“Dù đã có quá nhiều cách thức để đơn giản hóa công việc nhưng không ai nghĩ đến chuyện hạ thời gian lao động xuống dưới 8 giờ/ngày”, tỷ phú Elon Musk khẳng định.
Thói quen quốc tế
Chúng ta thường nghĩ, “làm việc đến chết” là văn hóa lao động cực đoan của Nhật Bản. Từ thập niên 1950, dưới sự hối thúc và kêu gọi tái thiết đất nước của chính phủ, người dân xứ sở hoa anh đào đã điên cuồng làm việc 3 ca/ngày.
Bất chấp nền kinh tế đã phục hồi, người Nhật vẫn giữ thói quen làm việc quá sức. Nó dẫn đến hậu quả là hàng nghìn người tử vong vì lao lực mỗi năm.
Thực tế, hầu hết các đất nước đều cuồng làm việc đến chết. Tại phương Tây và từ thế kỷ XVI, cần cù là đức tính thiết yếu của người theo đạo Tin lành. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp (1760 - 1840), nó trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với lực lượng công nhân.
Bước sang thế kỷ XXI - thời đại của công nghệ hóa, các gã khổng lồ như Google, Facebook… còn đua nhau kêu gọi: “Hãy hy sinh giấc ngủ để thay đổi thế giới”.
Tại phương Đông, “chịu thương chịu khó” là bản chất con người. Từ nông dân cho đến các công nhân, thương nhân… đều thuộc nằm lòng câu “năng nhặt chặt bị”. Sau Nhật Bản, Trung Quốc khởi động phong trào 996, đòi hỏi người lao động làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày/tuần. Tại Hàn Quốc, tăng ca là chuyện thường nhật, mọi công nhân viên đều thường trải.
Bất kể trong nền văn hóa hay lĩnh vực nào, người chăm chỉ hết mình vì công việc cũng là tấm gương sáng. Vào năm 1987, Phố Wall (Mỹ) giương cao thông điệp “Tiền không bao giờ ngủ”.
Năm 2014, tờ New Yorker (Mỹ) phản ánh có sự “lãng mạn hóa làm việc đến chết” ở các “công nhân tri thức thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu”. Họ ca ngợi và ngưỡng mộ những người “hy sinh vì công việc” đến mức “giống hệt sự sùng bái”.
Tử vong vì làm việc quá sức
Cuối năm 2020, thống kê giờ giấc làm việc của người lao động toàn cầu cho thấy: Trung bình, mỗi người đang “tăng ca không lương” 7,3 giờ/tuần. Có 2 nguyên nhân chính khiến mọi người chấp nhận làm thêm giờ: Vì chủ thuê và vì bản thân.
Trong lí do “vì bản thân” cũng có 2 kiểu: Ép buộc và tình nguyện. “Ép buộc” là những người sợ mất công việc, thu nhập, phải bắt bản thân làm thêm không công để giữ vị trí hoặc thăng tiến. “Tình nguyện” là những người vốn cuồng công việc, sẵn sàng làm việc đến chết để thỏa mãn thói nghiện việc.
Nhìn chung, luật lao động quốc tế quy định ngày làm không quá 8 giờ và tuần làm nhiều nhất 6 ngày. Trong thời đại công nghiệp, công nghệ hóa hiện nay, thế giới có vô số phương thức, giải pháp hiệu quả nhằm đơn giản hóa việc làm. Dù vậy, đúng như nhận xét của tỷ phú hãng Tesla, Elon Musk, “không ai nghĩ đến chuyện hạ thời gian lao động xuống dưới 8 giờ/ngày”.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), làm việc từ 55 giờ/tuần trở lên khiến các nguy cơ bị đột quỵ tăng 35%, tử vong do biến chứng tim mạch tăng 17% so với chỉ làm việc từ 35 - 40 giờ/tuần. Cũng theo số liệu thống kê từ WHO, vào năm 2016, toàn cầu có tổng cộng 745.000 ca tử vong vì làm việc quá sức.
Biết mà không thể tránh
Đầu tháng 5/2021, thống kê về thời gian “tăng ca không lương” toàn cầu còn cho thấy một kết quả đáng sợ. Trung bình, mỗi người lao động đang “làm thêm không công” đến 9,2 giờ/tuần, cao hơn năm ngoái gần 2 giờ.
Sự gia tăng của làm việc từ xa và linh hoạt thời gian vì Covid-19 hóa ra lại nhiều nguy hại hơn tưởng tượng. Nó xóa bỏ ranh giới giữa “công” và “tư”, nhồi nhét công việc vào tất cả các giờ.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới khác hẳn so với thế kỷ XX”, giáo sư Anat Lechner (Mỹ) phân tích. “Nếu ở thế kỷ trước, người lao động làm việc đến 5 giờ chiều, ăn tối và thư giãn rồi lên giường đi ngủ vào khoảng 10 giờ đêm thì bây giờ, chúng ta chẳng có bất cứ quy luật thời gian nào cả”.
Thế kỷ XXI là thời đại 24/7, không phân biệt ngày – đêm. Cho dù là công việc hay vui chơi, giao tiếp cũng 24/7. “Cách đây vài thập kỷ, người bị lao lực cũng nhiều nhưng không nghiêm trọng như bây giờ”, Lechner tiếp tục.
Ngày nay, hiểu biết về căng thẳng và kiệt sức là kiến thức căn bản của người lao động. Hầu hết công nhân viên đều nhận thức rõ ràng vấn đề sức khỏe, bảo hiểm y tế ở chỗ làm. Nhờ sự đa dạng và phổ biến của các phương tiện truyền thông đại chúng, xã hội, họ cũng liên tục được cập nhật về hậu quả của làm việc đến chết. Tuy nhiên, tình trạng lao lực lại không hề suy giảm.
“Thế hệ trẻ bây giờ còn đang lao lực hơn bao giờ hết”, Lechner đau lòng. “Họ phải đối mặt với vô vàn áp lực tài chính, từ nợ sinh viên cho đến mức lương thấp, vật giá cao, giá thành bất động sản gia tăng…”.
Tháng 3/2021, nhóm 11 nhà phân tích năm nhất của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) đã tự tính toán giờ giấc làm việc của mình. Họ cho biết, nó lên tới 95 giờ/tuần và bình quân, mỗi người chỉ được ngủ 5 giờ/đêm. “Đây không phải chăm chỉ nữa, mà là bóc lột mất rồi”, một người than thở.
“Tôi không muốn phải Zoom cả ngày nữa”, Jonathan Frostick (45 tuổi), một quản lý của tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới – HSBC lên tiếng sau một lần bị đột quỵ vì đau tim. Ông cho biết không đổ lỗi cho chủ thuê, nhưng phàn nàn “công ty nào cũng ép thúc ép công nhân viên làm việc tận lực và không buồn quan tâm sức khỏe người lao động”.
“Hãy cân nhắc rủi ro sức khỏe khi xin và làm việc”, WHO kêu gọi. Gen Z (1996 - 2012) ở nhiều nơi cũng đang tích cực đấu tranh đòi minh bạch giờ giấc, từ chối tăng ca.
Có điều, các nhà tuyển dụng trả lời rằng: “Nếu anh/chị không muốn làm thì chúng tôi tuyển người khác. Ngay cả không có người khác, chúng tôi vẫn còn Al (trí tuệ nhân tạo) và cả đống người lao động sẵn sàng làm việc theo kiểu hợp đồng”.