Làm thêm và hạnh phúc

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV dành nhiều thời gian thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đặc biệt là liên quan tới 16 điểm mới. Nhiều ý kiến tiếp cận Bộ luật ở những chiều kích khác nhau, đáng quan tâm là việc tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm.

Người lao động cần được giảm giờ làm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.     Ảnh minh họa/INT
Người lao động cần được giảm giờ làm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ảnh minh họa/INT

Thậm chí, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) còn nghẹn ngào khóc ở hội trường khi tranh luận về việc làm thêm giờ của công nhân. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thế giới đã bỏ quy định tăng giờ làm thêm.

Ở Việt Nam, “cứ làm một ngày 9 - 10 tiếng quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu!”. Không chỉ thế, ông còn dẫn chứng từ các ví dụ trên thế giới trong việc đấu tranh giảm giờ làm và kết luận, “làm từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài, vì năng suất không tăng”.

Trên lý thuyết, việc người lao động được giảm giờ làm, có thời gian ở cùng gia đình nhiều hơn sẽ có những sinh hoạt chung quây quần, đầm ấm, chia sẻ công việc, tình cảm, sự yêu thương. Đó là điều ai cũng mong muốn! Nhưng trên thực tế, còn có những lát cắt khác chi phối đến hạnh phúc của gia đình công nhân lao động, ấy là mức thu nhập - điều cơ bản, mối quan tâm lớn nhất, sự an cư lạc nghiệp, chuyện con cái ăn mặc, học hành, vui chơi…

Thực tế, người lao động ở Việt Nam đa số là người di cư, thậm chí từ miền Bắc vào miền Nam. Về mặt lý thuyết, họ cần được giảm giờ làm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; họ cần được nghỉ nhiều hơn, nhất là dịp lễ tết, để có thời gian về quê, sống bên gia đình…

Hôm rồi, tôi có đi công tác tại Bắc Ninh - tỉnh có hơn 205 nghìn lao động ngoại tỉnh, chiếm khoảng 70% tổng số lao động trên địa bàn. Trong đó, có hơn 101 nghìn người ngoại tỉnh tạm trú tại đây. Khi hỏi về việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - trả lời ngay rằng, đa số công nhân thuê trọ ở nhà dân, họ đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Về nhà mệt, ăn uống xong là ngủ ngay để lấy lại sức lao động, thời gian đâu mà hưởng thụ văn hóa - thể thao…

Tất nhiên, không chỉ riêng người lao động ở Bắc Ninh muốn tăng ca, đồng nghĩa với tăng thu nhập. Thế nên, phần nhiều trong số họ không thích những ngày nghỉ, nếu nó rơi vào giữa tuần thì về quê cũng không thuận tiện, mệt nhọc mà ở lại thì có khi lại buồn tênh, hoặc tụ tập lại tốn tiền, hại sức khỏe…

Thế nên, câu chuyện người lao động có muốn tăng ca hay không, gia đình người lao động có hạnh phúc không khi họ làm thêm giờ không đơn giản chỉ là về mặt lý thuyết, mà phải giải quyết căn bản vấn đề thu nhập bảo đảm mức sống không chỉ cho bản thân họ. Và với cá nhân người lao động, là việc được tạo điều kiện về chỗ ở ổn định, ví như khu tập thể cho người lao động thuê với giá rẻ, được mua nhà ở xã hội giá ưu đãi… Đó là những vấn đề sát sườn, căn cốt nhất…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ