội và những cái khó của người thầy thuốc
Những bệnh nhân vô danh vẫn thường được các bác sĩ gọi một cái tên chung là bệnh nhân xã hội. Họ thường là những người đi lang thang hoặc gây rối trật tự công cộng với những biểu hiện tâm thần, được công an Hà Nội đưa vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị.
Với những bệnh nhân xã hội, cái khó nhất của người thầy thuốc là làm sao để nhanh chóng tìm người thân cho họ.
“Việc liên lạc về gia đình rất quan trọng bởi để điều trị cho bệnh nhân tâm thần, bác sĩ cần khai thác bệnh sử mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có hướng điều trị rõ ràng.
Hơn nữa, sau khi đã điều trị ổn định, bệnh nhân cũng cần trở về với gia đình để được hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú, Khoa Bán cấp tính nữ chia sẻ.
Thông thường, các bệnh nhân xã hội mới nhập viện không thể nhớ chính xác tên tuổi, địa chỉ cũng như thông tin liên lạc của người thân. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân bắt đầu ổn định và có thể cung cấp các thông tin của bản thân, bác sĩ sẽ nhanh chóng xác minh để liên lạc với gia đình.
“Có những trường hợp, chúng tôi tìm được gia đình nhưng họ lại không muốn đón bệnh nhân về. Điều này thực sự khó khăn cho bác sĩ bởi một phần bệnh nhân một mực đòi về, một phần nếu cứ để bệnh nhân ở đó thì bệnh viện quá tải”, bác sĩ Tú kể.
“Trong trường hợp đó, bệnh viện buộc phải liên hệ với địa phương để đón bệnh nhân. Đường cùng, chúng tôi sẽ phải liên lạc với trung tâm bảo trợ xã hội để đưa bệnh nhân về đó chăm sóc”, bác sĩ Tú chia sẻ thêm.
Có những bệnh nhân, các bác sĩ phải mất khoảng thời gian rất lâu mới có thể giúp họ nhớ ra thông tin, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi.
Điều này khiến cho việc điều trị rất khó khăn. Với những bệnh nhân nặng, các nhân viên y tế phải hỗ trợ cả việc tắm, vệ sinh cá nhân và ăn uống cho họ.
“Nhiều bệnh nhân nhập viện trong trạng thái kích động, bùng nổ cảm xúc, không chịu hợp tác, giằng co với bác sĩ. Có trường hợp bệnh nhân thậm chí còn dọa kiện cả bác sĩ”, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú mỉm cười kể.
Khi bệnh viện là nhà
Ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có những bệnh nhân vô danh đã sống và sinh hoạt từ cách đây rất lâu, trong đó có anh Béo Trắng.
Anh Béo Trắng làm công tác hỗ trợ nhân viên y tế quản lý bệnh nhân tâm thần, gác cửa tại Khoa Bán cấp tính nam và Người bệnh xã hội - Ảnh: Nguyễn Liên
Béo Trắng là cái tên các nhân viên y tế đặt cho anh, vì anh không thể nhớ được họ tên chính xác của mình cũng như những thông tin cá nhân khác. Anh Béo Trắng đến bệnh viện từ cách đây hơn 30 năm, khi mới mười mấy tuổi.
“Số năm anh Béo Trắng ở đây còn lớn hơn khoảng thời gian công tác của người bác sĩ lâu năm nhất tại Khoa Bán cấp tính nam hiện tại. Chúng tôi chỉ biết thông tin bệnh sử của bệnh nhân qua việc tiếp nhận hồ sơ bệnh án và trao đổi với các bác sĩ điều trị trước đó”, bác sĩ Đào Văn Quân chia sẻ.
Anh Béo Trắng tuy không được nhanh nhẹn nhưng rất hiền lành và yêu thương các bác sĩ. Hàng ngày, anh làm công tác hỗ trợ nhân viên y tế quản lý bệnh nhân tâm thần, gác cửa tại Khoa.
Anh Béo Trắng cũng thường xuyên chủ động giúp các bác sĩ chia cơm, xếp ghế cho các bệnh nhân trong mỗi bữa ăn. Việc chăm sóc vệ sinh, ăn uống, sinh hoạt cho các bệnh nhân khác, anh cũng rất hăng hái.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú, người bệnh vô danh luôn được chăm sóc và điều trị như bao người bệnh không có gia đình ở lại chăm, chỉ khác là thời gian hồi phục của họ thường lâu hơn vì thiếu thông tin bệnh tật.
Nhiều bệnh nhân coi bệnh viện như gia đình. Khi tâm lý ổn định, họ có thể nhiệt tình tham gia các hoạt động trong Khoa, thậm chí giúp các bác sĩ rất nhiều việc.
Bệnh nhân đã điều trị ổn định, xác định chính xác địa chỉ và có thể tự trở về nhà, các bác sĩ sẽ liên lạc trước với người thân và nhà xe để giúp họ về quê.
Nhiều khi, bác sĩ phải đưa người bệnh ra tận bến xe, lấy số điện thoại của nhà xe và chỉ an tâm khi biết chính xác người bệnh đã về với gia đình. Tiền xe, quần áo, đồ ăn đi đường cũng được các bác sĩ chung tay quyên góp để giúp bệnh nhân.
“Với nhiều bệnh nhân lâu năm, chúng tôi quý họ như những người thân trong gia đình”, bác sĩ Đào Văn Quân chia sẻ.
Cũng có những bệnh nhân, họ sống, và ra đi trong chính mái nhà thứ hai này, khi vẫn chưa kịp biết cái tên chính xác của mình…