Và cũng chẳng ai quan tâm mấy đến những chuyện tâm linh thì ít mà mê tín thì nhiều nhan nhản khắp đất nước nếu như sau mỗi buổi thuyết giảng của mình, bà Yến không kèm theo mức giá cho các tín đồ muốn giải oan. Tùy vào “tội lỗi” ở kiếp trước, mức giá ít nhất là vài triệu đồng; Còn nhiều nhất thì “tùy tâm” và tùy túi tiền của các thí chủ. Những ai không xu dính túi nhưng vẫn muốn giải oan, có thể đến chùa làm công quả, trừ “nợ”. Số “cu li” nơi cửa Phật này dễ có đến hàng chục người, suốt ngày quét dọn lau chùi.
Vị sư trụ trì chùa Ba Vàng cũng sẽ nhẹ nhàng cho rằng bà Yến tự tung tự tác. Tuy vậy, việc công khai số tài khoản của nhà chùa rồi dặn dò đạo hữu nhắn tin báo để nhà chùa biết sau khi đã chuyển tiền… thì gọi sao cho đúng nếu không nói đó là hành động làm tiền nơi cửa Phật?
Theo phản ánh của người dân ở khu vực Uông Bí, Quảng Ninh, cứ vào ngày mùng 8 âm lịch hằng tháng, tại chùa diễn ra khóa tu “Bát quan trai giới” do bà Yến “đứng lớp”. Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức thỉnh vong giải nghiệp mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Chùa Ba Vàng thu về cả trăm tỉ đồng mỗi năm cho các loại “dịch vụ” núp bóng thiền môn này. Nhìn quang cảnh người xe nườm nượp ra vào chùa, rồi hình ảnh các nam “nhân viên” - người của nhà chùa - mặt đầy cảnh giác, kiểm tra gắt gao những ai muốn “check in” vào chùa, đủ biết cả một quy trình khép kín được khoác dưới vỏ bọc hành đạo ở một trong những ngôi chùa lớn nhất khu vực phía Bắc này.
Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao những chuyện rao giảng về Phật pháp rất phi khoa học, thậm chí rất nhảm nhí ấy lại được nhiều người nghe một cách thành tâm? Không chỉ “nghe theo” mà còn bị mất tiền nhưng vẫn “vui vẻ chấp nhận” nữa? Không lẽ con người hôm nay không còn gì để tin rồi sao? Một câu hỏi nữa: Vì sao việc làm tiền diễn ra công khai như vậy từ nhiều năm nay mà vẫn tồn tại? Ai đã dung túng cho kiểu làm tiền trắng trợn, vô pháp vô thiên này?
Khi niềm tin bị hao khuyết thì mê tín sẽ lên ngôi, đó như một lẽ tự nhiên ở đời. Vấn đề là làm sao để khôi phục lại lòng tin của chúng sinh vào điều thiện, vào lẽ phải, vào luật pháp phải được thượng tôn thì khi ấy những điều nhảm nhí kia sẽ không còn đất sống.
Thật khó làm sao khi chùa chiền mọc lên như nấm và kinh doanh lòng tin như một “nghề” béo bở và an toàn. Ngay cả một số quan chức, nhất là vợ của họ, vẫn luôn đi tìm thầy, tìm “sư phụ” ở các chùa, đền để ký thác vào đó những ước nguyện vô minh thì việc “dạy cho dân” đừng tin vào điều nhảm nhí, thật khó hơn tìm nước trên sao Hỏa.