Tính lương lũy tiến với giờ làm thêm

GD&TĐ - Làm thêm giờ vừa có lợi lại vừa có hại. Vì vậy, tiền lương làm thêm giờ phải bảo đảm hai mục tiêu: Bù đắp những tổn hại sức khỏe cho người lao động (NLĐ) và hạn chế việc lạm dụng bóc lột sức lao động.

May mặc là một trong những ngành có số giờ làm thêm cao nhất
May mặc là một trong những ngành có số giờ làm thêm cao nhất

Lợi và hại của làm thêm giờ

Làm thêm giờ có lợi khi người sử dụng lao động muốn hoàn thành công việc và NLĐ muốn tăng thêm thu nhập, có hại khi NLĐ phải hao phí sức lao động nhiều hơn. Việc xác định NLĐ có làm thêm giờ hay không và người sử dụng lao động có phải trả lương làm thêm giờ hay không, tùy thuộc vào từng hình thức trả lương áp dụng đối với NLĐ đó.

Cụ thể, đối với lao động hưởng lương theo thời gian thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài giờ làm việc bình thường theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Đối với lao động được hưởng lương theo sản phẩm và lương khoán thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm thêm số lượng sản phẩm, khối lượng công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động ngoài định mức được giao trong giờ làm việc bình thường.

Đối với một số đối tượng đặc biệt như người lãnh đạo, người phục vụ… người sử dụng lao động nên quy định nguyên tắc xác định làm thêm giờ cụ thể để có căn cứ thanh toán tiền lương làm thêm giờ hợp lý.

Theo Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc như sau:

Đối với NLĐ hưởng lương theo thời gian:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm

Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc khoán:

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm/khối lượng làm thêm

Cách tính tiền làm thêm

Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc xác định phương pháp tính tiền lương làm thêm giờ phải được đặt trong mối liên hệ thời giờ làm việc và trả lương. Về nguyên tắc, tiền làm thêm giờ được trả cao hơn để NLĐ được hưởng lợi trong một khoảng thời gian nhất định.

Thực tế phổ biến, việc xây dựng một định mức cụ thể theo giờ cho thời gian làm thêm đối với các trường hợp nhất định như làm thêm vào ban đêm, ngày nghỉ hoặc ngày lễ, đôi khi được coi là cách tính “lương lũy tiến”. Cách tính này có thể khiến các thủ tục hành chính trở nên phức tạp trong việc xác định khoản tiền lương ngoài giờ.

Vấn đề tiếp theo là mức lương cao hơn cho thời giờ làm thêm, có thể khiến NLĐ muốn kéo dài công việc bình thường trong ngày để lĩnh các khoản thanh toán ngoài giờ cao hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của NLĐ, cũng như ảnh hưởng tới năng suất lao động.

Dưới góc độ tích cực, lũy tiến lương theo số giờ làm thêm tiêu chuẩn có thể khuyến khích người sử dụng lao động giảm sự phụ thuộc vào giờ làm thêm với nhiều tốn kém và năng suất thấp, do bị gián đoạn và nguy cơ tai nạn lao động hơn so với thời giờ làm việc bình thường.

ILO cũng lưu ý thêm, tiền làm thêm giờ có thể được quy định trong luật hoặc thông qua các cơ chế khác. Ví dụ, thời gian làm thêm được xác định dựa trên sự kết hợp của quy định pháp luật và thương lượng tập thể. Luật đưa ra mức tối thiểu cho lương làm thêm giờ, và mức trong thỏa ước tập thể không được thấp hơn định mức tối thiểu này.

Theo Công ước số 1 của ILO, tiền làm thêm giờ phải cao hơn ít nhất 25% so với tiền lương giờ bình thường. Ủy ban Chuyên gia về áp dụng các Công ước và khuyến nghị của ILO nhấn mạnh rằng, tiền lương làm thêm giờ cần cao hơn so với định mức chi trả cho giờ làm việc bình thường, ngay cả khi thời gian nghỉ bù được bảo đảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ